Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết tính đến ngày 8-3, tại TP Hà Nội chỉ còn 7/31 trung tâm đăng kiểm với 14 dây chuyền hoạt động. Mỗi tháng chỉ kiểm định được khoảng 30.000 xe, trong khi số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3-2023 tại Hà Nội là 75.682 xe.
Chờ 3 ngày chưa được đăng kiểm
Sáng 8-3, tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2908D ở lô 6, Cụm Công nghiệp Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) có hàng trăm ôtô xếp hàng dài gần 2 km để chờ kiểm định, thậm chí nhiều xe phải xếp hàng dài ngoài Quốc lộ 32 vì bên trong đã không còn chỗ. Nhiều chủ xe túm tụm ngồi vật vờ bên vệ cỏ ở lề đường, không dám đi đâu vì sợ xe khác chen lên mất chỗ. Tất cả đều ngán ngẩm vì không biết đi đâu để kiểm định xe, khi hầu như tất cả trung tâm đăng kiểm ở các tỉnh xung quanh Hà Nội còn hoạt động đều trong tình trạng quá tải, trong khi các xe đều đã hết hạn hoặc sắp hết hạn kiểm định.
Ông Nguyễn Thành Hưng, một chủ xe ở huyện Hoài Đức, cho biết do xếp hàng chờ ở đây quá lâu, ông đã lái xe sang Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2904V ở xã Quang Minh (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) để thử vận may nhưng sang đó thì trung tâm này đã phát số thứ tự đến hết thứ sáu tuần tới nên không nhận thêm. Ông Hưng đành quay lại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2908D để chờ đợi. "Nếu không kiểm định được, trên đường về nhà bị cảnh sát giao thông phạt thì ai sẽ chịu trách nhiệm, trong khi lỗi không phải do chúng tôi" - ông Hưng nói.
Ôtô nối đuôi nhau chờ đăng kiểm ở một trung tâm đăng kiểm tại TP HCM vào ngày 8-3. Ảnh: Ý LINH
Tại các trung tâm đăng kiểm ở TP HCM cũng trong tình trạng tương tự. Chủ xe rơi vào cảnh "mất ăn, mất ngủ", gác hết công việc để chờ… được kiểm định xe. Ở các trung tâm đăng kiểm như: 50-03V (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) và chi nhánh (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), 50-05V (phường An Phú Đông, quận 12), 50-07V (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) cùng thuộc Cục Đăng kiểm; 50-02S (phường 5, quận 11), 50-03S (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cùng thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM; 50-08D trực thuộc Trường Cao đẳng Nghề GTVT Trung ương III… đều ghi nhận cảnh xe tải, xe khách, xe con xếp hàng dài để chờ đăng kiểm.
7 giờ 30 phút ngày 8-3 tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03V, hàng dài xe tải nối đuôi nhau trước cửa trung tâm chiếm hết nửa mặt đường Phú Châu. Ông Trần Quân (52 tuổi; tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức) uể oải bước xuống xe tải, than thở: "Tôi xếp hàng từ 2 giờ sáng, đến giờ này xe mới nhích được gần tới cổng. Hôm nay mất thêm một ngày để chờ xét xe, công ăn việc làm gì cũng phải gác lại hết chứ xe hết hạn ra đường là dính phạt liền!".
Nơm nớp lo xe hết hạn đăng kiểm, ảnh hưởng công việc là tâm sự chung của nhóm tài xế/chủ xe thức trắng đêm xếp hàng chờ trước Trung tâm Đăng kiểm 50-07V. Từ 18 giờ hôm trước, con đường dẫn từ Quốc lộ 1 vào cổng trung tâm đăng kiểm này đã bị "phong tỏa" bởi 2 hàng ôtô nối đuôi nhau, hầu hết là xe tải. Hiện trung tâm đăng kiểm này chỉ được mở 1/5 dây chuyền kiểm định.
Bộ GTVT phải tháo gỡ ngay
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết nếu tình hình hoạt động của các trung tâm đăng kiểm tiếp tục diễn biến xấu hơn thì việc bị gián đoạn là điều khó tránh khỏi và sẽ để lại những hậu quả rất lớn đối với hoạt động vận tải và nền kinh tế. Nếu các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách không được đăng kiểm kịp thời thì nhu cầu vận chuyển vật tư, nguyên liệu cho các nhà máy, khu công nghiệp, vận chuyển hàng hóa tiêu dùng có thể bị gián đoạn vì thiếu phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Quyền cũng đề nghị Chính phủ cũng như Bộ GTVT cần sớm chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, trong đó có xã hội hóa công tác đăng kiểm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng Bộ GTVT phải nghiên cứu và có giải pháp quyết liệt để tăng cường nhân lực đăng kiểm cho Hà Nội, TP HCM nhằm bảo đảm nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Theo ông Phạm Văn Hòa, với những đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong thời điểm hiện nay, nếu hợp lý, đúng quy định thì nên cho phép. Những gì vượt thẩm quyền của Bộ GTVT thì cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, để Thủ tướng xem xét chỉ đạo, nhằm giải quyết tháo gỡ khó khăn trước mắt, để tránh gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết trước sự thiếu hụt trầm trọng nhân sự, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất mời các đăng kiểm viên đã nghỉ hưu trở lại làm việc có thời hạn. Đề xuất này đáp ứng được ngay nhân lực hiện nay, đơn vị sẽ ký hợp đồng lao động đối với những người được công nhận là đăng kiểm viên nhưng đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, hiện không có cơ chế ký hợp đồng tuyển dụng, trả lương cho những người này nên vẫn đang chờ cơ quan chức năng cho phép.
Đối với những người chưa được công nhận là đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam dự kiến sẽ ký hợp đồng để họ ngay lập tức bước vào quy trình đào tạo, sớm trở thành đăng kiểm viên. "Chúng tôi chuẩn bị sớm lực lượng tiếp theo để bổ sung trong dài hạn, bởi bây giờ không làm thì tương lai sẽ thiếu hụt. Tuy nhiên, để giải bài toán này còn phụ thuộc sự cho phép của các cơ quan liên quan" - đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam nói.
Để các trung tâm đăng kiểm đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu quá cao hiện nay, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng cần sửa đổi quy định và cho phép 2 đăng kiểm viên vận hành một dây chuyền kiểm định thay vì tối thiểu 3 đăng kiểm viên như hiện nay để tăng năng suất vận hành ở các dây chuyền khác.
Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định, nhằm tháo gỡ khó khăn khi thiếu nhân sự nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay.
Liên quan vấn đề tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ đã họp và sẽ có giải pháp cùng một lúc về những vấn đề đăng kiểm như nhân sự, ùn tắc. Với đề xuất của các chuyên gia về giãn chu kỳ đăng kiểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết đang nghiên cứu và xem xét đề xuất này.
Không để ảnh hưởng đến người dân
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ Công an vào chiều 8-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ đăng kiểm cho người dân. Bộ GTVT sớm đưa ra hướng dẫn cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, nhập khẩu ôtô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ôtô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Bộ GTVT tập trung huy động, điều phối đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở những địa phương khác chi viện cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP HCM, kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết cả nước hiện có 61/281 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động, trong đó có 53 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, 8 trung tâm đăng kiểm dừng do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
V.Duẩn
Bắt giám đốc, phó giám đốc của một trung tâm đăng kiểm
Ngày 8-3, lãnh đạo Công an huyện Đông Anh, TP Hà Nội cho biết cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thành Chung (41 tuổi; trú tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội), Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-07D (huyện Đông Anh) và Hoàng Tuấn Anh (40 tuổi; trú tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), phó giám đốc trung tâm này, cùng 4 đăng kiểm viên để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Theo cơ quan công an, từ năm 2015 đến 2022, bị can Thành Chung và Tuấn Anh đã bàn bạc, thông đồng với cấp dưới, bỏ qua các lỗi vi phạm về đăng kiểm xe cơ giới thông thường (lỗi về đèn, phanh, khí thải) và bỏ qua lỗi về trọng tải đối với việc hoán cải cẩu, để nhận tiền từ khách hàng 100.000-200.000 đồng/xe. Số tiền nhận hối lộ lên đến hàng trăm triệu đồng, được các nghi phạm chia nhau.
Ng.Hưởng
Bình luận (0)