Khi ban hành gói hỗ trợ này, Chính phủ đã đặc biệt lưu ý giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng và sớm đưa tiền đến tay người nhận để giúp họ xoay xở trong những ngày sống chật vật vì dịch. Thế nhưng, đã có tình trạng "một người làm quan, cả họ được nghèo" để nhận tiền hỗ trợ trong khi những hộ này đã thoát nghèo, thậm chí khá giả, xây nhà cao cửa rộng. Một số địa phương xảy ra chuyện vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận; chi trả không đủ tiền cho các hộ dân. Có nơi người dân sau khi nhận tiền hỗ trợ, phải nộp lại số tiền 50.000 đồng/nhân khẩu cho cán bộ thôn… uống nước (!)…
Ngày 11-6, Văn phòng Chính phủ (VPCP) có văn bản gửi UBND các tỉnh đôn đốc giải quyết hồ sơ trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo văn bản này, đến 10-6-2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp nhận 661 hồ sơ của 227 DN đề nghị hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) bị tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không lương. Trong số đó có 597 hồ sơ bị từ chối do không đủ điều kiện hỗ trợ, chỉ 9 hồ sơ được duyệt. Số còn lại đang được xử lý. VPCP đề nghị các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chấn chỉnh việc xử lý hồ sơ chậm trễ hoặc từ chối hồ sơ nhưng không nêu rõ lý do; không để xảy ra tình trạng yêu cầu nộp bổ sung hồ sơ giấy đối với hồ sơ trực tuyến.
Tại cuộc đối thoại do Công đoàn ngành GTVT Khánh Hòa tổ chức ngày 12-6, đại diện các DN và NLĐ đều cho biết không được hỗ trợ vì dịch Covid-19 tác động đến tỉnh này sớm nhất, hầu hết NLĐ đều đã nghỉ từ tháng 2, tháng 3 (trước ngày 1-4) nên hồ sơ gửi lên đều bị trả lại.
Còn tại TP HCM, vào đầu tháng 6-2020, chỉ riêng quận 12 có 6.868 NLĐ của 265 DN phải tạm hoãn HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương do dịch. Mặc dù quận đã gửi văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ này đến khoảng 1.000 DN, song chỉ có 9 DN nộp hồ sơ, trong đó có 27 NLĐ của 5 DN được xét duyệt. Nguyên nhân là nhiều DN đã thỏa thuận với NLĐ về việc tạm hoãn HĐLĐ, ngừng việc không hưởng lương nên không quan tâm thực hiện chính sách. Cũng như nhiều DN ở các địa phương khác, việc chứng minh DN có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không được DN hưởng ứng bởi DN không muốn công khai tình hình tài chính cho các cơ quan chức năng nên NLĐ không được hưởng.
Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhân dân, cần được thực thi rốt ráo và công bằng. Do đó, không chỉ kiểm soát chặt để tránh bị trục lợi, mà cũng nên xem xét để điều chỉnh theo hướng thông thoáng hơn về thủ tục, đừng quá nặng về các yêu cầu không cần thiết hoặc không phù hợp, khiến NLĐ chậm hoặc không được nhận tiền hỗ trợ.
Bình luận (0)