Trả lời báo chí, lãnh đạo BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp hứa sẽ xả trạm cho đến khi thông thoáng mới thu phí lại. Thực tế, chủ đầu tư chỉ giải quyết kiểu đối phó, mở 1 làn cho vài xe chạy qua rồi tiếp tục đóng. Hậu quả là ùn tắc xảy ra ở tất cả 6 làn của trạm.
Thế là rõ. Việc có mặt lãnh đạo TP Cần Thơ để giải quyết chuyện ách tắc giao thông, tránh các hệ quả về an ninh trật tự . Còn cái gốc vấn đề mà chủ đầu tư trạm và tài xế (thực chất là doanh nghiệp vận tải) chưa tìm được sự đồng thuận, dù trước đó đã đối thoại. Dĩ nhiên, để giải quyết cái gốc vấn đề thì thẩm quyền không thuộc về UBND TP Cần Thơ. Nếu vậy thì cả chủ đầu tư trạm lẫn tài xế sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích. Vấn đề vì thế sẽ tiếp tục nan giải.
Ở một diễn biến khác, sau những căng thẳng tại trạm thu phí BOT Ninh An (Khánh Hòa), Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) Nguyễn Văn Huyện đã khẳng định chưa nhận được văn bản của chủ đầu tư trạm này. Cụ thể là việc đề nghị miễn, giảm phí cho toàn bộ xe từ 12 chỗ ngồi trở xuống của 16 xã, phường của thị xã Ninh Hòa, chứ không phải chỉ 3 xã, phường gần trạm mà chủ đầu tư đã chấp nhận miễn phí trước đó.
Dù ủng hộ chủ trương miễn, giảm phí cho người dân ở gần trạm BOT Ninh An nhưng ông Huyện nói rõ muốn thực thi được thì chủ đầu tư phải có văn bản trình Tổng cục Đường bộ để thống nhất, sau đó tổng cục rà soát phạm vi, đối tượng miễn, giảm phí có đúng quy định hay không rồi trình Bộ GTVT để xem xét, quyết định.
Vậy là sau việc đối thoại với nhà xe ở thị xã Ninh Hòa để giải quyết ách tắc trong nhiều ngày trước đó ở trạm BOT Ninh An, dù chủ đầu tư đã nhượng bộ chấp nhận miễn phí cho toàn bộ xe từ 12 chỗ ngồi trở xuống của 16 xã, phường ở thị xã Ninh Hòa thì vấn đề lại đụng tới quy trình thủ tục từ Bộ GTVT. Bộ GTVT không đồng ý thì ùn tắc lại tái diễn ở trạm BOT Ninh An, mà đồng ý thì tình hình đối với hàng loạt trạm BOT khác nữa sẽ thế nào?
Mâu thuẫn cần giải quyết là giữa chủ đầu tư trạm BOT và doanh nghiệp vận tải. Nhưng muốn giải quyết tận gốc lại phụ thuộc vào cái gật đầu từ phía Bộ GTVT. Nói đúng hơn là phải xin và đợi cho.
Chuyện BOT ở nước ta là câu chuyện dài, âm ỉ lâu nay và chỉ có thể giải quyết thấu đáo bằng những chính sách mang tầm quốc gia chứ không thể "cháy đâu chữa đó". Chẳng lẽ cứ mỗi trạm BOT có vấn đề là Bộ GTVT lại phải họp, rà soát, xem xét. Nếu vậy thì thời gian quanh năm của bộ chỉ để giải quyết những vấn đề phát sinh ở các trạm BOT thôi sao?
Bình luận (0)