Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết từ ngày 1-1 đến 24-2, cục nhận văn bản đề nghị chặn đăng kiểm đối với hơn 3.700 ôtô vi phạm giao thông nhưng không chấp hành đúng thời hạn xử phạt, giải quyết vi phạm. Đến hết năm 2019, còn khoảng 3.000 trường hợp cũng bị đề nghị chặn đăng kiểm, nâng tổng số xe bị chặn hiện nay lên hơn 6.700 xe. Trong năm 2019, tổng số có khoảng hơn 7.000 xe bị chặn đăng kiểm.
Các đề nghị chặn đăng kiểm chủ yếu được gửi từ thanh tra sở giao thông vận tải (GTVT), phòng CSGT các địa phương, trong đó khoảng 89% bị "phạt nguội" nhưng chưa chấp hành việc xử phạt.
Từ tháng 2, Đội CSGT Công an TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức ghi hình các trường hợp vi phạm giao thông, nhiều nhất là ôtô dừng - đỗ không đúng nơi quy định. CSGT viết giấy thông báo lỗi vi phạm và dán lên kính trước xe vi phạm, với nội dung: Ngày giờ, địa điểm, lỗi vi phạm và hẹn người vi phạm 3 ngày sau đến trụ sở công an phường để giải quyết vi phạm. Thông báo cũng kèm dòng chữ: "Quá thời hạn nêu trên, người điều khiển phương tiện không đến làm việc, công an phường… sẽ báo cáo Công an TP Hạ Long để thông báo đến trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ đình chỉ việc kiểm định với phương tiện theo quy định". Tại tỉnh Lạng Sơn, trung tâm đăng kiểm trên địa bàn cũng thường xuyên nhận được yêu cầu của công an cấp huyện về việc chặn đăng kiểm xe chậm nộp phạt.
Từ ngày 1-1, xe chậm nộp phạt vi phạm giao thông chỉ được cấp chứng nhận đăng kiểm thời hạn 15 ngày
Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng việc đề nghị trung tâm đăng kiểm địa phương chặn xe vi phạm giao thông chậm nộp phạt là không đúng quy định. Bởi các trung tâm đăng kiểm chỉ làm dịch vụ đăng kiểm tại địa phương, trong khi quy định là đưa lên hệ thống đăng kiểm để xe bị chặn đăng kiểm ở toàn hệ thống. "Việc chặn đăng kiểm không phải trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm địa phương. Thẩm quyền là Cục Đăng kiểm Việt Nam, không phải của trung tâm đăng kiểm riêng địa phương nào" - ông Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, việc thông báo xe vi phạm kèm với nội dung sẽ "đình chỉ đăng kiểm" là không có căn cứ pháp luật, bởi Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ trường hợp nào mới bị đình chỉ đăng kiểm.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019, từ ngày 1-1-2020, trường hợp chủ xe vi phạm giao thông quá hạn giải quyết vi phạm nhưng không đến giải quyết vi phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa lên chương trình quản lý kiểm định để chặn đăng kiểm. Xe vi phạm được cấp chứng nhận đăng kiểm với thời hạn 15 ngày/lần. Hầu hết các trường hợp cảnh báo đều do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện, áp dụng trên hệ thống trung tâm đăng kiểm toàn quốc.
Ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết hiện chưa có quy định nào về việc trung tâm đăng kiểm địa phương được tự chặn kiểm định xe cơ giới chậm nộp phạt vi phạm giao thông. Việc chặn đăng kiểm xe chậm nộp phạt vi phạm do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện, các địa phương hoặc đơn vị đăng kiểm phải gửi đề nghị về cục.
"Nguyên tắc chung, khi chặn đăng kiểm xe vi phạm giao thông phải gửi danh sách lên Cục Đăng kiểm Việt Nam để chặn toàn hệ thống. Tới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ có văn bản hướng dẫn chung các trung tâm đăng kiểm toàn quốc về vấn đề trên" - ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, việc có một số đơn vị tự chặn đăng kiểm là do trước đây các đơn vị đăng kiểm đều thuộc sở GTVT, có chức năng quản lý nhà nước nên có thể thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan chức năng tại địa phương. Còn hiện nay thêm trung tâm đăng kiểm tư nhân nên các trung tâm này thực hiện chức năng quản lý nhà nước là không đúng.
Bình luận (0)