Đằng sau dòng người xếp hàng là cả một giá trị không chỉ mang vẻ hình thức bề ngoài mà từ giá trị đó lại tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần to lớn không thể đong, đo, đếm. Không xếp hàng thì phải chen lấn mà chen lấn thì phải gạt người khác qua một bên để mình bước lên. Hãy tưởng tượng rộng ra rằng trong một xã hội mà ai ai cũng có cách nghĩ phải gạt người khác sang một bên, đẩy người khác xuống để mình vượt lên thì sẽ trở nên hỗn độn như thế nào.
Muốn phát triển, cần có sự đồng thuận của cả xã hội và sự đồng thuận chỉ có được từ tinh thần hợp tác giữa người với người. Tục ngữ mình có câu thật hay: "Hợp quần tạo sức mạnh!". Bác Hồ khẳng định: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!".
Một xã hội mà mỗi người chỉ nghĩ về mình, lo cho mình, rồi dòm ngó, rồi chỉ trích thì làm sao hợp tác với nhau. Một xã hội mà ai cũng tranh nhau để vượt lên trước thì dẫn đến tắc đường hoặc tai nạn giao thông. Vậy là, chi phí xã hội tăng do thời gian bị chôn chân ngoài đường. Vậy là, những con số thương vong, tai nạn giao thông và biết bao nhiêu hệ lụy khác cũng chuyển hóa thành chi phí xã hội có khi không tính được bằng tiền.
Nhìn dòng người xếp hàng trật tự, ai tới trước đứng trước, ai tới sau đứng sau, đâu có phân biệt được ai là chính khách, là quan chức cấp bậc nào, là doanh nhân, là công nhân, là nông dân... Và cũng đâu biết ai có địa vị xã hội cao hơn, ai giàu, ai nghèo, ai sang, ai hèn, ai người bản xứ, ai khách vãng lai. Tất cả đều bình đẳng trong một trật tự xã hội đã trở thành văn hóa.
Một xã hội mà ai cũng nghĩ mình được bình đẳng, được tôn trọng thì sẽ không có so đo, đố kỵ, hẹp hòi. Khi ấy, mỗi người sẽ làm việc hăng say hơn, cống hiến nhiệt thành hơn và xã hội sẽ phát triển từ thái độ tích cực đối với công việc, với cuộc sống. "Niềm tin tạo lập hành vi, hành vi gieo nên kết quả".
Xếp hàng là văn hóa và từ văn hóa vô hình sẽ chuyển thành giá trị vật chất hữu hình cho cả một đất nước. Phải nhìn thấy được chiều sâu của câu chuyện xếp hàng để chúng ta suy nghĩ và bắt đầu thay đổi. Có người nói rằng muốn thay đổi phải từ lớp trẻ còn ngồi trong ghế nhà trường, thậm chí là ở cấp thấp nhất, còn người lớn hình như đã bị quán tính kéo lại rồi. Nói vậy cũng không sai, "phần nhiều do giáo dục mà nên" đó thôi. Và đâu chỉ là câu chuyện xếp hàng mà còn chuyện đội mũ bảo hiểm, chuyện vượt đèn đỏ, chuyện xả rác và biết bao câu chuyện khác nữa.
Nếu mỗi người không tự cho mình vô can trong sự phát triển hay tụt hậu của quê hương xứ sở thì chắc chắn sẽ hành động khác đi!
"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" chắc là từ những câu chuyện nho nhỏ như chuyện xếp hàng.
Bình luận (0)