Anh Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Hòa Lệ (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), sinh ra trong một gia đình thuần nông, không ít lần chứng kiến cảnh trái thanh long ở quê mình phải đổ bỏ hoặc bán với giá rẻ như bèo khi vào chính vụ. Trăn trở trước sản phẩm thanh long của người nông dân đã bỏ bao công sức tiền của, một nắng hai sương làm ra luôn chịu cảnh ép giá, anh Hiệp bàn với mẹ tham gia vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm sạch chế biến từ trái thanh long.
Hàng OCOP: Kem thanh long
"Từ trước đến giờ, gia đình mình chủ yếu làm nông nghiệp, bản thân mình cũng đang canh tác vườn thanh long với số lượng cây khá nhiều. Khi bước vào khâu chế biến này, mình cảm thấy thật sự mới mẻ nhưng hai mẹ con chịu mày mò, tìm tòi với tâm niệm chung tay nâng tầm sản phẩm làm ra từ trái thanh long" - anh Hiệp bày tỏ.
Sau thời gian dài tìm hiểu học tập kinh nghiệm, thử nghiệm, đến đầu năm 2021, Hợp tác xã Thanh long Hòa Lệ đã đưa ra thị trường gần 15 sản phẩm chế biến chất lượng từ trái thanh long: rượu vang, nước ép thanh long, các sản phẩm mứt, thanh long sấy, ép dẻo… Trong đó, sản phẩm kem thanh long hiện được người tiêu dùng đánh giá cao vì hương vị thanh mát, với gần 70% nguyên liệu được làm từ trái thanh long màu sắc lạ mắt.
"Kem thanh long là sản phẩm mà hợp tác xã mình rất tâm đắc, vì có nguồn trái tươi được chọn lọc kỹ. Chúng tôi đặt hàng công nghệ, thiết bị sản xuất kem độc quyền từ chuyên gia tại TP HCM về vận hành sản xuất. Hiện sản phẩm kem thanh long đã có mặt ở các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) trong tỉnh, các cửa hàng, tạp hóa… với lượng tiêu thụ đến nay khoảng 1 tấn" - anh Đỗ Thanh Hiệp cho biết.
Chế biến thanh long sấy khô tại Bình Thuận
Anh Đỗ Thanh Hiệp bên các dòng sản phẩm rượu thanh long
Chế biến bằng công nghệ hiện đại
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 14 cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại vào chế biến sản phẩm thanh long. Trong đó có 3 cơ sở thanh long sấy, 11 cơ sở nước ép và rượu vang thanh long. Với năng lực canh tác khoảng 700.000 tấn trái/năm, thanh long được đánh giá còn nhiều dư địa cho lĩnh vực chế biến sau thu hoạch. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã triển khai 18 nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong sản xuất và chế biến thanh long, trong đó có 4 dự án cấp Bộ Khoa học và Công nghệ, 8 đề tài/dự án cấp tỉnh, 6 đề tài cấp cơ sở.
Từ các dự án, đề tài này, cộng với sự chủ động tìm tòi sản xuất từ các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm chế biến từ trái thanh long đã đưa ra thị trường thành công, được người tiêu dùng đón nhận. Trong đó, các dòng sản phẩm nước ép, rượu từ trái thanh long hiện được sản xuất rất đa dạng bằng công nghệ lên men không dùng cồn, không dùng hóa chất bảo quản được thị trường khá chuộng. Riêng các sản phẩm thanh long sử dụng làm mứt, sấy dẻo, khô… cũng đang được nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến, tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Hay mới đây, một doanh nghiệp đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm mì tôm thanh long thương hiệu Caty (tên một dòng sông chảy ngang TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), với thành phần thanh long chiếm khoảng 12%. Theo doanh nghiệp này, thanh long đưa vào sản xuất được chọn lựa kỹ về chất lượng, kiểm soát được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên khi đưa vào chế biến mì tôm sẽ bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Với đặc tính thanh mát, giá trị dinh dưỡng cao, các sản phẩm chế biến từ trái thanh long đang dần tìm được chỗ đứng tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Càng nhiều sản phẩm nông nghiệp áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, an toàn ra đời, người tiêu dùng sẽ có thêm những lựa chọn về sản phẩm sạch để sử dụng, vừa là dịp để ủng hộ nông sản Việt; đồng thời, người nông dân có thêm đầu ra nông sản, ổn định và phát triển sản xuất.
Nhiều sản phẩm ra mắt thành công
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, cho biết để thúc đẩy chế biến sản phẩm từ trái thanh long, trong năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận tiếp tục xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật chế biến một số sản phẩm từ trái thanh long, đó là nước giải khát, đồ uống lên men, sấy dẻo, bột dinh dưỡng hòa tan, sinh tố đóng chai, mứt vỏ thanh long, chất màu thực phẩm vỏ thanh long... Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có khá nhiều nghiên cứu, ứng dụng để phát triển sản phẩm thanh long sau thu hoạch, trong đó có nhiều sản phẩm ra mắt thị trường thành công. "Thời gian tới chúng tôi đẩy mạnh lĩnh vực này theo hướng gắn sự tham gia của các doanh nghiệp ngay từ đầu vào khâu lập, triển khai các dự án. Có như vậy, các doanh nghiệp sẽ vừa tham gia làm ra được sản phẩm, vừa tiếp cận công nghệ để đưa ra thị trường các sản phẩm an toàn, chất lượng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để các dự án nghiên cứu không bị chết yểu" - ông Nguyễn Hoài Trung tự tin.
Bình luận (0)