Facebook của tôi dăm bữa lại nhận được những dòng nhắn như vậy của em sau lúc chúng tôi tình cờ kết bạn với nhau. Lời em ân cần, chất phác và trong sâu thẳm tôi nhận ra em đang cần trò chuyện. Đó là một thanh niên bị hỏng hai mắt từ nhỏ, từ quê nhà Đại Lộc vào Tam Kỳ (Quảng Nam) hành nghề massage trong một cơ sở dành cho người khiếm thị. Tôi biết điều này qua ảnh đại diện trên trang cá nhân của em.
Bằng phần mềm chuyển đổi từ chữ viết sang âm giọng và ngược lại dành cho người khiếm thị, em nhận tin và trả lời tôi nhanh chóng, thuần thục. Các cuộc trò chuyện chỉ diễn ra dăm mười phút và tôi nhận ra không phải lúc nào mình cũng mặn mà. Công việc và những nghi ngại rối rắm liên quan đến giao tiếp với người mà mình chưa hề quen biết khiến tôi ban đầu có phần trễ nải trong hồi âm. Đến nỗi có lúc thấy tôi vắng bặt, em hồn nhiên gửi cho tôi dòng chữ có chút lẫy hờn: "Chú ơi, chú có sao không? Mấy bữa nay chẳng thấy chú trả lời con. Chú sợ con làm phiền à?".
Hóa ra em chẳng cần gì nhiều hơn nơi tôi - và có lẽ với nhiều người khác mà em kết bạn - một vài giây trò chuyện vào lúc rảnh tay vì vắng khách. Tự bao giờ, trò chuyện trở thành một khao khát đến nỗi chàng trai khiếm thị này không e ngại những phiền toái có thể xảy đến với một người bạn lớn tuổi mà mình chưa hề gặp mặt. Không thể nhìn thấy, chỉ nghe thôi qua những dòng chuyển âm tin nhắn, trong thế giới của em, trò chuyện với người quen hẳn là một nhu cầu bức thiết. Vậy mà, tệ thật, lắm khi tôi cứ lần lữa, kiệm với em cả một cái click chuột, một dòng hồi âm!
Trò chuyện với em, tôi nhận ra mình còn ngây ngô với các tiến bộ công nghệ, xa cách với các thao thức, nỗi niềm của tuổi trẻ và học thêm từ em sự chân tình, khí khái. Tôi hiểu vẻ giản dị chân chất của niềm vui lắm lúc chỉ đến từ một lời hỏi han, một động tác click chuột. Và rằng, trong thế giới người mù, có nhiều người sáng suốt và thấu cảm với tha nhân hơn cả không ít người còn đủ hai mắt.
Tất cả khởi nguồn khi ta biết chạm vào nhau. Chạm vào nhau, như tôi và em, đâu cần phải bắt tay hay vỗ vai. Bao nhiêu người cần được trò chuyện, cần cảm thông, chia sẻ, tỏ bày. Không chạm vào nhau thì làm sao bật lên tiếng vang từ những góc tâm hồn!
2. "Hết xăng rồi hả chú? Ngồi lên yên xe đi, con đẩy tới trạm xăng!", giọng trai trẻ ồ ề, vừa cục mịch vừa như ra lệnh. Đang hì hục dắt bộ chiếc xe chết máy, tôi quay lại để nhận ra dừng xe bên cạnh mình là một chàng trai quần cộc áo thun trên chiếc xe máy cũ có gắn thêm phần sau để chở nước đá. Buồn ngủ gặp chiếu manh! Sau quãng dài dắt bộ đến rã chân, tôi leo lên yên xe.
"Góc ngã ba kia có trạm xăng. Chú chịu khó dắt bộ vài mét nhé. Con quay lại đây, khách đang chờ", chàng trai nói sau khi đẩy dìu xe tôi qua gần một cây số. Tôi chỉ kịp ngoái lại nói lời cảm ơn thì lưng áo thun đã ngoặt sang chiều ngược lại, gửi lại cho tôi nụ cười khoe cả hàm răng. Không kịp hỏi tên, không kịp hỏi han vài lời, tôi trách mình quá lúng túng vô tâm. Mà nghĩ lại, có cần phải biết tên chàng trai ấy không nhỉ? Chỉ cần nhớ đó là chàng thanh niên tốt bụng, một người lao động trẻ yêu đời mà bất cứ lúc nào ta cũng dễ gặp trên đường.
Bằng sự hồn nhiên chân chất, chàng trai ấy đã chạm vào tôi, không chỉ bằng cái cẳng chân căng ra dìu đẩy chiếc xe chết máy giữa trưa hè khói bụi mà bằng tấm tình của một người lao tác. Và hơn cả một nghĩa cử đỡ đần tha nhân trong cảnh ngặt nghèo, chàng trai chở nước đá kia đã chạm vào tình cảm, suy nghĩ của tôi, mở cho tôi rộng thêm góc nhìn tươi sáng giữa dòng đời đủ sắc màu.
3. Một người bạn của tôi sau nhiều năm định cư ở nước ngoài, trở về quê nhà đi trên những đoạn phố nêm chặt người, xe đã kể lại cảm giác lạ lẫm xen lẫn thú vị khi được chen chân trong cái đông đúc rộn ràng. Khi ngồi ở yên sau xe máy do một người bạn chở dạo phố, qua chỗ đông người, chị thích thú cười vang khi đầu gối mình chạm phải đầu gối của một người lạ chạy xe bên cạnh. Ở xứ người, một sự tiếp giáp, đụng chạm giữa người và người quả thật hiếm hoi bởi theo lời chị, cư dân thường ru rú khép mình trong bốn bức tường nhà, đến chỗ làm cũng thu mình trong phòng làm việc. Ra đường thì chui vào xe hơi như chui vào chiếc hộp sắt phân cách mình với thế giới bên ngoài.
Từ quê nhà trở lại phương xa sau đợt ấy, bạn tôi bỗng nhận ra mình bắt đầu thích được ngồi trước hiên nhà trò chuyện với hàng xóm, mong đón những người quen đột nhiên ghé chơi để cùng chuyện trò rôm rả tiếng mẹ đẻ. "Nguồn sống trong tôi bỗng được nối kết với nhịp mạch của quê nhà sau một chuyến đi, sau một cú chạm đầu gối giữa phố phường" - người bạn viết cho tôi sau lúc về lại xứ người.
Tôi không hề ngạc nhiên với giọng điệu vừa hào hứng vừa tiếc nhớ của chị. Ngày ngày, tôi vẫn cảm nhận những cú chạm đầm ấm, thân tình cơi nới thêm cánh cửa tâm hồn, những cú chạm vào nhau như của chàng trai khiếm thị tình cờ quen được hay anh chàng chở nước đá quần cộc áo thun cười rất tươi sau lúc nép mình vào giữa đám đông…
Bình luận (0)