Ngày 5-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) đã họp phiên toàn thể cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018.
Chỉ có 6 vi phạm về kê khai tài sản
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nêu lại việc Thanh tra Chính phủ (TTCP) đánh giá có hạn chế trong PCTN khi một số bộ, ngành, địa phương nể nang, né tránh, ngại va chạm. "Báo cáo không nêu địa chỉ cụ thể thì sẽ rất khó để khắc phục hạn chế. TTCP phải chỉ rõ địa chỉ nào, địa phương, bộ - ngành nào?" - bà Thủy đề nghị.
Về kê khai tài sản, bà Nguyễn Thị Thủy đặt vấn đề: "Năm 2018 có hơn 1,1 triệu cán bộ, công chức kê khai tài sản nhưng chỉ 44 người được xác minh, trong đó có 6 người vi phạm. Trên 1,1 triệu người chưa được xác minh thì tỉ lệ vi phạm trong số này là bao nhiêu?".
Bà Thủy dẫn lại báo cáo của Chính phủ nêu qua hoạt động thanh tra đã ban hành hơn 81.000 quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTN với số tiền kiến nghị là 6.110 tỉ đồng. "Trong số 81.000 vụ chỉ có 85 vụ chuyển sang cơ quan điều tra, liệu có chính xác không, có trường hợp nào đáng ra hình sự nhưng lại xử lý hành chính?" - bà Thủy chất vấn.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết sẽ mở rộng điều tra thêm tội danh khác đối với Phan Văn Anh Vũ
Về trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, báo cáo cho thấy có 29 người thuộc 16 tỉnh trong cả nước bị xử lý. Trước số liệu này, bà Thủy hỏi: "Ngoài 29 người này, còn bao nhiêu trường hợp nữa để xảy ra tham nhũng nhưng người đứng đầu không bị xử lý?".
Đại biểu QH Vũ Trọng Kim cho rằng báo cáo công bố năm 2018, cả nước có 24 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị 421 triệu đồng là quá nhỏ. Theo ông Kim, biện pháp cấp bách trong PCTN là phải thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. "Không quan trọng việc bắt người ta vào tù mà phải thu hồi được tài sản tham nhũng, đó là xương máu của nhân dân" - ông Kim nhấn mạnh.
Còn Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thẳng thắn cho rằng tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng và tinh vi. "Tại sao vụ án lớn về kinh tế chỉ xử được tội danh cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng mà rất ít chứng minh được tham ô, hối lộ" - ông Lưu cảnh báo.
Vi phạm kê khai tài sản: Có tố cáo mới làm!
Trấn an các đại biểu QH, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết một trong những yêu cầu hiện nay là thu hồi tài sản luôn đặt ngang với việc điều tra, bắt giữ, xử lý tội phạm tham nhũng. "Ví dụ trường hợp bà Hứa Thị Phấn, trên 60 tuổi, mấy loại bệnh cũng phải xét xử và vừa rồi đã kê biên trên 10.000 tỉ đồng. Các vụ án khác như Ngân hàng Đông Á cũng kê biên 2.000 tỉ đồng. Thu hồi tài sản hiện nay đang có chiều hướng tốt" - ông Vương khẳng định.
Tham gia giải trình, Tổng TTCP Lê Minh Khái thông tin trong hơn 1,1 triệu bản kê khai tài sản, khi có căn cứ thì tiến hành xác minh 44 trường hợp, xử lý được 6 trường hợp. "Nếu hiểu rằng 6 trường hợp trong 44 bản kê khai để đánh đồng tất cả thì không đúng. Vì khi có căn cứ như tố cáo hay dấu hiệu gì đó thì mới làm, còn không thì các cơ quan không làm" - ông Khái giải thích.
Về xử lý người đứng đầu, ông Khái cho biết được tiến hành theo Luật PCTN. Theo đó, quy định miễn trừ trách nhiệm nếu người đứng đầu không thể biết được có hành vi tham nhũng.
Mở rộng điều tra vụ AVG, Vũ "nhôm"
Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, việc khởi tố điều tra vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") có sự chỉ đạo chặt chẽ của một ban chỉ đạo do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm tổ trưởng. Đến nay, Vũ "nhôm" bị khởi tố 4 tội danh, trong đó tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước đã được xử lý". "Cơ quan chức năng còn xem xét thêm yếu tố rửa tiền có liên quan đến nước ngoài hay trốn đi nước ngoài đối với Phan Văn Anh Vũ" - ông Vương nói và thông tin thêm: "Ai là người giúp Phan Văn Anh Vũ lấy 31 công sản rồi hàng chục dự án. Những việc này đang được làm rõ. Ngoài ra, Phan Văn Anh Vũ còn có liên quan đến đơn vị ở TP HCM".
Về vụ MobiFone mua AVG, ông Vương cho biết mới bắt đầu điều tra, hiện đã bắt tạm giam 2 người. "Sắp tới đây sẽ tiếp tục mở rộng làm rõ vụ án MobiFone mua AVG, kể cả việc mua bán, trả tiền ra sao…" - ông Vương khẳng định.
Cũng theo ông Vương, công an đang điều tra 11 vụ liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty; trong đó có lĩnh vực than - khoáng sản, điện, phân đạm, xi-măng...
CNC không phải công ty bình phong của công an
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ trên mạng bị Công an Phú Thọ phát hiện không thể nói là vụ án xảy ra ở Tổng cục Cảnh sát mà xảy ra ở Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao (Công ty CNC). "Thực chất, đây không phải là công ty bình phong của lực lượng công an. Vụ án này chỉ liên quan đến 2 cá nhân là ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao). Cán bộ, chiến sĩ bên dưới gần như không biết" - ông Vương khẳng định.
Xác minh kê khai tài sản giảm 50%
29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng thuộc các địa phương: Điện Biên (5 người); Quảng Trị (4 người); Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đồng Tháp (mỗi tỉnh 2 người); Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Thái Nguyên, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau (mỗi tỉnh 1 người). Trong đó, 5 người bị xử lý hình sự, 21 người bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.
Năm 2018, số lượng bản kê khai tài sản rất lớn nhưng chỉ xác minh đối với 44 người/1.136.902 (giảm 56,4% so với năm 2017). Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với năm 2017). Thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý là hơn 8.800 tỉ đồng, trên 12.000 m2 đất. Đã thu hồi trên 2.200 tỉ đồng và nhiều tài sản.
Bình luận (0)