xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chật vật giải quyết hậu phân lô bán nền

Bài và ảnh: KỲ NAM

Ở tỉnh Khánh Hòa, huyện Cam Lâm có 114 trường hợp "hiến đất làm đường" sai quy định và tách 57 ha đất thành 2.350 thửa bán cho nhiều người gây hệ lụy nặng nề, khó giải quyết

Sau khi Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Khánh Hòa có thông báo kết luận và thi hành kỷ luật nhiều cán bộ là lãnh đạo huyện Cam Lâm do liên quan sai phạm trong quản lý đất đai, UBND huyện này đã có những quyết định giải quyết hậu quả.

Chật vật giải quyết hậu phân lô bán nền - Ảnh 1.

Khu đất phân lô bán nền ở huyện Cam Lâm tự ý trổ lối đi ra quốc lộ, bị cơ quan chức năng rào chắn

Chỉ xử lý được 0,8/ 57 ha

Cụ thể, UBND huyện Cam Lâm đã ban hành 4 quyết định hủy việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở với diện tích hơn 8.200 m2 (0,8 ha) thuộc thị trấn Cam Đức và xã Cam Hải Tây.

UBND huyện Cam Lâm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chuyển thông tin đến Chi cục Thuế khu vực Nam Khánh Hòa để hoàn trả số tiền thuế và lệ phí trước bạ chuyển mục đích sử dụng đất mà các cá nhân liên quan đã nộp vào ngân sách nhà nước; giao Văn phòng Đăng ký Đất đai chi nhánh Cam Lâm hủy thông tin chỉnh lý hồ sơ địa chính đối với hồ sơ chuyển mục đích diện tích đất nói trên.

0,8 ha chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích đất chuyển mục đích sai quy định. Theo kết quả kiểm tra của UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và 8 đảng viên, tổng diện tích đất cần xử lý sau sai phạm lên đến 57 ha.

UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa kết luận Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục "hiến đất làm đường" không đúng thẩm quyền; cho phép 114 trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để tự làm đường, tách thửa và đã tách thành công 2.350 thửa với tổng diện tích hơn 57 ha.

Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, cho biết theo kết luận thì số trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất có sai phạm rất lớn nên để khắc phục, huyện phải rà soát từng trường hợp. "Muốn hủy thì đầu tiên phải hủy cho phép làm đường, khi con đường không còn nữa thì mới đủ điều kiện hủy đất ở" - ông Bảo giải thích.

Người mua thiệt thòi, ai chịu trách nhiệm?

Theo UBND huyện Cam Lâm, toàn huyện có 114 trường hợp đã "hiến đất", tách thửa, trong đó nhiều thửa đã xây dựng nhà cửa.

Mới đây, bà Đ.T.H.L (ngụ tỉnh Hưng Yên) có đơn kêu cứu vì gia đình đã bán nhiều tài sản ở quê để mua 3 thửa đất ở xã Cam Hải Tây. Bà L. cho biết đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính, khu đất bà mua là đất ở tại nông thôn và thời hạn sử dụng là lâu dài nên ngày 2-6, gia đình động thổ làm móng, xây nhà song bị UBND xã Cam Hải Tây yêu cầu tạm dừng. Đến tháng 7-2022, UBND huyện có văn bản chỉ đạo không được cấp phép xây dựng mới, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.

"Công trình của chúng tôi không phải là công trình mới vì đã khởi công xây dựng từ trước đó hơn 1 tháng. Gia đình chưa nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan việc cấm và yêu cầu dừng xây dựng. Vậy mà hơn 3 tháng qua, việc xây dựng nhà ở của gia đình tôi liên tục bị cản trở và gây thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Vậy thiệt hại của 3 tháng vừa qua ai là người chịu trách nhiệm cho gia đình tôi? Tôi chưa hiểu gia đình tôi sai ở đâu?" - bà L. bức xúc.

Một giám đốc sàn giao dịch bất động sản cho biết công ty ông chỉ là đơn vị trung gian. Song, khi chính quyền thu hồi quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì sàn này bị khách hàng chỉ trích, gây mất uy tín.

"Khi nhận bán các sản phẩm, chúng tôi rất cẩn thận, kiểm tra quy hoạch, kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) ghi rõ là đất ở nông thôn thì mới bán. Bây giờ xảy ra sự việc như vậy, chúng tôi cũng không biết xử lý sao để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng" - giám đốc này băn khoăn.

Chật vật giải quyết hậu phân lô bán nền - Ảnh 2.

Nhiều trường hợp phân lô bán nền núp bóng “hiến đất”, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở huyện Cam Lâm

Có thu hồi sổ đã cấp?

Phóng viên Báo Người Lao Động đã đặt các câu hỏi như: Những khu đã phân lô, bán nền, tách thửa sẽ xử lý như thế nào? Chính quyền có thu hồi các GCNQSDĐ đã cấp đất ở để cấp trở lại đất nông nghiệp? Những người mua đã xây nhà thì có bị thu hồi, cưỡng chế? Trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào vì người dân mua là đất thổ cư do chính quyền cấp, nay phải trở về đất nông nghiệp thì lỗi của ai, họ có được bồi thường? Ông Ngô Văn Bảo cho biết huyện đang xây dựng phương án xử lý. Khi có phương án, UBND huyện Cam Lâm sẽ thông tin để người dân yên tâm.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho rằng trong vụ vi phạm về quản lý đất đai tại Cam Lâm, UBND huyện không có thẩm quyền thu hồi GCNQSDĐ của người đã nhận chuyển nhượng.

Theo các quy định hiện hành, nhà nước không thu hồi GCNQSDĐ đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 điều 106 Luật Đất đai nếu người được cấp GCNQSDĐ đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Hà, việc xử lý thiệt hại do cấp GCNQSDĐ trái pháp luật gây ra thực hiện theo quyết định hoặc bản án của TAND. Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp GCNQSDĐ trái pháp luật bị xử lý theo quy định tại điều 206 và điều 207 Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng đã có hướng dẫn khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất mà hợp đồng đó bị vô hiệu nhưng người nhận chuyển quyền đã được cấp GCNQSDĐ hoặc đã được xác nhận nội dung biến động thì không cần phải tuyên hủy GCNQSDĐ cấp cho người nhận chuyển nhượng.

Khi tòa án tuyên hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất vô hiệu, xử lý hậu quả hậu hợp đồng vô hiệu thì văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan tài nguyên - môi trường căn cứ vào bản án, quyết định của tòa để giải quyết điều chỉnh biến động hoặc cấp lại GCNQSDĐ cho phù hợp với kết quả giải quyết của tòa án. Cần lưu ý thêm, kết luận của UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ yêu cầu UBND huyện Cam Lâm tiến hành hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, không yêu cầu thu hồi hay hủy bỏ GCNQSDĐ. 

Vai trò của chính quyền cấp xã

Theo TS Lê Xuân Thân - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tại Khánh Hòa - trong quản lý đất đai, vai trò của chính quyền cơ sở rất quan trọng. Luật Đất đai 2013 đã quy định: Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời việc xây dựng công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục tình trạng đất.

"Nếu chúng ta làm nghiêm, xử lý đâu ra đó, xử lý vi phạm không có "vùng cấm", công khai và công bằng, tôi tin rằng sẽ sớm chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai" - ông Thân nhận định.

Có dấu hiệu hình sự?

Liên quan việc "phân lô bán nền" ở huyện Cam Lâm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Kết luận 247/KL-UBND. Theo kết luận này, trường hợp thửa đất 656, tờ bản đồ số 12 ở xã Cam Hải Tây của ông Lương Công Dân và ông Vũ Đình Chinh với diện tích hơn 6.977 m2 chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản đã chuyển đổi thành đất ở nông thôn. Sau đó, ông Dân và ông Chinh đã hiến một phần đất làm đường rồi tách phần còn lại thành 74 thửa nhỏ để chuyển nhượng cho nhiều người.

Kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa nhận định việc chuyển đổi đất khác sang đất ở đã thiếu văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, dẫn đến quy hoạch xây dựng không thống nhất. Việc "hiến đất" không có trong quy định pháp luật. Trong trường hợp này chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, cụ thể là phân lô bán nền, chứ không phải giao cho nhà nước thực hiện các công trình công cộng.

Luật sư Nguyễn Tường Linh (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho rằng nếu việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nói trên không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ban hành hằng năm của UBND tỉnh mà UBND huyện Cam Lâm vẫn thực hiện thì có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai và có dấu hiệu hình sự.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo