Tại buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm ở khu Đông TP HCM hôm 28-5, HĐND TP HCM nhấn mạnh ở cửa ngõ này, dự án nút giao Mỹ Thủy và dự án xây dựng tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao Bình Thái (thuộc dự án đường Vành đai 2) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hai dự án này khi hoàn thành sẽ góp phần giảm áp lực cho giao thông không chỉ ở khu vực cảng Cát Lái cùng các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công mà còn tạo sự kết nối giữa các quận 2, 7, 9, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây... Do đó, việc dự án chậm cần phải rõ nguyên nhân.
Vướng vì "biến động khách quan" (?!)
Báo cáo với HĐND TP, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM - chủ đầu tư dự án nút giao Mỹ Thủy - cho hay dự án mới hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác các hạng mục chính như cầu vượt, hầm chui, một số nhánh qua nút giao... Riêng giai đoạn 2 của dự án này, hiện chỉ một số hạng mục chính như xây cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và 2), có thể hoàn thành trong năm nay bởi không vướng mặt bằng. Còn lại hầu hết các hạng mục khác, mặt bằng chưa liên thông, làm chậm tiến độ thi công cũng như chưa giải quyết áp lực giao thông tại khu vực theo mục tiêu đề ra. "Trong khi theo kế hoạch, tháng 4-2018, mặt bằng của dự án phải được UBND quận 2 bàn giao nhưng đến nay chưa hoàn thành bởi việc điều chỉnh chủ trương đầu tư công chưa được thông qua" - chủ đầu tư dự án nêu lý do chậm trễ.
Liên quan đến vấn đề mặt bằng, UBND quận 2 cho hay tại dự án nút giao Mỹ Thủy, tổng diện tích thu hồi đất hơn 166.000 m2 và khoảng 130 trường hợp có nhu cầu tái định cư. Nhưng vướng mắc lớn nhất của việc bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện nay là ở việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Lý giải việc này, phía quận 2 cho biết năm 2016, dự án được ghi vốn với tổng mức đầu tư 504 tỉ đồng, lập theo đơn giá bồi thường năm 2015 - thời điểm xác định tổng mức trình HĐND và UBND TP phê duyệt. Nhưng do dự án kéo dài và quá trình đô thị hóa nhanh tại địa phương khiến đơn giá bồi thường không còn phù hợp. Trong khi quy mô dự án hiện cũng phát sinh thêm nên phía chủ đầu tư đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.029 tỉ đồng. Với việc điều chỉnh này, phía quận 2 cần sự hướng dẫn về quy trình, thủ tục điều chỉnh theo Luật Đầu tư công. "Sau điều chỉnh, quận mới có thể tham mưu UBND TP ban hành quy trình lập, trình duyệt dự án bồi thường, đồng thời phối hợp với Sở Tài chính cân đối, chuẩn bị vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án này" - UBND quận 2 trình bày.
Tương tự, dự án xây dựng tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao Bình Thái (thuộc dự án đường Vành đai 2) cũng vướng mắc liên quan việc làm các thủ tục, hồ sơ lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, giai đoạn 1 của dự án xây dựng trên chiều dài gần 3,6 km, điểm đầu từ cầu Phú Hữu và điểm cuối tiếp giáp với dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức). Tổng mức đầu tư mới cập nhật giai đoạn 1 của dự án này hơn 9.000 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (chưa bao gồm dự phòng phí) dự kiến vào khoảng 6.200 tỉ đồng ở cả 2 quận 9 và Thủ Đức. Tuy nhiên, hiện nay dự án này đang chờ được thông qua chủ trương đầu tư công để triển khai.
Theo UBND quận 9, dự án Vành đai 2 qua địa bàn quận có tổng diện tích đất thu hồi hơn 30,5 ha, với khoảng 557 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó có tới 366 hộ phải giải tỏa trắng). Hiện nay địa phương đang kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình HĐND TP thông qua danh mục thu hồi đất năm 2020. Đồng thời kiến nghị các sở, ngành liên quan sớm trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sử dụng từ vốn ngân sách TP và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Tại nút giao Mỹ Thủy, một số hạng mục lớn như cầu vượt, hầm chui đã đưa vào khai thác, tuy nhiên tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án vẫn rất chậm dẫn đến tình trạng đội vốn
Thẩm định chặt, đeo bám sát
Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM - đánh giá chủ đầu tư và các địa phương liên quan đến 2 dự án trên đã có nhiều nỗ lực triển khai dự án. Tuy nhiên, tại dự án trọng điểm như nút giao Mỹ Thủy, dù là dự án quan trọng nhưng tiến độ rất chậm. Tính cả 2 dự án thành phần là bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây lắp tại dự án này, đều đội vốn gần như gấp đôi. Vì vậy, chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định chặt chẽ hồ sơ của các đơn vị đề nghị tăng mức đầu tư của dự án. "Những vướng mắc hiện nay, các bên phải chủ động đeo bám Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP thông qua chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư vào tháng 7-2020" - bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Liên quan đến toàn bộ dự án đường Vành đai 2, trong đó có đoạn xây dựng tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao Bình Thái), bà Nguyễn Thị Lệ đánh giá quá trình triển khai, thực tế các địa phương có nhiều vướng mắc trong việc điều chỉnh phân khu 1/2000. Hiện việc này đã có văn bản hướng dẫn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song cái khó là TP chưa phê duyệt chủ trương đầu tư. Vì vậy, bà Lệ đề nghị Sở Giao thông Vận tải chủ động làm việc với các bên liên quan nhanh chóng tham mưu UBND TP về điều chỉnh đồ án quy hoạch và phê duyệt chủ trương đầu tư, gấp rút hoàn thành vào tháng 7, trước kỳ họp của HĐND TP sắp tới.
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh với vai trò tham mưu, các sở, ngành cần thực hiện theo đúng quy định và thời gian để HĐND TP có thể thẩm tra các tờ trình từ UBND TP. Bởi các văn bản báo cáo lên, UBND TP còn làm việc, tính toán rồi mới trình HĐND TP nhưng vừa qua có không ít trường hợp khi trình lên quá gấp rút, không đúng thời gian quy định. "Trừ những vấn đề quá cấp bách thì với những trường hợp đã có dự án, nếu trình không đúng thời gian thì HĐND TP không thể đủ điều kiện để thẩm tra. Vì vậy các sở, ngành, đơn vị phải chủ động thực hiện trên cơ sở đúng nguyên tắc, quy định và đảm bảo thời gian, tiến độ" - chủ tịch HĐND TP HCM nói. Qua đây, bà Lệ cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kỹ, bám sát vào Luật Đầu tư công mới nhất năm 2019 để thẩm định chặt chẽ việc điều chỉnh các dự án.
Rõ "nội tình" dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2
Một dự án cũng được đánh giá là quan trọng nhưng đang nan giải là dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài Liệt sĩ - quận Bình Thạnh (tên cũ là dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, giai đoạn 2 phần 2).
Theo UBND quận Thủ Đức, với dự án này, địa phương khi hoàn thành các thủ tục giải phóng mặt bằng cần thiết thì lại chưa có kinh phí chi trả cho 7 trường hợp bị ảnh hưởng, với tổng diện tích khoảng 3.600 m2. Lý do là vào cuối năm 2019, UBND TP thông báo việc dừng thực hiện đầu tư phần 2 giai đoạn 2 của dự án cầu đường Bình Triệu 2 theo hợp đồng BOT. Do đó, địa phương đang kiến nghị xem xét cho tạm ứng vốn ngân sách để hoàn tất việc chi trả, thu hồi mặt bằng.
Hợp đồng BOT dự án cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2 giai đoạn 2) ký kết giữa UBND TP HCM và Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) năm 2018. Với hợp đồng này, CII hiện đã hoàn thành một số hạng mục nhưng chưa được thu phí hoàn vốn do các giai đoạn sau chưa triển khai, chưa đủ điều kiện để thu. Nhưng hiện nay, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới, không thực hiện ở các dự án cải tạo, nâng cấp những tuyến hiện hữu. Do đó, dự án phải chuyển đổi hình thức đầu tư.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, dự án này hiện trở lại giai đoạn nghiên cứu đề xuất HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư công.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-5
Bình luận (0)