Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hà Nội, ngày 11-3 cho biết hiện dịch tả heo châu Phi đã lan ra 5 quận, huyện của TP gồm: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm và Sóc Sơn. Tổng số heo đã tiêu hủy là 152 con.
Dịch hoành hành, cán bộ lo... đánh bài
Theo ông Sơn, 2 ngày qua ở Hà Nội không ghi nhận thêm trường hợp heo bệnh nào nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao. Chi cục Thú y TP đang kết hợp với các đơn vị liên quan vận động người dân tổng vệ sinh chuồng trại và nơi ở để phòng dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, ở Thanh Hóa, dịch tả heo châu Phi tiếp tục lan rộng. Ông Trịnh Văn Súy, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết tính đến chiều 11-3, trên địa bàn phát hiện thêm 4 xã có đàn heo mắc bệnh.
Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng dường như công tác phòng chống dịch của địa phương lại khá thờ ơ. Sáng 11-3, phóng viên vào vùng dịch xã Thiệu Phúc và ghi nhận tại 2 chốt ra vào của xã này có 2 cán bộ nhưng không kiểm tra, phun tiêu độc các phương tiện qua lại. Đáng nói là vào khoảng 10 giờ 30 phút, tại chốt kiểm dịch gốc cây Gạo trên đường tỉnh 506 thuộc thị trấn Vạn Hà không có cán bộ kiểm tra phương tiện trong khi ở trong chòi trực có 4 người ngồi đánh bài.
Ông La Đình Khanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Hà, xác nhận thông tin trên và cho biết họ chỉ đánh bài cho vui (!). "Địa phương sẽ cho họp khẩn, chấn chỉnh ngay và có phương án xử lý" - ông Khanh nói.
Cùng ngày, phóng viên đã ghi nhận thực tế tại trạm kiểm dịch trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia. Đây là chốt chặn quan trọng của Thanh Hóa để kiểm soát dịch đi vào các tỉnh phía Nam nên có lực lượng thú y, CSGT và QLTT cùng phối hợp xử lý. Tại điểm này, lực lượng chức năng đã dừng kiểm tra rất nhiều phương tiện chở heo, trâu bò ra vào để kiểm tra nguồn gốc, phun tiêu độc khử trùng.
Ông Phạm Văn Tới, Phó Trạm Kiểm dịch động vật và thủy sản - Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, cho biết heo vẫn được đưa ra khỏi địa bàn tiêu thụ nếu không nằm trong vùng dịch và không nhiễm dịch tả heo châu Phi, đã được tiêm chủng.
Cũng theo ông Tới, lực lượng liên ngành tại trạm làm việc suốt ngày đêm nhưng vẫn khó kiểm soát được hết các phương tiện ra vào địa bàn tỉnh. "Việc dừng xe cũng khó khăn vì những xe đậy kín rất khó nhận biết chở gì mà kiểm tra" - ông Tới nói.
Chốt kiểm dịch ở cây Gạo, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa không có cán bộ nào đứng chốt do đang đánh bài trong chòi. Ảnh: THANH TUẤN
Chốt chặn, phòng dịch từ xa
Trước thực trạng dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp tại một số tỉnh phía Bắc, 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Bình đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để bảo đảm dịch không xâm nhập địa phương. Bốn trạm kiểm dịch động vật trên những tuyến đường huyết mạch được lập ra để ngăn chặn heo bị bệnh vận chuyển vào Nam. Các trạm này hoạt động 24/24 giờ và tất cả xe chở động vật đi qua đều được kiểm tra, phun thuốc khử trùng.
Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Lâm, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Kim Liên (đóng tại đường tránh Nam Hải Vân, quận Liên Chiểu), cho hay trong 3 ngày gần đây, lượng xe chở heo qua trạm giảm khoảng 40% so với ngày thường. Trạm này hoạt động 24/24 giờ và đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện trường hợp xe vận chuyển heo có dấu hiệu bất thường.
Dù dịch tả heo châu Phi xảy ra ở miền Bắc và công tác chốt chặn, ngăn dịch lây lan được triển khai liên tục nhưng không khí lo lắng vẫn bao trùm các tỉnh phía Nam. Ở Đồng Nai, chủ các trang trại heo dành nhiều thời gian chăm sóc, kiểm tra thường xuyên và rất kỹ đối với đàn heo. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết dự kiến ngày 14-3, tỉnh Đồng Nai sẽ có cuộc họp bàn biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi. "Các trạm kiểm soát trên các tuyến quốc lộ chưa phát hiện bất thường. Tại địa phương cũng chưa phát hiện dấu hiệu bệnh dịch. Dù vậy, kế hoạch phòng chống dịch vẫn phải quyết liệt, không thể lơ là" - ông Quang nói.
Trong khi đó, rạng sáng 12-3, lãnh đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đi giám sát, kiểm tra tại 2 cơ sở giết mổ lớn, 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền về tình hình chống dịch tả heo châu Phi và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hỗ trợ 80% giá trị heo bị tiêu hủy
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2019, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi.
Chính phủ cho phép UBND cấp tỉnh sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ cho chủ vật nuôi có heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Cụ thể, đối với heo con, heo thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường; heo nái, heo đực giống hỗ trợ từ 1,5 đến 2 lần so với mức hỗ trợ các loại heo khác tại thời điểm có dịch bệnh.
V.Duẩn
Người kêu gọi tẩy chay thịt heo đối mặt mức phạt nặng
Ngày 11-3, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết chiều cùng ngày, chủ Facebook Đầm bầu thời trang Mami là bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa đã đến cơ quan nói trên để làm việc liên quan đến việc đưa thông tin sai sự thật về dịch tả heo châu Phi và kêu gọi tẩy chay thịt heo.
Tại buổi làm việc, bà Nghĩa thừa nhận sai phạm. Ông Do cho biết cục sẽ ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Nghĩa, mức phạt cao nhất có thể là 20 triệu đồng.
Hiện bà Nghĩa đã gỡ bỏ nội dung sai sự thật về dịch tả heo châu Phi cũng như đăng tải thư xin lỗi người theo dõi trên Facebook Đầm bầu thời trang Mami.
Bình luận (0)