Ngày 26-10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Thuận cho biết đã công bố nguyên nhân cây trồng của dân ở một số khu vực thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong chết, trên cơ sở kết luận của Viện Môi trường và Tài nguyên (thuộc ĐHQG TP HCM).
Bãi thải xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 làm thay đổi chế độ dòng chảy
Trước đó, trong tháng 2, một số hộ dân sống phía Tây Nam bãi thải xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phản ánh với chính quyền về việc cây trồng chết, giếng nhiễm mặn và cho rằng do ảnh hưởng của bãi xỉ. Nhận tin, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng lấy mẫu nước, đất, tro xỉ để phân tích, đồng thời chọn Viện Môi trường và Tài nguyên là đơn vị độc lập tìm nguyên nhân nước giếng nhiễm mặn, đất ngập úng, phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại của các hộ dân…
Theo báo cáo của cơ quan này, khu vực cây trôm chết hoặc bị ảnh hưởng là 4,63 ha, hơn 13 ha đất ngập úng, diện tích nước dưới đất nhiễm mặn trong phạm vi 12,4 ha. Nguyên nhân chính dẫn đến cây trôm chết là do ngập úng, không phải nhiễm mặn.
Cũng theo Viện Môi trường và Tài nguyên, trong năm 2016, lượng mưa tại khu vực này gia tăng đột biến trong khi hệ thống cống thoát nước kém làm gia tăng mức độ ngập úng. Thêm vào đó, sự hình thành bãi thải xỉ đã làm thay đổi địa hình tự nhiên, chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm dẫn đến đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp, gây ngập úng. Ngoài ra, do khu vực phía Bắc bãi chứa tro xỉ than chưa có kênh thoát lũ nên nước mưa từ núi cao đổ xuống không có đường tiêu thoát, thấm hết xuống đất làm gia tăng dòng chảy ngầm và mực nước ngầm tầng nông, góp phần gây ngập úng.
Về nguyên nhân đất nhiễm mặn, kết quả khảo sát cho biết dọc các tuyến đường mòn phía Tây và Bắc bãi xỉ có nhiều đống đất cát lẫn san hô xuất hiện từ năm 2016, trong thời gian thi công các dự án tại đây, số đất cát này được đưa từ biển lên nên mang theo hàm lượng muối nhất định. Khi trời mưa, độ mặn trong đất rửa trôi, một phần chảy tràn trên bề mặt xuống khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ, một phần thấm xuống đất đi vào tầng nước ngầm nông, góp phần gây nhiễm mặn.
Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận dẫn chứng một số trường hợp cây trồng chết do ngập úng, không phải vì đất nhiễm mặn. Cụ thể, hộ ông Phạm Văn Tuấn có 2 khu vực trồng cây trôm, độ mặn chênh lệch khá nhiều nhưng ngập úng nên đều chết; hộ bà Trương Thị Thanh Tuyền tại vị trí bị ngập úng thì cây chết, chỗ không ngập thì cây vẫn phát triển bình thường; đất của ông Võ Ngọc Yên nằm ở địa hình cao ráo, không ngập nên cây phát triển tốt.
Hiện Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận đã đề xuất UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Tổng Công ty Phát điện 3 thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng ngập úng, ngăn ngừa nhiễm mặn nước dưới đất, nước mặt trong khu vực; đồng thời kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại của người dân vùng bị ảnh hưởng để hỗ trợ bà con ổn định đời sống, sản xuất.
Bình luận (0)