APEC ngày nay là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai.
Ba vấn đề cấp bách
Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) diễn ra tại TP Đà Nẵng hôm 8-11. Sự kiện quan trọng diễn ra trong ngày thứ ba của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 này với sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi lãnh đạo doanh nghiệp lớn, được coi là cuộc đối thoại lịch sử giữa các nhà lãnh đạo APEC và giới kinh doanh thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC ngày 8-11. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chủ tịch nước nêu rõ nhờ những đóng góp mang tính quyết định của cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế năng động, là trung tâm đầu tư, khoa học - công nghệ, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu.
Đặc biệt, Chủ tịch nước nhấn mạnh để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương cần duy trì vai trò quan trọng trong việc cùng Chính phủ giải quyết 3 vấn đề cấp bách.
Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới.
Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Chúng ta cần biến "câu chuyện thần kỳ kinh tế" thành "câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm" của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Theo Chủ tịch nước, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.
Thứ ba, cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai.
Đối thoại lịch sử
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tới ngày 10-11 mới có bài phát biểu tại hội nghị kéo dài 3 ngày này song 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được nhắc tới không ít lần trong phiên đối thoại đầu tiên về chủ đề "Tương lai toàn cầu hóa" với sự tham gia của nhiều nhân vật uy tín như Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevêdo, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Philipp Rösler…
Ngoài toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, 15 phiên thảo luận của hội nghị còn tập trung vào các chủ đề khác như phát triển bền vững, kết nối để tăng trưởng, sự phát triển của công nghệ và kỷ nguyên số... Các khách mời tham dự có nhiều lãnh đạo, những người đứng đầu các tổ chức quốc tế, như nhiều đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp tên tuổi trên thế giới.
Về phía Việt Nam, 4 gương mặt doanh nhân tham gia các phiên đối thoại đều là những nhân vật đứng đầu các doanh nghiệp lớn trong nước bao gồm: người sáng lập TBS Group Nguyễn Đức Thuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Dương Thị Mai Hoa và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa TH Thái Hương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng thời là Chủ tịch APEC CEO Summit 2017, nhấn mạnh: "Tôi có một niềm tin vững chắc rằng "cỗ xe tam mã" với 3 động cơ chính: toàn cầu hóa được tích hợp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những cải cách thể chế mạnh mẽ trong các nền kinh tế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các chuỗi giá trị toàn cầu để "mọi người cùng thắng", để "không ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ là khát vọng mà sẽ là hiện thực trong kỷ nguyên số của chúng ta. APEC CEO Summit 2017 sẽ đi vào lịch sử như một dấu mốc quan trọng của sự đồng thuận đó".
CEO Việt muốn mở rộng toàn cầu
Việt Nam dẫn đầu danh sách những nền kinh tế thu hút đầu tư nội địa lớn nhất và là điểm đến hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp APEC khi đầu tư ra nước ngoài.
Đó là kết quả đáng chú ý của cuộc khảo sát Lãnh đạo doanh nghiệp APEC thường niên của PricewaterhouseCoopers (PwC - một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) công bố ngày 8-11. Theo đó, mức độ lạc quan về tăng trưởng doanh thu của các lãnh đạo doanh nghiệp trong 21 nền kinh tế của APEC đang ở mức cao nhất trong 3 năm. 37% CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, tăng từ 28% của năm 2016, bất chấp những biến động về chính sách thương mại và căng thẳng chính trị ở nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC. PwC đã khảo sát hơn 1.400 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong từng nền kinh tế của 21 nền kinh tế APEC trước thềm APEC CEO Summit.
Bên cạnh Việt Nam, những nền kinh tế thu hút đầu tư nội địa lớn nhất bao gồm Nga, Philippines, Indonesia và Malaysia. Đáng chú ý, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Thái Lan là những điểm đến hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp APEC khi đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, 86% CEO của Việt Nam mong muốn mở rộng toàn cầu. Ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC, nhận định sự tự tin của các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy họ không chờ đợi môi trường kinh doanh ổn định hơn mới thúc đẩy kế hoạch đầu tư.
Bình luận (0)