Đến năm 2030, TP HCM dự kiến tăng thêm 992 trường so với năm 2020, tổng số học sinh (HS) dự kiến tăng hơn 396.000 em, nhu cầu về số phòng học mới từ bậc mầm non đến THPT là hơn 4.000. Diện tích đất cần bổ sung cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đến năm 2030 là hơn 8 triệu m2, thực trạng này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp ngay từ hôm nay.
Được phê duyệt nhưng không thể xây trường
Báo cáo của UBND TP HCM tại Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 02/2003/QĐ-UB ngày 3-1-2003 của UBND TP về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành GD-ĐT TP đến năm 2020, định hướng giai đoạn 2020-2030 cho thấy trong những năm qua, hệ thống trường, lớp phát triển mạnh từ nội thành đến ngoại thành, đáp ứng được yêu cầu học tập mỗi lúc một cao hơn.
Tại TP HCM, việc xây dựng trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ học tập đã góp phần đẩy mạnh việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu theo chương trình mới của Bộ GD-ĐT. Đến nay, tỉ lệ học 2 buổi/ngày ở tiểu học là 74,1%, THCS là 57,89%, THPT là 95,68%. TP HCM cơ bản bảo đảm đủ chỗ học cho HS trong độ tuổi đến trường, tuy nhiên sĩ số HS/lớp vẫn còn cao.
Sau khi TP HCM ban hành Quyết định số 02/2003/QĐ-UB, các quận, huyện đã xây dựng các đồ án quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn, từ đó triển khai các giải pháp thực hiện nhằm phát triển quy mô số lượng trường lớp như kêu gọi đầu tư xã hội hóa, bổ sung dự án xây dựng trường học trong các đồ án quy hoạch khu dân cư, điều chỉnh diện tích đất giáo dục, bố trí vốn giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án xây dựng trường lớp… Tuy nhiên, thực trạng diện tích đất công theo các đồ án quy hoạch được sắp xếp, bố trí để xây dựng các công trình giáo dục còn hạn chế, vị trí quy hoạch chủ yếu trên đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao, ảnh hưởng đến tính khả thi của quy hoạch.
Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích đất giáo dục đúng quy hoạch hiện hữu tại các quận, huyện chỉ đạt 57,48% so với quy hoạch được phê duyệt. Trong đó, chỉ tiêu đất giáo dục ở một số quận, huyện đạt rất thấp theo quyết định phê duyệt của TP, như quận 2 (nay thuộc TP Thủ Đức); các quận 6, 7, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nêu thực trạng trong thời gian qua, việc thực hiện Quyết định 02 gặp một số khó khăn do việc quy hoạch đất là đất các tổ chức, cá nhân đang sử dụng, là đất ở hoặc đất công trình. "Muốn thu hồi phải thương lượng, thỏa thuận, đền bù gây khó khăn và kéo dài. Vì vậy, nhiều khu vực quy hoạch dù đã được phê duyệt nhưng không thể triển khai xây dựng trường học được" - ông Hiếu nói.
Số lượng trẻ đến trường ngày càng cao, TP HCM cần quy hoạch đất cho giáo dục tương xứng Ảnh: TẤN THẠNH
Xác định 5 nhóm giải pháp
Ý kiến từ các quận, huyện cho rằng không thể chần chừ, cần các biện pháp mạnh tay vì đây là yêu cầu cấp thiết để duy trì chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi từ 3-18, kể cả không có hộ khẩu thường trú hoặc KT3 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 8, cho biết thực hiện chủ trương sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn quận thời gian qua gặp một số khó khăn do địa bàn rộng, trải dài, bậc mầm non có số điểm trường lẻ nhiều, phần lớn cải tạo từ nhà dân. Cơ sở vật chất, đất đai, tiến độ đầu tư xây dựng một số trường còn chậm, khó mở rộng quỹ đất... Mặc dù vậy, mạng lưới trường lớp trên địa bàn những năm qua đã phát triển nhanh, đặc biệt là xóa bỏ các điểm lẻ các trường mầm non, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Sở dĩ làm được điều này là vì UBND quận 8 trao thêm quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Mức độ tự chủ của các đơn vị được giao căn cứ theo mức tự bảo đảm kinh phí thường xuyên, khả năng huy động sự đóng góp của xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, xã hội hóa các nguồn lực thực hiện. Từ đó, tạo được nhiều chuyển biến, thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp chủ động hơn trong hoạt động, nâng cao chất lượng đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. "Công tác xã hội hóa giáo dục đã tác động nhất định đến việc tăng cường các trang thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương" - ông Sang thông tin.
Theo UBND TP HCM, để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, thành phố đã xác định 5 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về quy hoạch, đất, tăng cường cơ sở vật chất và đầu tư, huy động vốn, quản lý. Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết ngành GD-ĐT cũng đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, trong đó kiến nghị thành phố ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện. Đồng thời, thành phố cũng cần có cơ chế đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính…để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho rằng các địa phương và sở, ngành đã nỗ lực trong việc phát triển hệ thống trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của người dân thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được thì còn những khó khăn và thách thức để tiếp tục quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho nhân dân thành phố và yêu cầu đổi mới giáo dục...
Bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình khẳng định công tác rà soát quy hoạch mạng lưới trường học phải phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô phát triển của từng địa phương, không chạy theo con số mà phải bảo đảm chất lượng giáo dục, phù hợp với tình hình thực tiễn...
"Thời điểm hiện tại rất thuận lợi khi đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Điều chỉnh chứ không phải lập quy hoạch mới. Thành phố cần sự vào cuộc của tất cả ban, ngành: giao thông, tài nguyên, kế hoạch đầu tư, xây dựng... cùng với ngành giáo dục thực hiện" - ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM:
Chế tài mạnh với nhà đầu tư chậm trễ
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những phương án, chính sách ưu đãi nhằm huy động các nhà đầu tư, các nguồn lực ngoài ngân sách phát triển mạng lưới trường lớp. Cần rà soát lại các dự án chậm triển khai để có biện pháp chế tài mạnh hơn nữa với các nhà đầu tư đã giao đất nhưng chậm trễ trong công tác triển khai xây dựng công trình trường học theo quy hoạch được giao.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ:
Cần có chủ trương, kế hoạch cụ thể
Theo Nghị quyết của Đảng bộ TP HCM lần thứ X, chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học nhưng huyện Cần Giờ đã đạt 347 phòng học/10.000 dân. Toàn huyện có 38 trường học thì cả 38 trường đạt chuẩn quốc gia.
Để làm được điều này, cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự cần thiết phải có chủ trương, kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, cần có sự phối hợp tốt của phòng, ban, đơn vị liên quan để thống nhất cao trong việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các đơn vị.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh:
Khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng
Dù đã nỗ lực tập trung có trọng tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đúng theo quy hoạch phát triển mạng lưới trường học đã duyệt nhưng thực tế cơ sở vật chất trường, lớp chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập do tốc độc phát triển dân số, đô thị hóa nhanh ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Bình Hưng. Đặc biệt là khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án.
Bình luận (0)