Ngày 18-11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về 2 nhóm vấn đề: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử; nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức ngành tòa án.
Có vụ án trả hồ sơ tới 7 lần
Mở đầu phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội) nêu tình trạng nhiều vụ án khi đưa ra xét xử bị trả đi trả lại nhiều lần, vi phạm quy định tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, trong đó có vụ án trả hồ sơ đến 7 lần.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình Ảnh: TTXVN
Về vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận trong năm 2017, có 145 vụ trả điều tra bổ sung nhiều lần. Nguyên nhân do chất lượng điều tra của một số vụ án có vấn đề. Bên cạnh đó, thẩm phán không tuân thủ pháp luật, nể nang, thiếu bản lĩnh khi tuyên án. TAND Tối cao đã quán triệt các thẩm phán tuân thủ quy định, không được trả hồ sơ quá nhiều, trong trường hợp không đủ yếu tố kết tội thì buộc phải tuyên không đủ yếu tố kết tội.
Trong phần trả lời của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Chánh án thông tin cho ĐB và cử tri rõ vì sao Hội đồng xét xử không cho cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga khai tiếp khi đề cập đến việc chi tiền để "chạy" vào QH. Chánh án TAND Tối cao cho biết khi báo chí nêu, ông đã chỉ đạo kiểm tra ngay, cũng như yêu cầu chủ tọa phiên tòa giải trình.
Theo ông Bình, việc chủ tọa dừng không cho khai tiếp là do nội dung này đã được tách ra thành vụ án khác và theo quy định thì được phép. Đặc biệt, lời khai của bà Thu Nga cũng có trong hồ sơ vụ án, không có gì giấu giếm. "Bà Nga khai chi tiền nhằm 2 mục đích. Thứ nhất là chi cho Hội đồng bầu cử địa phương để vào được danh sách ứng viên. Thứ hai là chi cho báo chí vì ở thời điểm đó có thông tin bà Nga có bằng tiến sĩ mà không đi học" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án cung cấp thêm cựu ĐBQH Thu Nga quen biết với một doanh nhân có quan hệ rộng nên đã chủ động gặp và nhiều lần đưa tiền ở quán cà phê, mỗi lần từ 100.000-200.000 USD. Tuy nhiên, việc này chỉ 2 người biết với nhau, không có chứng cứ. Theo biên bản đối chất với doanh nhân nêu trên, người này nói quen biết bà Nga nhưng phủ nhận việc nhận tiền.
Trả hồ sơ nhiều lần do sợ oan sai
Về án tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm, ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu nhiều hạn chế trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong đó, ĐB Nga chỉ rõ thời hạn điều tra, truy tố, xét xử còn kéo dài; tỉ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung cao; chuyển tội danh chưa hợp lý trong một số vụ án và tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp.
Tham gia trả lời chất vấn, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí thừa nhận thực trạng này và nhấn mạnh có phần trách nhiệm của cơ quan tố tụng, của ngành kiểm sát. Về vụ Trịnh Xuân Thanh, Chánh án TAND Tối cao cho biết cách đây 2 ngày, các cơ quan chức năng đã họp; ngoài Trịnh Xuân Thanh thì khởi tố bổ sung 3 bị can khác.
Người đứng đầu VKSND Tối cao chỉ rõ đây là án truy xét (hành vi thực hiện phạm tội tới thời điểm phát hiện dài), đối tượng là những người có kiến thức, chức vụ, có thể tác động tới nhiều cấp khác nhau khi điều tra vụ án. Kết quả giám định tư pháp kéo dài, phải thực hiện nhiều lần. Theo ông Trí, có những vụ án tham nhũng quy mô lên tới nhiều ngàn tỉ đồng nên phần đánh giá thiệt hại khó khăn.
Ngoài ra, việc kéo dài vụ án còn phụ thuộc thời gian cung cấp tài liệu của các cơ quan chuyên môn, thời gian cung cấp nội dung của cơ quan giám định, yêu cầu thu hồi tài sản, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án. Cụ thể, như vụ án Phạm Công Danh có 50 bị can; vụ án Hà Văn Thắm cũng có 51 bị can tại các tỉnh, thành khác nhau, quy mô vụ án rất lớn.
"Việc kéo dài vụ án, trả lại án để điều tra bổ sung nhiều lần cũng liên quan tới năng lực, trình độ của cơ quan tố tụng, trong đó có ngành kiểm sát. Ngoài ra, tâm lý sợ oan sai đã dẫn tới cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn tới trả hồ sơ để giải quyết triệt để vụ án nhằm an toàn cho mình" - Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, khởi tố còn chậm, trong khi cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Lý giải về việc tội phạm tham nhũng bỏ trốn, ông Lâm nói các quy định pháp luật chỉ cho phép cơ quan công an thực hiện các biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo. Do đó, một số đối tượng tham nhũng bỏ trốn trước khi bị khởi tố. Việc cơ quan điều tra không thực hiện các biện pháp ngăn chặn ở thời điểm đó là đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp. Trong năm 2017, tài sản thu hồi chiếm 29% lượng tiền và 50% về đất đai, tài sản.
100.000 đơn vị nợ BHXH 14.700 tỉ đồng
Trả lời chất vấn của ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) về nợ BHXH, khi tổ chức Công đoàn đại diện cho người lao động khởi kiện thì các đơn đều bị tòa án trả lại, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết hiện có hơn 100.000 đơn vị đang nợ của 2,6 triệu lao động số tiền 14.700 tỉ đồng. BHXH đã khởi kiện 8.880 vụ, yêu cầu trả 6.000 tỉ đồng. Chánh án cho hay tòa có công văn không thụ lý đơn khởi kiện do không phù hợp với trình tự tố tụng hiện hành. Cụ thể như đại diện Công đoàn không được người lao động ủy quyền nên thông tin tới tòa không chắc chắn, nhiều đại diện Công đoàn không có mặt tại tòa.
Trước thực tế nợ bảo hiểm rất lớn, ông Bình nêu rõ theo Bộ Luật Hình sự thì sau ngày 1-1-2018, vi phạm nợ bảo hiểm bắt buộc là tội phạm, nếu có vụ án hình sự xảy ra, các cơ quan điều tra vào cuộc thì tòa án phải thụ lý, giải quyết.
V.DUẨN
Bình luận (0)