Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết hiện nay, vận tải hàng không quốc tế chưa có điểm mới ngoại trừ "chốt" mở bay thường lệ từ 1-1-2022. Đến nay, các đường bay quốc tế chỉ đạt khoảng 1,5-1,9% so với năm 2019. Tuy nhiên, Vietnam Airlines luôn sẵn sàng các điều kiện để đảm bảo chuyến bay cất cánh đặc biệt là bay quốc tế.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà đánh giá thị trường còn yếu do liên quan dịch bệnh và thu nhập của hành khách bị tác động nên cần có thời gian để thị trường quay trở lại và phục hồi. Ảnh: Dương Ngọc
Hiện nay Vietnam Airlines vẫn duy trì đường bay thường lệ có lịch ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc phục vụ nhu cầu khách từ Việt Nam sang các nước này. Ngoài ra, hãng kết hợp vận chuyển hàng hóa với các đường bay, chuyến bay không thường lệ đi đến châu Âu. Ngày 28-11, Vietnam Airlines mở bay TP HCM-Mỹ đặc mục tiêu cạnh tranh và thu hút khách có doanh thu cao để tăng cơ hội khai thác.
Tiếp tục bán gần 30 máy bay
Hồi tháng 7, đội bay Vietnam Airlines có 106 chiếc máy bay. Đến nay, Vietnam Airlines đã bán được 2 máy bay A321, đội bay còn 104 chiếc, trong đó có 29 chiếc thân rộng A350, B787, 7 chiếc ATR-72, còn lại là thân hẹp.
Theo đánh giá thị trường, đội máy bay là dư cả về thân rộng và hẹp. Năm 2022 dư khoảng 8 máy bay thân rộng, A321 dư 20 chiếc. Vietnam Airlines đang tiến hành tái cơ cấu đội máy bay và đàm phán các bên cho thuê nhằm có phương án hỗ trợ chi phí. Đã đàm phán với 11 đối tác và đạt được kết quả tích cực, thời gian tới sẽ có những ký kết cụ thể với một số đối tác để giãn, hoãn nhận máy bay, hỗ trợ thanh khoản. Hãng tiếp tục xây dựng kế hoạch bán máy bay nhằm mục tiêu giảm máy bay và hiện đại hóa đội máy bay, thay thế máy bay có tuổi trên 12 năm. Năm 2021, hãng tiếp tục kế hoạch bán 9 máy bay A321 và 6 chiếc ATR72 và đang chờ kết quả cuối năm mới rõ. Năm 2022-2023, tính phương án bán 12 máy bay A321.
Để bay trở lại quốc tế, Vietnam Airlines đang chuẩn bị cho sự phục hồi thị trường này bằng việc khai thác thí điểm 5 tỉnh thành Chính phủ cho phép. Hãng tích cực phối hợp với Tổng cục Du dịch, các công ty du lịch và đại lý bán vé của hãng ở nước ngoài để thu hút khách, nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, có ý kiến với Bộ GTVT, Cục hàng không Việt Nam, Tổng cục Du lịch về các chính sách liên quan đến bay nội địa, quốc tế, cách ly.
"Chính phủ quyết định thời điểm mở lại bay quốc tế là tín hiệu vui và sự trở lại mở bay quốc tế đã được Vietnam Airlines chuẩn bị và sẵn sàng cho các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ. Hãng tiếp tục báo cáo xem xét mở rộng thêm đường bay quốc tế đi các thị trường khác như các nước châu Âu, Úc vốn được kiểm soát dịch tốt và dung lượng thị trường lớn, người Việt ở nước ngoài nhiều, nhu cầu về nước cao, nhất là sát dịp Tết Nguyên đán"- ông Trần Hồng Hà cho biết.
Cũng theo CEO Vietnam Airlines, thị trường nội địa vẫn quan trọng với các hãng hàng không. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến tâm lý của khách bị ảnh hưởng, nhu cầu đi lại nội địa yếu. Khi mở lại bay nội địa cho các hãng hàng không sau làn sóng dịch thứ 4, hệ số sử dụng ghế của các hãng bay Hà Nội-TP HCM đạt khoảng 62-65% (16 chuyến/ngày) so với hệ số 95% ở giai đoạn đầu chỉ có 6 chuyến ngày.
Năm 2022, căn cứ vào dự báo của IATA về sự phục hồi của hàng không quốc tế và nội địa, phương án phòng chống dịch các nước và Việt Nam, hãng đã xây dựng nhiều phương án kịch bản điều hành khác nhau. Dự báo năm 2022, vận tải nội địa quay về 70-75% so với giai đoạn 2019 trước Covid-19, vận tải quốc tế 20-25% so với trước dịch Covid-19 và quay trở lại tăng dần vào quý 4/2022. IATA dự báo thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi cuối 2023 với vận tải nội địa và 2024 thị trường bay quốc tế quay trở về như thời điểm 2019.
Giá vé bình quân giảm 15% so với 2020 và giảm 30% so với 2019. Thị trường còn yếu do liên quan dịch bệnh và thu nhập của hành khách bị tác động nên cần có thời gian để thị trường quay trở lại và phục hồi.
Sẽ lập hãng hàng không vận tải hàng hóa
Từ năm 2020, Vietnam Airlines đã chủ động có chính sách khai thác hàng hóa để giúp máy bay tiếp tục được khai thác và tận dụng cơ hội thị trường hàng hóa. Năm 2021, thị trường vận tải hàng hóa vẫn giữ nhịp ổn định và có bước tăng trưởng cả hàng hóa ra, vào Việt Nam. Hãng cũng tháo ghế 6 máy bay thân rộng A350, B787, tháo ghế 7 máy bay Airbus A321 để vận chuyển hàng hóa. Doanh thu đạt xấp xỉ 8.000 tỉ đồng, đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
Đến nay Vietnam Airlines khai thác 30 tuyến quốc tế về hàng hóa, và nhiều điểm mới so với điểm đến hãng đang khai thác.
Hãng cũng đặt mục tiêu xây dựng vận tải hàng hóa trở thành bộ phận tự cân đối thu chi tiến tới thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa.
Thoái vốn, phát hành thêm cổ phiếu
Nói về tiến trình thoái vốn tại các công ty, ông Lê Hồng Hà cho biết Vietnam Airlines thoái vốn và tập trung vào vận tải hàng không là cốt lõi.
Các cổ đông nước ngoài chiếm 5,97% cổ phần ở Vietnam Airlines, trong đó cổ đông ANA sau tăng vốn còn chiếm 5,6% vốn ở Vietnam Airlines. Hãng đang sửa đổi điều lệ để cổ đông nước ngoài có điều kiện tham gia cổ đông của Vietnam Airlines và tiếp tục thời gian tới phát hành thêm cổ phiếu trong nước và quốc tế có thể tham gia linh hoạt hơn.
Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, cho biết Hãng chưa quyết định phương án phát hành trái phiếu ra công chúng hay riêng lẻ, phát hành trái phiếu trong nước hay quốc tế. Vietnam Airlines định hướng phát hành trái phiếu thu hút nguồn vốn ổn định, đủ dài để có phương hướng phục hồi và hãng đang xây dựng phương án phát hành trái phiếu tốt nhất cho Tổng công ty.
Bình luận (0)