Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh học rất đa dạng và phong phú, được xếp thứ 16/25 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam có hơn 5.000 loài cây thuốc quý không những có giá trị về y học mà còn đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài khai thác mà không chú trọng bảo vệ nguồn gien nên nguồn dược liệu của Việt Nam đã và đang bị cạn kiệt.
Nhiều cây thuốc quý mất dần
Nước ta có nhiều cây thuốc quý, định vị được thương hiệu như: sâm ngọc linh, đỉnh tùng, thông đỏ, thông đất... ở Tây Nguyên, nhất là Lâm Đồng; tam thất, mật gấu, chè vằng, khôi nhung, xáo tam phân, nấm ngọc cẩu... ở miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung.
Hầu hết các cây thuốc của Việt Nam đều được thương lái tìm mua với số lượng lớn. Do đó, người dân địa phương cứ thu hái theo kiểu tận diệt, bất chấp chúng còn nhiều hay ít. Nhiều người sống gần các khu rừng lớn vẫn lén lút vào truy tìm những cây có giá trị cao, làm suy giảm nghiêm trọng số lượng cây dược liệu hiện có trong rừng tự nhiên. Thậm chí, nhiều cây rơi vào tình trạng gần như tuyệt chủng như: hoàng liên, dâm dương hoắc,... Nguồn dược liệu quý trong tự nhiên này được thu hoạch chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc - ước tính mỗi năm có khoảng 500.000-600.000 tấn dược liệu được bán với giá chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/100 giá trị thực tế.
Trước thực trạng đó, một số địa phương đã và đang quy hoạch, bảo tồn, có cơ chế thu hút đầu tư phát triển nhiều loại cây trồng dược liệu. Hiện nay, gần 200 loài cây thuốc được xếp vào diện quý hiếm cần bảo tồn khẩn cấp như: lan kim tuyến, ngũ gia bì, khôi nhung, chè vằng, đảng sâm...
Ngoài những phương thức bảo tồn và nhân giống bằng cách truyền thống như gieo hạt, giâm hom, lai tạo giống mới và mở rộng các vùng quy hoạch trồng cây dược liệu đa dạng theo vùng miền, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao cũng là hướng đi đang được nhiều địa phương chú trọng đầu tư. Việc này có thể nhân được nhiều giống khó và khả năng cung cấp một lượng cây giống dồi dào trong một thời gian ngắn.
Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ứng dụng tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM Ảnh: Tuấn Anh
Áp dụng kỹ thuật công nghệ cao
Rất nhiều viện nghiên cứu, trung tâm, doanh nghiệp đã và đang mở rộng, phát triển hướng nghiên cứu này từ việc nhân giống vô tính, cho ra một lượng lớn cây giống dược liệu đồng đều về số lượng lẫn chất lượng; sản xuất các hợp chất thứ cấp qua nuôi cấy những bộ phận của cây hay tạo ra nhiều giống mới thông qua lai tạo, chuyển gien nhằm mang lại những giống cây có khả năng thích nghi, chống chịu với thời tiết, điều kiện sống khắc nghiệt, sinh ra những hợp chất dược tính cao hơn ban đầu...
Theo ước tính của Bộ Y tế, hằng năm, nước ta tiêu thụ khoảng 70.000-100.000 tấn dược liệu, trong đó số lượng nhập khẩu chiếm khoảng 80%, chủ yếu từ Trung Quốc. Phần lớn các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc, được đánh giá không bảo đảm chất lượng, thậm chí có mặt hàng nhập về chỉ còn là xác bã thực vật (rác dược liệu). Do đó, cần nhập khẩu những giống cây dược liệu mới, có giá trị, đồng thời có chiến lược và quy hoạch cụ thể nhằm tạo ra nguồn giống dồi dào.
Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu cũng như phát triển kinh tế cho người trồng. Đã có rất nhiều thành quả từ việc ứng dụng công nghệ cao vào nghiên cứu tạo ra những quy trình nhân giống để bảo tồn và phát triển cây dược liệu trong nước cũng như phát triển các giống ngoại nhập (cúc gai dài, la hán quả...); quy trình tạo sản phẩm sinh học thứ cấp (từ rễ như sâm ngọc linh, từ mô sẹo của các loại cây quý như tam thất, bảy lá một hoa...) hay các nghiên cứu lai tạo một số giống mới mang đặc điểm tốt hơn giống cũ.
Những quy trình này không những được thực hiện theo các bước cơ bản từ vô mẫu, nhân nhanh đến ra cây trong ống nghiệm mà còn được cải tiến trong các bước nhỏ, nhằm nâng cao hiệu suất cũng như chất lượng cây giống. Ngoài việc sử dụng các hoạt chất sinh học nhằm cải thiện năng suất, việc ứng dụng những phương pháp hiện đại trong quá trình sản xuất cây giống cũng được ưu tiên hàng đầu. Phương pháp sử dụng các hệ thống bioreactor, ngập chìm tạm thời, lỏng lắc... trong các bước nhân nhanh, nhân sinh khối tạo ra những chất thứ cấp đã được các cán bộ nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong việc nhân giống cây dược liệu hoặc tạo sinh khối cho các mục đích nghiên cứu khác, mang đến cho người trồng những hướng đi mới để đạt được hiệu quả như mong đợi.
TP HCM chú trọng đầu tư phát triển cây dược liệu
UBND TP HCM đã có quyết định về việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ưu tiên đầu tư phát triển các vùng chuyên canh dược liệu cũng như nghiên cứu về cây dược liệu từ khâu nhân giống đến tạo sản phẩm chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và có thể xuất khẩu. Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM là một trong những đơn vị đã và đang tham gia nghiên cứu, bảo tồn và phát triển những loài cây dược liệu quý đang bị suy giảm số lượng nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Nhiều nghiên cứu đã hoàn thiện các quy trình công nghệ liên quan cây dược liệu. Trong đó, một số quy trình tạo cây giống áp dụng rất thành công như: sâm ngọc linh, sâm đá, sâm cau, lan một lá, thạch hộc tía, khôi nhung, cát cánh, huyền sâm, lan vani, gấc, hoài sơn, nần nghệ, cúc gai dài... Kết quả từ những nghiên cứu này đã được triển khai và mang lại hiệu quả.
Bình luận (0)