Ngày 15-9, tại Hà Nội, Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ GTVT đã tổ chức hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy.
Xe máy là nguồn phát thải khí thải lớn nhất tại các thành phố lớn. Ảnh: Internet
Tại Hội thảo, ThS Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng giao thông đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, cho biết giai đoạn 2005-2022, tăng trưởng xe máy đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Đến nay, số lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe.
Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính. Thống kê năm 2020, xe môtô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội chiếm 84%, tại TP HCM chiếm 91% và tại Đà Nẵng chiếm 90% trong tổng số các loại hình phương tiện giao thông.
Đây cũng chính là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường tại các thành phố lớn. Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe môtô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, cho thấy xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỉ lệ phát thải rất lớn.
Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại TP HCM chiếm 68% và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%.
ThS Đinh Trọng Khang, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết sau khi thực hiện bảo dưỡng, kết quả đo kiểm tra khí thải xe giảm rõ rệt. Tại Hà Nội, tỉ lệ vượt tiêu chuẩn giảm từ 54,2% xuống còn 9,54%; Đà Nẵng giảm từ 25,44% xuống còn 9,38% và TP HCM giảm từ 17,34% xuống còn 5,27%.
"Các kết quả cho thấy việc bảo dưỡng bộ phận liên quan đến khí thải (điều chỉnh vít gió; thay dầu máy, bugi, lọc gió) có hiệu quả rõ rệt làm giảm lượng khí thải độc hại từ xe máy"- ông Khang nhấn mạnh.
Theo ông Phan Hoàng Phương, việc chưa có quy định về niên hạn sử dụng xe môtô, xe gắn máy dẫn đến thiếu hành lang pháp lý trong việc thu hồi, loại bỏ phương tiện xe môtô, xe gắn máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành.
Trong khi đó, định hướng chung của Chính phủ và các thành phố đều hướng tới hạn chế xe máy vào khu vực trung tâm thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Về định hướng phát triển xe máy tại các đô thị, ông Phương cho biết giai đoạn 2025-2030 xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến, tuy nhiên, sẽ thí điểm từng bước kiểm soát hoạt động của xe máy theo các đề án đã được phê duyệt. Đây là xu thế tất yếu, cùng với việc nâng cao các quy định về kiểm soát khí thải phương tiện.
Bình luận (0)