Từ phía quận 2, TP HCM, chúng tôi đi vào công trường của dự án cầu Thủ Thiêm 2 (cây cầu nối quận 1 và bán đảo Thủ Thiêm, do Công ty CP Địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư). Dù là ngày giữa tuần nhưng công trường chỉ lác đác vài công nhân làm việc.
Nhìn mà "nóng ruột"!
Vừa gặp, người giám sát công trình liền nói tuy cầu đã ra hình ra dáng nhưng bản thân anh vẫn chưa biết khi nào hoàn thành toàn bộ dự án. Theo anh Dương, phía quận 2 đã thi công hoàn thành toàn bộ kết cấu dầm bê-tông cốt thép, kết cấu trụ tháp S2 giữa sông đã thi công được 27/34… nhưng phía quận 1 thì cứ mãi chờ. "Chỉ còn 70 m cầu nữa thôi là có thể hợp long nhưng chúng tôi phải thi công cầm chừng" - vị giám sát nói. .
Theo người giám sát, vì chờ mặt bằng nên đơn vị thi công phải giảm số lượng công nhân. Qua quan sát, dưới chân cầu thuộc quận 1 chỉ có một vài công nhân đang thi công phần cầu dẫn tuyến chính từ đường Nguyễn Trung Ngạn đến đoạn bo cong đường Tôn Đức Thắng, còn lại một đoạn khoảng 60 m đang chờ mặt bằng của Tổng Công ty Ba Son.
Công trường thi công cầu Thủ Thiêm 2 đang thi công cầm chừng
Đại diện Công ty CP Địa ốc Đại Quang Minh cho biết tính đến nay, dự án đã hoàn thành 70% tiến độ, do vướng mặt bằng phía quận 1 nên nhịp cuối cùng của cầu Thủ Thiêm 2 không thể thi công nối từ quận 1 sang quận 2. "Cũng do vướng mặt bằng phía quận 1, nhà thầu chưa thể thi công nhánh cầu N1 từ Công trường Mê Linh chạy dọc đường Tôn Đức Thắng cặp theo sông Sài Gòn kết nối vào cầu chính và chưa thể thi công nhánh N2 nối từ quận 2 xuống đường Tôn Đức Thắng trước giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn" - đại diện chủ đầu tư lý giải về việc chậm tiến độ so với kế hoạch hơn 2 năm.
Cũng theo chủ đầu tư, nếu có mặt bằng thì đơn vị này sẽ tập trung mọi nguồn lực tổ chức thi công, cam kết hoàn thành cầu chính sau 5 tháng và 2 nhánh phụ N1, N2 (quận 1) sau 10 tháng.
Rời công trường, chúng tôi gặp một số hộ dân sống ở bờ quận 2, hỏi về cầu Thủ Thiêm 2, ông Đỗ Văn Đời cho rằng vào giờ cao điểm cứ nhìn cầu Thủ Thiêm 1 đông nghẹt xe là bản thân ông và nhiều người lại mong ngóng cầu Thủ Thiêm 2 sớm hoàn thành. Bởi ngoài lợi ích chung cho toàn xã hội thì cầu Thủ Thiêm 2 khi đưa vào sử dụng chắc chắn sẽ chia sẻ bao vất vả của người dân đang sinh sống ở quận 2 mỗi khi đi làm hay có việc phải vào trung tâm TP.
Lãnh đạo quận 1 lên tiếng
Nói về việc chậm giao mặt bằng phía quận 1, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND quận 1 - cho biết dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2013, các văn bản hướng dẫn liên quan và Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 9-8-2018 của UBND TP HCM ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP HCM. Theo Quyết định số 28/2018 quy định áp dụng suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành để tính bồi thường, hỗ trợ về kiến trúc cho hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng khi thu hồi đất thực hiện dự án. Tuy nhiên, phần lớn tài sản, công trình của 6 hộ dân và 4 tổ chức tại dự án lại không có đơn giá áp dụng theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành, do đó không đủ cơ sở tính toán bồi thường, hỗ trợ về kiến trúc.
Tháng 3-2020, UBND TP ban hành Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP HCM ban hành kèm theo Quyết định số 28. Do đó, việc bồi thường, hỗ trợ kiến trúc cho 6 hộ gia đình sẽ áp dụng Quyết định 22/2013. Riêng các tổ chức, trong đó có Tổng Công ty Ba Son thì những hạng mục nào không có đơn giá áp dụng theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành sẽ thuê đơn vị tư vấn để xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Cụ thể, trên phần đất chịu ảnh hưởng dự án 11.115 m2 có 44 hạng mục kiến trúc, trong đó 9 hạng mục có đơn giá áp dụng theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành, 32 hạng mục thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Ngoài ra, trong 44 hạng mục công trình của Tổng Công ty Ba Son - Công ty TNHH MTV có 3 công trình hạ tầng, kỹ thuật (hệ thống điện, hệ thống cấp nước, hệ thống cây xanh), theo quy định, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ đối với các công trình hạ tầng, kỹ thuật thuộc về Sở Xây dựng, Sở Công Thương.
"Đến nay, Sở Xây dựng và Sở Công Thương đã phê duyệt dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ các công trình hạ tầng kỹ thuật nêu trên. Đầu tháng 10-2020, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đã có buổi làm việc với đơn vị này triển khai các quyết định về bồi thường, hỗ trợ, tuy nhiên phía Tổng Công ty Ba Son cho biết sẽ báo cáo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và đang chờ phản hồi" - chủ tịch UBND quận 1 thông tin.
Ông Nguyễn Văn Dũng cũng cho hay 6 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, hiện quận 1 đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường và chờ thông qua hệ số điều chỉnh giá đất để tiến hành bồi thường. "Nói chung mọi việc đang được gấp rút gỡ vướng" - ông Nguyễn Văn Dũng nói.
Bình luận (0)