Ngày 26-9, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã kiểm tra tình hình khắc phục sạt lở, ứng phó nguy cơ hạn hán thiếu nước và khảo sát vị trí xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé tại tỉnh Kiên Giang.
Nhiều nơi rất nghiêm trọng
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết tỉnh này có 80/200 km bờ biển sạt lở, nhiều đoạn rất nghiêm trọng. Trong đó có 3 vị trí, với tổng chiều dài 15,7 km đã có quyết định là tình huống khẩn cấp.
Đoàn đã khảo sát điểm sạt lở tại khu vực Hòn Quéo thuộc huyện Hòn Đất. Đây là điểm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bố trí kinh phí 100 tỉ đồng để khắc phục, làm kè chống sạt lở. Hiện huyện Hòn Đất có 25 km đê biển sạt lở, cần làm kè với tổng số vốn kiến nghị là 625 tỉ đồng.
Tại Kiên Giang, các vị trí đã có quyết định tình huống khẩn cấp, đủ điều kiện thực hiện là Mũi Rãnh (huyện An Biên), Xẻo Nhàu và vàm Kim Quy đến Tiểu Dừa (huyện An Minh). Trong đó, khu Mũi Rãnh bị xói lở bờ biển 5 km, khu vực Xẻo Nhàu và vàm Kim Quy đến Tiểu Dừa đều sạt lở 7 km. Tổng nguồn vốn cần để xử lý khẩn cấp 3 điểm này là 333 tỉ đồng. Tại những khu vực khẩn cấp, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện những biện pháp an toàn cho người dân; khẩn trương khảo sát, tham mưu đề xuất phương án, giải pháp xử lý; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tình trạng nguy hiểm và vận động người dân di dời đến nơi an toàn...
Kiên Giang còn có các vị trí sạt lở chưa có quyết định tình huống khẩn cấp nhưng cũng rất nghiêm trọng, với tổng chiều dài 62,6 km. Chẳng hạn như khu vực Thứ Nhất - Xảo Quao, Chủ Vàng - Mười Thân, bãi Nam, Xoa Ảo - mũi Ông Cọp… Tổng vốn đầu tư cho việc khắc phục đề xuất là 184 tỉ đồng. Giống như các vị trí đã có quyết định tình huống khẩn cấp đã nêu, hiện các khu vực này đã được Bộ NN-PTNT khảo sát, tổng hợp là sạt lở đặc biệt nguy hiểm nhưng chưa kiến nghị vốn đầu tư.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các bãi bồi ven biển tại Kiên Giang không ổn định và thay đổi theo từng năm. Hiện tượng bồi lở bờ biển diễn ra theo mùa, theo điều kiện thời tiết cũng như dòng chảy các kênh thoát lũ ra biển Tây. Mặc dù có những đoạn được bồi đắp nhưng không đáng kể, sạt lở vẫn nhiều hơn bồi tụ.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem bản đồ sạt lở và vị trí xây cống Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: THỐT NỐT
Không thể chần chừ
Sau khi khảo sát thực tế tình hình sạt lở bờ biển Đông, bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tối 25-9, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.
Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, từ năm 2015 đến nay, Cà Mau triển khai 24 dự án, công trình ven biển ứng phó thiên tai với chiều dài trên 28 km, tổng kinh phí 950 tỉ đồng. Hiện đang triển khai các dự án trên bờ biển Tây với kinh phí 60 tỉ đồng và nhu cầu còn thiếu 15 tỉ đồng; ở bờ biển Đông đang triển khai kè bảo vệ bờ biển tại Rạch Gốc với kinh phí 110 tỉ đồng… Bờ biển Đông đang là nơi sạt lở nghiêm trọng, có những nơi tốc độ từ 80- 100 m/tháng.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp bờ sông và bờ biển Đông với 8 vị trí nhưng thực tế tình hình sạt lở trên địa bàn vẫn ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung, báo cáo trung ương trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng bờ biển Cà Mau bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với 28 tỉnh, thành ven biển của cả nước trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bộ trưởng hoan nghênh Cà Mau đã chủ động trong thực hiện các giải pháp công trình ứng phó thiên tai vùng ven biển thời gian qua, mang lại hiệu quả trước mắt, làm cơ sở tiếp tục triển khai tại những vùng sạt lở khác.
"Thời gian qua, việc đầu tư, hỗ trợ Cà Mau cũng như các tỉnh ĐBSCL sử dụng bằng nhiều nguồn vốn. Tuy nhiên, có những nguồn vốn tiến độ giải ngân chưa đạt yêu cầu, cần chủ động trong áp dụng các vấn đề liên quan đến cơ chế, thủ tục theo hướng khẩn cấp, vì sạt lở đang đến hồi nguy cấp, không thể chần chừ. Chậm ngày nào thì tiếp tục mất rừng, mất đất, mà việc khôi phục lại cần có thời gian và tốn kém về nguồn lực" - Bộ trưởng chỉ rõ và chỉ đạo: Đối với dân cư sinh sống ven sông, cần thiết phải chủ động di dời, tái định cư bởi nguy cơ sạt lở luôn tiềm ẩn, gây thiệt hại lớn đến tài sản, kể cả tính mạng. Trung ương tiếp tục xem xét, ưu tiên sử dụng các nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư kè bảo vệ các tuyến dân cư đông đúc, có nguy cơ sạt lở cao.
Nhiều nơi công bố tình trạng khẩn cấp
UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt quyết định về tình huống khẩn cấp sạt lở sông Cái Côn, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành; đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng hỗ trợ 200 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách hằng năm của trung ương để khắc phục sạt lở, bảo vệ, di dời dân (khoảng 150 hộ).
Tương tự, Long An và Sóc Trăng cũng có các quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở nguy hiểm trên địa bàn 2 tỉnh này.
Bình luận (0)