Ngày 2-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lập quy hoạch không gian biển quốc gia
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đến nay, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4/38 quy hoạch ngành quốc gia - đều thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT); quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch tỉnh Bắc Giang...
Chính phủ đang tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia để trình các cấp có thẩm quyền; các bộ, ngành xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các thành viên Chính phủ tham dự hội nghị Ảnh: NHẬT BẮC
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Bắc Giang... cho rằng vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu lên một số bài học kinh nghiệm như phải có quyết tâm rất cao, xác định quy hoạch là cái gốc, là định hướng của lĩnh vực, không có quy hoạch thì không thể trình các dự án, đồng thời huy động nhiều nguồn lực cho công tác quy hoạch, trong đó có nguồn lực từ hợp tác quốc tế.
Vừa đúng tiến độ vừa bảo đảm chất lượng
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định nhiều nơi đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, công việc theo Luật Quy hoạch và đạt những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, tiến độ vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra, chất lượng chưa như mong muốn để có những quy hoạch thật tốt, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh 2 điểm mấu chốt trong công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Trong đó, đặc biệt phải yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ những hạn chế, yếu kém, thách thức.
Thủ tướng yêu cầu phải xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan dân cử cần tăng cường sự giám sát, kiểm tra trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Không cầu toàn, cũng không nóng vội trong công tác quy hoạch. Quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết, đề xuất được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Về tổ chức thực hiện, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải lựa chọn những nhà thầu tư vấn tốt, lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ chuyên gia, nhà khoa học...trong phản biện, thẩm định quy hoạch. Kinh nghiệm cho thấy các bộ, ngành, địa phương cần lập các tổ công tác về vấn đề này và các tổ giúp việc tương đối chuyên nghiệp, chuyên trách. Ngoài ra, cần công khai, minh bạch trong quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đại, thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng chung; công tác công bố, quản lý quy hoạch đúng quy định, thực chất, chống hình thức...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không để ách tắc thủ tục gây ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng quy hoạch. Tính toán, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng, ngành, quốc gia trong gắn kết với sự phát triển của khu vực và toàn cầu, lựa chọn vị trí mắt xích nào trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của đất nước.
Thủ tướng cho biết Quốc hội đã cho phép các quy hoạch có thể lập đồng thời, quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Tìm động lực phát triển mới
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, cân nhắc thêm một số vấn đề như phân vùng để tìm động lực phát triển mới cho đất nước và các khu vực, như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ. Có giải pháp để các vùng khó khăn vươn lên, xóa đói giảm nghèo, tất cả người dân trên mọi miền đất nước được hưởng lợi từ sự phát triển, đồng thời cân đối, hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
Bình luận (0)