Ngày 21-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", nhằm tháo gỡ các vấn đề cấp bách của ngành y.
Bệnh viện than khó, lo sợ
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hệ thống y tế còn những bất cập, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước. Đặc biệt, sau hơn 2 năm chống dịch Covid-19, hệ thống y tế đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Điển hình là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc; nhân viên y tế bỏ việc; bệnh viện quá tải; vướng mắc trong đấu thầu... Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam… xây dựng, đề xuất phương án cụ thể của lộ trình tính giá dịch vụ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành y tế Ảnh: HOÀNG HÀ
Tại hội nghị, đa số ý kiến của các địa phương, bệnh viện đều tập trung vào tình hình dịch bệnh, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế còn khó khăn… Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ y tế có tâm lý hoang mang, lo sợ, không an tâm công tác do có nhiều bất cập hiện nay, nhất là hoạt động mua sắm thuốc, hóa chất vật tư y tế và trang thiết bị y tế. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) - bác sĩ Nguyễn Tri Thức - nêu nhiều khó khăn tại bệnh viện và là tình trạng chung của các cơ sở y tế, trong đó có quy định tại Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính khi yêu cầu phải đủ 3 báo giá mới xây dựng kế hoạch mua sắm, trong khi có những mặt hàng độc quyền hoặc hãng chỉ có 1-2 đại diện ở một quốc gia, không đủ báo giá theo quy định, không mua sắm nổi.
Một bất cập khác mà bác sĩ Thức kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế tháo gỡ, đó là cho phép chấp nhận hình thức máy đặt, máy mượn, đấu thầu hóa chất và giá của các hóa chất này do Bộ Y tế quản lý bán hoặc đấu thầu tập trung quốc gia.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đồng tình với những đề xuất của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Đối với vướng mắc khiến thiếu thuốc, thiết bị y tế, ông Phớc đề nghị Bộ Y tế và các cơ sở y tế, địa phương rà soát lại lần nữa, gửi về Bộ Tài chính để tiếp thu và đưa vào sửa đổi trong thời gian sớm nhất.
"Nghề đặc biệt" cần được đối đãi đặc biệt
Sau nhiều giờ lắng nghe bác sĩ, đại diện Bộ Y tế và các bộ ngành chia sẻ những khó khăn của ngành y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ - nhân viên y tế… Đồng thời, khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội… "Quy định do chúng ta đặt ra, vướng mắc ở đâu thì phải tháo gỡ ở đó, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân. "Nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi cho y tế ở nước ta vẫn ở mức cao, chiếm tới hơn 40%. Đóng bảo hiểm mà người dân vẫn phải chi hơn 40% tiền túi thì phải nghiên cứu xem lại vấn đề này" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ còn lưu ý cần sớm hoàn thành phương án nâng thu nhập cho cán bộ y tế theo đúng tinh thần đây là "nghề đặc biệt" nên cần được đối đãi đặc biệt. Đồng thời, nghiên cứu chính sách, xem xét công nhận liệt sĩ cho y - bác sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ và bảo vệ y - bác sĩ khi làm nhiệm vụ.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành thống kê số lượng công chức, viên chức, người lao động thuộc bộ, ngành, địa phương bị nhiễm Covid-19 và mất trong quá trình làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp nghiên cứu, đề xuất chính sách và trình các cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định của pháp luật.
Không để bùng dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước mắt, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vắc-xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.
Bình luận (0)