Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn tại phiên chất vấn của Quốc hội (QH) - dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 8-6.
Giảm bớt thiệt thòi cho lao động nữ
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, bày tỏ lo lắng đối với lao động nữ ở độ tuổi ngoài 40 bị mất việc trong các đợt cắt giảm lao động của doanh nghiệp (DN). Nhấn mạnh đây là nhóm có nguy cơ cao phải rút BHXH một lần, ĐB Thủy đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nêu giải pháp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cách đây một tháng, khi đi kiểm tra tình hình lao động ở một số địa phương theo phân công của Thủ tướng, ông đã sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân. Qua thực tế, Bộ trưởng nhận thấy trong ngành dệt may, da giày, phần lớn lao động là nữ, thậm chí có những ngành nghề có tới 80% nữ. Thời gian qua, hầu hết bộ phận mất việc làm, bị giãn việc rơi vào lao động nữ.
"Trong dòng người gồm hơn 3 triệu lao động chuyển về địa phương do dịch COVID-19, phần đông cũng là những phụ nữ đem theo con, bởi họ không trụ nổi ở thành phố" - Bộ trưởng nêu thực trạng.
Nêu giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh phải đào tạo nghề ngay từ sớm, có thể từ khi lao động chưa thất nghiệp. Bởi lẽ, lao động nữ đến tuổi 40 thường rơi vào tình trạng "mắt mờ, chân chậm", năng suất thấp, thuộc diện bị chủ DN cho nghỉ việc đầu tiên.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết Chính phủ, Thủ tướng đã có những giải pháp giúp giảm bớt khó khăn, thiệt thòi cho lao động nữ, như: tạo điều kiện cho DN ổn định sản xuất, giữ việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ); chăm lo hệ thống cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu gồm nhà trẻ, trường học...; chủ động đào tạo từ sớm, từ xa để NLĐ có thể tìm việc mới khi chuyển việc hoặc thất nghiệp. Ông đề nghị các địa phương có cơ chế, chính sách để hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm cho lao động nữ khi trở về địa phương.
Về giải pháp chung hỗ trợ NLĐ tại các KCX-KCN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay các DN đã rất cố gắng, san sẻ với NLĐ theo phương châm: Khi làm ăn tiến triển thì cùng hưởng, lúc khó khăn thì cùng sẻ chia. Dù vậy, Bộ trưởng thừa nhận lương và thu nhập của NLĐ còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là nữ công nhân ở các KCN.
Cân nhắc lập quỹ hỗ trợ người lao động
Trước đề nghị của ĐB Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) về việc xem xét thành lập quỹ hỗ trợ NLĐ tương tự chính sách hỗ trợ NLĐ trong đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận đây có thể là một trong những giải pháp giúp hạn chế tình trạng rút BHXH một lần đang có chiều hướng gia tăng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH hứa sẽ suy nghĩ thấu đáo việc thành lập quỹ hỗ trợ NLĐ trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng, xem căn cứ, hiệu quả và báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép.
Tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay năm 2021 đã chi 47.356 tỉ đồng hỗ trợ NLĐ mắc COVID-19 và 30.800 tỉ đồng hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2023, số dư quỹ còn 59.357 tỉ đồng.
"Chúng tôi đang thiết kế một gói hỗ trợ NLĐ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH. Theo đó, sẽ chi khoảng 23.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ trong giai đoạn khó khăn này" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần, ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhấn mạnh nguyên nhân lớn nhất đến từ sự bất an của NLĐ đối với chính sách BHXH. Công nhân xem BHXH là "của để dành" nhưng lo sợ chính sách mới sẽ làm hạn chế quyền tự quyết, quyền tự chủ động của họ và mức lương hưu không đủ sống. Từ đó, ĐB Thúy đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nêu giải pháp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét hầu như không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH một lần dễ dàng như Việt Nam. Thông lệ quốc tế chỉ cho rút BHXH trong 2 trường hợp: mắc bệnh nan y hoặc chuyển sang định cư ở nước ngoài. Với Việt Nam, ngoài lý do chính sách cho rút BHXH và tỉ lệ hưởng BHXH "hào phóng" thì công tác tuyên truyền để NLĐ thấu hiểu còn chưa tốt.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, ĐB Trần Thị Diệu Thúy tranh luận: Mong muốn của NLĐ là chính sách BHXH phải nhất quán và có tính ổn định lâu dài. Mỗi lần sửa luật lại có những phương án khác về chính sách như thu dài, rút ngắn, tăng tỉ lệ được hưởng... dẫn đến tâm lý không an tâm của NLĐ. Vì vậy, NLĐ phải tính toán xem lợi ích của việc rút BHXH một lần và tham gia lại sau đó như thế nào.
"Bộ trưởng trả lời là cần sửa Luật BHXH theo hướng tăng quyền lợi và không hạn chế các quyền của NLĐ. Vậy đó là quyền lợi gì? Cần nêu rõ để NLĐ theo dõi chất vấn có thể an tâm hơn và suy nghĩ lại về quyết định của mình liên quan đến BHXH" - ĐB Thúy đề nghị.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đề nghị nêu rõ sửa Luật BHXH theo hướng tăng quyền lợi gì cụ thể cho người lao động để họ an tâm hơn và suy nghĩ lại quyết định rút BHXHẢnh: NHƯ Ý
Học nghề không phải là lựa chọn sau cùng
ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết giải pháp, chính sách thu hút học sinh khá, giỏi vào giáo dục nghề nghiệp. "Bao giờ thì giáo dục nghề nghiệp không phải là sự lựa chọn sau cùng của học sinh không thi đỗ vào lớp 10 và đại học?" - bà Sương đặt câu hỏi. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) chất vấn: "Khi nào thì chất lượng nguồn nhân lực của nước ta mới tiệm cận với các nước trong khu vực?".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin quy mô tuyển vào học nghề hiện nay là khoảng 2 triệu học sinh, sinh viên. Con số này tăng rõ rệt so với giai đoạn cách đây khoảng 5 năm, bình quân mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 500.000 học viên. Về cơ cấu, những năm trước, sinh viên cao đẳng nghề thường chiếm tỉ lệ 5%-10%, còn nay đạt khoảng 26%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận giáo dục nghề nghiệp hiện nay cả về quy mô lẫn chất lượng còn rất nhiều điều phải quan tâm, cải thiện. Cụ thể, hệ thống chính sách pháp luật, chế độ ưu đãi, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho học viên học nghề chưa nhiều. Mặt khác, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp thì việc đầu tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức xã hội.
Về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết quy mô lao động ở độ tuổi từ 15 trở lên là khoảng 55 triệu người. Trong đó, lao động có kỹ năng còn thấp; tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 26,4%. Tình trạng này ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài bởi nhà đầu tư trước khi quyết định đến Việt Nam luôn đặt câu hỏi: Cơ sở hạ tầng như thế nào và nguồn nhân lực chất lượng cao có đáp ứng không?
"Sau khi có Nghị quyết 19/2017 của Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06/2023 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội với 9 nhóm giải pháp rất căn bản" - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh.
Đại biểu NGUYỄN VĂN THÂN (đoàn Thái Bình):
Thẳng thắn, trả lời "trúng" vấn đề
Về cơ bản, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã trả lời "trúng" các vấn đề rất "nóng" hiện nay được ĐB, cử tri và người dân quan tâm, như: rút BHXH một lần, NLĐ mất việc làm, thu nhập của NLĐ hay năng suất lao động thấp.
Trong đó, về việc thu BHXH bắt buộc với hộ kinh doanh cá thể, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã thẳng thắn nhìn nhận đây là việc làm sai, khẳng định sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan. Đồng thời, kiến nghị đưa vào nghị quyết chất vấn của kỳ họp này nội dung cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng đóng BHXH. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhìn nhận còn nhiều vướng mắc về thể chế nên NLĐ chưa phát huy hết năng lực, kể cả lao động chất lượng cao.
Tôi đồng tình với một số giải pháp dài hạn mà Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất, như cơ cấu lại thị trường lao động, nâng cao chất lượng bồi dưỡng nguồn nhân lực và hạn chế những ngành thâm dụng lao động.
Đại biểu TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Tạo không khí sôi nổi cho phiên chất vấn
Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhận được sự quan tâm lớn của ĐB và cử tri. Với sự chuẩn bị kỹ, nghiên cứu sâu và kinh nghiệm trả lời chất vấn, Bộ trưởng trả lời rõ ràng, cụ thể, nắm chắc lĩnh vực. Tuy nhiên, với một số vấn đề đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách, Bộ trưởng chưa giải đáp thực sự rõ ràng như mong muốn của cử tri.
Trong phần chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, việc điều hành của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã tạo không khí sôi nổi, đồng thời hỗ trợ cho Bộ trưởng "cân bằng" trong những tình huống tranh luận.
Đông Hồ - Minh Chiến ghi
Hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH?
Dẫn tình trạng chậm đóng BHXH gây hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn lao động, ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nêu giải pháp khắc phục.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến hết năm 2022, tổng số tiền cả gốc và lãi do chậm, trốn đóng BHXH lên tới 8.560 tỉ đồng, tăng 2,69% so với năm 2021. Để khắc phục, khi sửa Luật BHXH, sẽ áp dụng một số chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn và theo thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, có nước đã dừng sử dụng hóa đơn của DN trong một thời gian hay hoãn xuất cảnh đối với chủ DN trốn đóng BHXH.
Bộ LĐ-TB-XH cũng đã chỉ đạo BHXH Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc thu tiền của NLĐ đến đâu thì thực hiện chế độ, chính sách đến đó. Nếu NLĐ có giai đoạn đóng bị ngắt quãng thì cơ quan BHXH ghi nhận nhưng vẫn phải tính chế độ cho họ. Đồng thời, tạo điều kiện cho NLĐ đóng BHXH ở đơn vị mới hoặc bảo lưu nếu thôi tham gia BHXH.
Bình luận (0)