Tại Quảng Bình hiện có 29 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận nhưng hiện nay nhiều làng nghề đang đối mặt với nguy cơ thất truyền, thậm chí bị xóa sổ… do không cạnh tranh được sản phẩm.
Nhiều làng nghề "thoi thóp"
Làng mộc Quảng Cư nằm ở tổ dân phố Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) từng có một thời vàng son khi mang lại cuộc sống no ấm cho người dân từ hàng trăm năm nay. Thợ mộc làng này ngày xưa nức tiếng miền Trung vì làm tốt, làm đẹp mọi sản phẩm, như: tủ đứng, tủ chè, giường, bàn ghế, sập (rương)... Đặc biệt, nghệ nhân của làng gần như "độc quyền" việc làm đình, chùa, nhà rường tinh xảo thời đó.
Còn bây giờ, về làng nghề mộc Quảng Cư những ngày này thiếu hẳn sự nhộn nhịp của nhiều năm về trước, thay vào đó là không khí hiu hắt, ảm đạm chưa từng thấy. Những năm trở lại đây, nhiều sản phẩm các nghệ nhân của làng làm ra dù rất đẹp, tinh xảo nhưng tiêu thụ ế ẩm do nguồn nguyên liệu giảm dần, khiến làng nghề rơi vào cảnh thoi thóp. Hiện cả làng chỉ còn khoảng 15 hộ làm mộc, hoạt động cầm chừng và đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.
Làng mộc truyền thống Quảng Cư (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đang đứng trước nguy cơ mai một Ảnh: HOÀNG PHÚC
Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên khan hiếm và giá rất cao, gỗ nhập khẩu cũng có giá đắt đỏ. Xu thế hiện nay người dân làm nhà xây nên nhu cầu gỗ cũng giảm dần do người tiêu dùng chuộng nhiều sản phẩm đồ nhựa, nhôm kính, gỗ ép… Thế hệ trẻ trong làng cũng ít người mặn mà với nghề nên người làm mộc cũng dần ít đi.
Tương tự là làng nghề đan lát truyền thống Xuân Bồ, xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy), hay làng nghề rèn đúc Mai Hồng, làng nước mắm Quy Đức (huyện Bố Trạch) đang dần đi vào "ngõ cụt", có nguy cơ mai một khiến nhiều người nuối tiếc. Nguyên nhân là do sản phẩm không còn phù hợp với thị trường… Đặc biệt cùng với sự phát triển, ô nhiễm môi trường do các làng nghề gây ra đang là vấn đề nan giải.
Nhiều làng nghề bị... xóa sổ
Quảng Ngãi là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, với 22 làng nghề và làng có nghề (trong đó có 6 làng và 7 nghề được công nhận làng nghề truyền thống) được hình thành từ xa xưa, với những loại hình phong phú như nghề gốm, nghề đúc đồng, nghề rèn, dệt… Trong đó, nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng gắn liền với đời sống, văn hóa nông thôn, được lưu giữ và phát triển trong cộng đồng dân cư, như: nghề dệt chiếu cói, gốm, bánh tráng, đường phèn, mạch nha, cá bống…
Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, nhiều làng nghề từng gắn liền với vùng đất xử Quảng này đang dần mai một, nhiều làng nghề gần như bị "xóa sổ" hoàn toàn, chỉ còn số ít hộ gia đình còn giữ nghề. Điển hình, làng nghề gốm Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) đã được hình thành từ hơn 200 năm trước với những sản phẩm men gốm, họa tiết độc đáo, nổi tiếng khắp cả nước… nhưng hiện làng nghề này đang bị xóa sổ gần như hoàn toàn và chỉ còn duy nhất một hộ dân còn theo nghề.
Tại Bình Định, toàn tỉnh này có 57 làng nghề được công nhận nằm rải rác khắp các vùng nông thôn, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống. Thị xã An Nhơn có tới 18 làng nghề truyền thống với bề dày lịch sử, vì đây từng là kinh đô của 2 vương triều Vijaya và vương triều Tây Sơn. Điển hình như làng rèn Tây Phương Danh ở phường Đập Đá, với tuổi đời hơn 200 năm.
Hiện làng rèn Tây Phương Danh có khoảng 200 lò rèn hoạt động, trong đó mỗi lò có từ 3 nhân công trở lên. Hầu hết các thợ rèn ở đây đều học nghề tại gia đình, theo cách "cha truyền con nối" nhưng hiện đang gặp khó khăn bởi sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm rèn công nghiệp, có giá thành rẻ và người dân làng nghề đang phải chật vật tìm hướng đi mới.
Cần vực dậy làng nghề truyền thống
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, dù các làng nghề truyền thống hiện nay đang giảm sút, nguy cơ xóa sổ nhưng thành công từ chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã phần nào giúp người dân, các chủ sở hữu ý thức về sản phẩm của họ có khả năng tồn tại và phát triển trên thị trường nếu họ cải tiến, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, các làng nghề truyền thống hay nghề mới hình thành đều có thể phát triển, người dân sống và thu nhập được từ chính làng nghề của mình.
Ông Ngô Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong những năm gần đây, chương trình OCOP đóng góp tích cực hình thành những làng nghề, nghề mới vùng nông thôn, ven biển. Điển hình như làng chế biến nước mắm, chả cá Bình Châu, làng nấm Đức Nhuận, vùng chuyên canh măng tây Mộ Đức, hành tỏi và đặc sản đảo Lý Sơn, vùng trái cây trung du Nghĩa Hành, nông sản miền núi Sơn Hà… và dần định danh trên thị trường.
Trong khi đó, để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, tỉnh Bình Định đang triển khai đề án thí điểm phát triển du lịch làng nghề truyền thống giai đoạn 2020-2025. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của đề án là tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với việc giới thiệu các làng nghề, sản phẩm thủ công làng nghề, đầu tư phát triển các tuyến… Mô hình mang lại thành công bước đầu là làng trồng bí đao Mỹ Thọ, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ.
Làng trồng bí đao Mỹ Thọ ở huyện Phù Mỹ, Bình Định tìm hướng đi mới bằng việc phát triển du lịch Ảnh: ANH TÚ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình OCOP, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo sở tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ sở làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia để nâng cao giá trị, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Vừa qua, tỉnh cũng ban hành quyết định về việc phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Bình. Trong đó, có các dự án về chuỗi liên kết sản xuất, các dự án về du lịch làng nghề nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch gắn với thúc đẩy phát triển làng nghề. n
Bình luận (0)