xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chăm chút cho rừng ven biển Quảng Nam

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Là rừng phòng hộ nhưng những cánh rừng ven biển ở tỉnh Quảng Nam dường như ít được quan tâm bảo vệ nên diện tích và chất lượng ngày càng giảm sút

Trên sổ sách, tỉnh Quảng Nam hiện có 3.636 ha đất rừng phòng hộ ven biển thuộc địa phận các địa phương phía Đông như Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích có rừng tại các địa phương trên chỉ hơn 2.580 ha. Đây là những cánh rừng nghèo, chủ yếu trồng keo lưỡi liềm và phi lao.

Một mùa nắng, gần 50 ha rừng bị cháy

Vùng ven biển tỉnh Quảng Nam vốn đất đai cằn cỗi, chủ yếu là cát trắng nên việc trồng cây xanh rất khó khăn. Đã có nhiều loài được đem về trồng thử nghiệm nhưng đều kém hiệu quả. Từ những năm 1990, nhiều dự án trồng rừng đã được triển khai, đặc biệt là dự án trồng rừng Pacsa do Chính phủ Nhật Bản viện trợ, giúp những đồi cát ven biển của tỉnh được phủ xanh. Đối với nhiều người, rừng phòng hộ ven biển được xem như "lá phổi" xanh giúp duy trì không khí trong lành, hạn chế tác hại của cát di động và bão biển để bảo vệ đất canh tác và các khu dân cư, bảo vệ cuộc sống người dân.

Chăm chút cho rừng ven biển Quảng Nam - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tại khu vực ven biển Quảng Nam xảy ra 11 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 48 ha rừng

Dù vậy, vài năm gần đây, những cánh rừng ven biển của tỉnh Quảng Nam dường như ít được sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ của chính quyền và người dân địa phương. Đi dọc tuyến đường Võ Chí Công có thể dễ dàng thấy những cánh rừng ngày càng xơ xác, cây cối èo uột, thưa thớt. Xen giữa rừng là các khu nghĩa địa, đất sản xuất, khu dân cư, đường sá… khiến rừng không được liền mạch mà như bị cắt lát ngổn ngang.

Số liệu thống kê cho thấy diện tích rừng có xu hướng giảm dần theo thời gian. Có hàng loạt nguyên nhân khiến rừng bị mất, bị suy thoái về chất lượng nhưng chủ yếu do sự tác động của con người.

Một nguyên nhân khác khiến rừng mất là do bị cháy mà nếu được quan tâm đúng mức thì có thể giảm thiểu thiệt hại rất nhiều. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 48,1 ha với loài chủ yếu là keo lưỡi liềm và phi lao tại các huyện Thăng Bình, Núi Thành. Người dân tính toán rằng nếu mỗi năm bị cháy 50 ha thì trong tương lai không xa, rừng phòng hộ ven biển Quảng Nam sẽ bị xóa sổ.

Đề xuất giao khoán cho doanh nghiệp

Ông Hà Phước Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện nay lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn mỏng, nhiều địa phương chỉ có 1 công chức kiểm lâm địa bàn phụ trách 4-5 xã; không có ô tô để phục vụ công tác phòng và chữa cháy rừng; kinh phí cấp cho mua sắm, sửa chữa trang thiết bị quá ít đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Chăm chút cho rừng ven biển Quảng Nam - Ảnh 2.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra rừng bị cháy tại khu vực rừng phòng hộ ven biển

Liên quan rừng ven biển Quảng Nam, chính quyền địa phương đã nhận thấy thực trạng "nhiều về lượng, ít về chất" nên đã đề xuất giải pháp tái thiết. Cụ thể, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong năm 2022, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ven biển của tỉnh từ 3.636 ha xuống còn 2.000 ha, trên cơ sở phù hợp hiện trạng rừng đủ điều kiện công nhận thành rừng tại khu vực này. Đồng thời, sắp xếp, trồng rừng phòng hộ theo nội dung tại quyết định vào năm 2018 của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế mở Chu Lai.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị cho phép thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển theo hình thức hợp tác công - tư, thông qua giao khoán cho các doanh nghiệp đang triển khai dự án tại khu vực này nhằm bảo đảm việc trồng, chăm sóc, quản lý thường xuyên kết hợp phát triển kinh tế với chức năng phòng chống thiên tai.

Ông Lê Trí Thanh cho biết trên thực tế, diện tích có rừng tại vùng ven biển của tỉnh chỉ hơn 2.580 ha. Những năm gần đây, hạ tầng giao thông vùng Đông của tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế và được Đảng bộ tỉnh xác định là vùng động lực phát triển, trong đó hạt nhân là Khu Kinh tế mở Chu Lai. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án tại khu vực này gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và trồng rừng thay thế.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, hiện nay Thủ tướng đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với cơ quan liên quan lập tổ công tác và UBND tỉnh Quảng Nam rà soát, thống kê, đánh giá cụ thể diện tích rừng phòng hộ ven biển cần điều chỉnh quy hoạch. Thủ tướng cũng đồng ý và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trồng, bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển. 

Lựa chọn cây trồng phù hợp hơn

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết mục đích tỉnh đề xuất sắp xếp lại diện tích rừng ven biển là nhằm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai, vừa nâng cao chất lượng rừng trồng phòng hộ ven biển và phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai đã được Thủ tướng phê duyệt. Diện tích quy hoạch rừng phòng hộ ven biển được bố trí lại là hơn 2.000 ha, được sắp xếp dọc các tuyến giao thông, bao quanh các khu công nghiệp, khu dân cư. Tỉnh sẽ lựa chọn cây trồng phù hợp hơn, chăm sóc tốt hơn theo hình thức hợp tác công - tư nhằm phát huy tác dụng phòng hộ.


Chăm chút cho rừng ven biển Quảng Nam - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo