Theo Tổng Thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc, từ ngày 16 đến 18-11, 5 thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn làm rõ những vấn đề dân sinh bức xúc. Bốn bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời: bộ trưởng Bộ Tài chính, thống đốc ngân hàng, bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chánh án TAND Tối cao. Ngày 18-11, Thủ tướng sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ thêm những vấn đề được đại biểu (ĐB) quan tâm.
ĐBQH Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tại kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV Ảnh: NGUYỄN NAM
Báo Người Lao Động ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH liên quan đến chất vấn tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.
ĐB PHẠM THỊ MINH HIỀN (Phú Yên):
Phải công khai minh bạch và biết lắng nghe
Phần lớn những vấn đề cử tri mong muốn giải đáp đều rất sát với đời sống và quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, qua phiên chất vấn, QH khó có thể đáp ứng tất cả ý nguyện của cử tri. Ủy ban Thường vụ QH đã tính toán rất kỹ và cân nhắc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và trả lời dựa trên đề xuất của ĐBQH và điều kiện khách quan khác.
Tuy nhiên, tôi mong QH bố trí thời lượng hợp lý, vị "tư lệnh" ngành có liên quan đến các vụ việc gây bức xúc dư luận xảy ra giữa 2 kỳ họp tiếp tục trao đổi và trả lời, qua đó khẳng định trách nhiệm, hướng giải quyết để đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Ngay cả khi kỳ họp trước vụ việc đó đã được bộ trưởng ngành có liên quan đăng đàn trả lời. Điều đó để cử tri tin và ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong quản lý vĩ mô, luôn đồng hành cùng với suy nghĩ, lo lắng của nhân dân. Không nên để những bức xúc của người dân trong lĩnh vực nào đó làm ảnh hưởng đến những nỗ lực và kết quả mà Chính phủ đạt được trong thời gian qua.
Chính phủ phải công khai minh bạch, biết lắng nghe trong tâm thế của một bộ máy luôn muốn hoàn thiện để phát triển; đáp ứng thỏa đáng những mong mỏi chính đáng của nhân dân. Điều cử tri vui mừng, phấn khởi hay chưa bằng lòng cũng cần phải giải quyết trên diễn đàn này.
ĐB BÙI VĂN PHƯƠNG (Ninh Bình):
Không chất vấn BOT giao thông là đáng tiếc
Có thể nói hoạt động chất vấn của QH có tác dụng rất lớn, bởi vì tất cả vấn đề cử tri quan tâm, cuộc sống đòi hỏi, những tồn tại, yếu kém, bất cập về mặt chính sách, chủ trương được chất vấn thì Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan phải trả lời và tiếp thu để hoàn chỉnh. Những vấn đề không do chính sách mà do tổ chức thực hiện chưa tốt thì trước hết các bộ ngành liên quan phải kiểm điểm và nhận trách nhiệm trước QH, trước cử tri.
ĐBQH phải phản ánh ý nguyện, tâm tư của người dân. Những vấn đề cử tri bức xúc, kiến nghị thì QH phải đem ra bàn thảo.
Cử tri và ĐBQH đang rất quan tâm về BOT giao thông. Thực tế Thường vụ QH cũng đã thành lập đoàn giám sát trước đó về vấn đề này. Đây là vấn đề nóng nên cần được nêu ra diễn đàn QH, nhất là phiên chất vấn để người dân thấy vấn đề họ quan tâm được QH bàn. Tại kỳ họp này, QH không đưa những búc xúc về BOT giao thông ra chất vấn là điều đáng tiếc.
ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG (Bến Tre):
Phải theo đuổi vụ việc đến cùng
Có người cho rằng không nên chất vấn những vụ việc cụ thể nhưng có những vụ việc lại có tác động rất lớn, ảnh hưởng tới cả hệ thống. Tư tưởng chung là chất vấn nên giải quyết những điểm chưa thống nhất, đặc biệt là các sai phạm, vì khi đã công khai trước QH thì sau chất vấn sẽ thực hiện cam kết để cử tri giám sát.
Chất vấn là một trong những hình thức giám sát rất hữu hiệu. Sau chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên chính phủ có liên quan lại giải quyết ở các mức độ khác nhau, có người rất chú tâm nhưng cũng có người không thực sự quan tâm.
Vì thế, ngoài chất vấn trên hội trường hoặc bằng văn bản, tôi thường gặp trực tiếp các bộ trưởng để tìm hiểu rõ vấn đề, giải quyết việc nhanh hơn. Chất vấn không phải là ném viên đá sang bên phía bộ trưởng, ĐBQH không thể chất vấn theo kiểu "khoán trắng" mà phải có trách nhiệm hợp tác, giám sát cùng với bộ trưởng giải quyết vấn đề. Đã chất vấn là phải theo đuổi đến cùng. Các bộ trưởng cũng phải thể hiện bản lĩnh trước các vấn đề ĐBQH nêu ra, tìm hướng giải quyết chứ không nên vội vàng bênh vực cho ngành.
ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP HCM):
Tiếc vì không được chất vấn chính quyền địa phương
Chất vấn cần phải được phát huy vì nó đem lại hiệu quả thực sự, đặc biệt phải quan tâm đến lựa chọn vấn đề và người đăng đàn trả lời phải đúng với nhu cầu trong từng giai đoạn cụ thể.
Cử tri luôn mong chờ các phiên chất vấn và nó cũng có tác dụng tích cực để các thành viên Chính phủ quan tâm giải quyết. Nhưng tôi vẫn tiếc vì đến nay các ĐBQH không được chất vấn chính quyền địa phương trong khi đây là nhu cầu có thực và trước đây tôi cũng đã góp ý.
Sau chất vấn, các ĐBQH phải có trách nhiệm với vấn đề đã nêu vì có ĐBQH hỏi xong rồi không tiếp tục quan tâm nữa.
Tuần này, dành 3 ngày chất vấn và trả lời
Bước vào tuần làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV, ngày 13-11, QH sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Thảo luận ở hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Sáng 14-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP HCM và sau đó QH thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết này. Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
QH dành trọn 3 ngày (từ 16 đến 18-11) để chất vấn và trả lời. Các phiên chất vấn đều được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Bình luận (0)