Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT (thay thế Thông tư 63/2014), quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-7-2020, nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Grab là xe hợp đồng điện tử
Thông tư số 12 giải thích định nghĩa về kinh doanh vận tải trong Nghị định số 10 với các nội dung là trực tiếp điều hành lái xe, quyết định giá cước, giải quyết tranh cãi bấy lâu nay khi các hãng cung cấp ứng dụng gọi xe chỉ xem mình đơn thuần là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối.
Cụ thể, Thông tư số 12 định nghĩa: Giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để tiếp nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng, lựa chọn phương tiện, lái xe phù hợp, chuyển thông tin về yêu cầu vận chuyển cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.
Quyết định giá cước vận tải là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thỏa thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển.
Thông tư số 12 cũng quy định ôtô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải đáp ứng các quy định tại khoản 1 điều 7 Nghị định số 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Xe hợp đồng phải được niêm yết thông tin như tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải.
Thông tư mới cũng quy định cụm từ "Xe hợp đồng" làm bằng vật liệu phản quang niêm yết (dán cố định) trên kính trước và sau; có phù hiệu "Xe hợp đồng" theo mẫu quy định.
Trước đó, từ ngày 1-4, Nghị định số 10 chính thức có hiệu lực, trong đó nhiều quy định đã thay đổi, nhất là đối với loại hình xe công nghệ và taxi truyền thống.
Sẽ không còn tranh cãi về hoạt động taxi truyền thống và xe công nghệ
Được chọn mô hình hoạt động
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho biết các loại hình xe công nghệ như Grab, FastGo, be… có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải theo quy định tại Nghị định số 10. "Đây là quy định rất mở để các đơn vị tự xác định và phân định rõ hoạt động của mình mà lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp và phải chấp hành theo đúng các điều kiện đã lựa chọn" - ông Ngọc nói.
Để chuyển đổi, theo ông Ngọc, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 10, Bộ GTVT cũng có Quyết định 146/QĐ-BGTVT dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016) từ ngày 1-4. Điều này đồng nghĩa với hoạt động của các loại hình xe công nghệ như Grab, FastGo, be... sẽ dừng hoạt động theo Quyết định số 24.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Nghị định số 10 quy định tất cả loại hình kinh doanh vận tải đều được ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành hoạt động vận tải. Trong đó đã có nội dung quản lý chính thức đối với đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (khi hoạt động kinh doanh taxi tính tiền thông qua phần mềm hoặc hợp đồng điện tử). Về phạm vi, hợp đồng điện tử được áp dụng trên địa bàn các địa phương trong toàn quốc.
Trả lời báo chí, đại diện Grab cho biết hãng này tuân thủ quy định của Nghị định số 10. Theo đó, Grab xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô cho dịch vụ GrabCar để có thể tiếp tục phục vụ khách hàng và hợp tác với các đối tác tài xế mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào. Ngoài ra, Grab vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị vận tải nhằm bảo đảm tất cả đối tác tài xế tuân thủ các quy định liên quan tại Nghị định số 10. Việc xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô theo quy định của Nghị định số 10 không tạo ra sự gián đoạn nào với dịch vụ gọi xe công nghệ cũng như hoạt động vận hành của Grab.
Grab vẫn tiếp tục mô hình là nền tảng công nghệ cung cấp đa dịch vụ. Hành khách vẫn có thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng Grab như trước đây. Đối tác tài xế vẫn là thành viên của các đơn vị vận tải và sử dụng ôtô để cung cấp các dịch vụ vận tải hành khách bằng hình thức xe hợp đồng điện tử thông qua ứng dụng Grab.
Đại diện thương hiệu be cho biết là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ, beGroup đang triển khai nhiều hoạt động vận hành để phù hợp với quy định của Nghị định số 10. Theo đó, be sẽ yêu cầu các tài xế thực hiện dán cố định decal có cụm từ "Xe hợp đồng" làm bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe, với kích thước tối thiểu là 6x20 cm để hành khách nhận diện.
Kiểm tra, xử lý qua camera trên xe
Thông tư số 12 quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp camera trên ôtô kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 2 điều 13 và khoản 2 điều 14 của Nghị định số 10.
Thông tin, dữ liệu từ camera lắp trên xe được sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, quản lý hoạt động của người lái xe và phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải, cung cấp cho cơ quan công an, ngành GTVT để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bình luận (0)