Ngày 8-5, ông Phạm Quý Thành - Chủ tịch UBND xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai - cho biết đã báo cáo việc 2 rẫy cà phê của người dân bị kẻ xấu chặt hạ cho Công an huyện Đắk Đoa xử lý.
Một đêm mất gần 2.000 cây cà phê
Theo dân làng O Ngó, xã Ia Băng, vì làng nghèo, không có vốn đầu tư nên người dân góp sức trồng chung 2.000 cây cà phê trên 2 mảnh vườn nằm cách nhau vài trăm mét. Trong đó, cây lớn nhất đã trồng khoảng 4 năm, cây nhỏ cũng được khoảng 2 năm trồng. Ông Sit, già làng O Ngó, cho biết vụ chặt phá diễn ra vào đêm 5-5, đến sáng hôm sau, dân làng đi làm rẫy thì phát hiện cà phê bị chặt sạch. "Làng nghèo nên trồng rồi chăm sóc chung, chia nhau mỗi nhà vài chục cây để thu hoạch. Không ngờ gần đến ngày thu hoạch thì bị chặt hạ" - ông Sit buồn bã.
Tại hiện trường, hàng ngàn cây cà phê nằm la liệt, lá vẫn còn xanh, nhiều cây đã ra quả. Người dân làng O Ngó nghi ngờ thủ phạm là ông D.K.T (người địa phương). Lý do là diện tích trồng cà phê này đang tranh chấp giữa dân làng với ông T. Theo già làng Pyơng, người dân khai hoang và sở hữu cả vùng đất này từ lâu. Đến năm 1984, Công ty Cao su Mang Yang đến làng vận động dân góp đất, công ty đầu tư cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để trồng cao su. Đổi lại, người dân được nhận vào làm công nhân. Tuy nhiên, sau đó, công ty bán diện tích cao su trên cho ông D.K.T. Lúc ông T. chặt bỏ cao su thì người dân đòi lại đất và trồng cà phê.
Hàng ngàn cây cà phê do dân làng O Ngó trồng bị chặt hạ Ảnh: HOÀNG THANH
Về việc này, ông Thành xác nhận ông D.K.T mua lại của Công ty Cao su Mang Yang khoảng 16 ha đất trồng cao su từ cách đây đã nhiều năm. Vào khoảng năm 2008, ông D.K.T đã chặt bỏ, chuẩn bị trồng tái canh một phần diện tích thì bị người dân đòi lại đất và lấn chiếm trồng cà phê với lý do "đất của cha ông để lại".
Ông D.K.T cũng đã kiến nghị chính quyền giải quyết tranh chấp. UBND xã nhiều lần họp dân, yêu cầu họ không được vi phạm nhưng người dân không nghe và lén trồng cà phê. "Việc tranh chấp này xã giải quyết không được vì liên quan đến các thủ tục pháp lý nên đã chuyển lên huyện giải quyết. UBND huyện cũng đã báo lên tỉnh nhưng lằng nhằng nhiều năm nay chưa xong" - ông Thành nói.
Ngoài 2 vườn cà phê nói trên, giữa người dân làng O Ngó và ông D.K.T đang tranh chấp khoảng 10 ha đất.
Người dân lãnh đủ
Gần đây, tại tỉnh Lâm Đồng, liên tục xảy ra các vụ việc phá hoại cây trồng, gây thiệt hại nặng cho người dân.
Trung tá Võ Khánh Vân, Phó trưởng Công an huyện Di Linh, thông tin từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị tiếp nhận 3 vụ việc phản ảnh của người dân về cây trồng bị các đối tượng xấu chặt hạ, đầu độc, gây thiệt hại lớn về kinh tế gia đình, khiến người dân không an tâm sản xuất. "Trong đó, đặc biệt, vụ 565 cây cà phê đang cho thu hoạch bị các đối tượng dùng cưa máy triệt hạ tại xã Hòa Nam liên quan đến tranh chấp đất giữa gia đình anh rể và em vợ. Còn 2 vụ mới đây nhất như 111 cây cà phê của gia đình ông Vũ Xuân Hải (thôn 7, xã Hòa Ninh) và hơn 120 cây sầu riêng của gia đình ông Phạm (thôn 15, xã Hòa Ninh), cơ quan công an đang giám định thiệt hại, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án" - ông Vân nhấn mạnh.
Trong lúc thủ phạm gây ra các vụ chặt phá cây trồng nói trên ở huyện Di Linh vẫn đang ở ngoài vòng pháp luật thì tại phường 2, TP Bảo Lộc, mới đây, 20 cây sầu riêng hơn 4 năm tuổi, đang ra trái của gia đình bà Hoàng Thị Phượng và ông Lê Hữu Biên (ngụ phường 2, TP Bảo Lộc) bị kẻ xấu khoan lỗ, đổ thuốc đầu độc chết. "Công an TP Bảo Lộc đã đến kiểm tra hiện trường. Chúng tôi mong mỏi công an sớm tìm ra kẻ thủ ác, trừng trị thích đáng, đừng để người dân tự gánh chịu hậu quả" - bà Phượng bày tỏ.
8 lần bị chặt phá
Ngoài vụ chặt phá vườn cà phê đang được Công an huyện Di Linh thụ lý điều tra, từ năm 2015 đến nay, vườn nhà của gia đình ông Vũ Xuân Hải đã bị kẻ xấu 8 lần phá hoại. Mỗi lần như thế, ông đều trình báo chính quyền địa phương nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.
Bình luận (0)