Sáng 11-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Hình thành thói quen tốt
Phát biểu thảo luận tại tổ Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng môi trường là vấn đề lớn, mang tầm quốc tế, các nước cũng tranh luận rất nhiều. Vì vậy, đặt ra vấn đề sửa đổi, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về môi trường là đúng đắn, cần thiết.
Theo Thủ tướng, hơn lúc nào hết, chúng ta phải bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Người dân không chỉ cần vật chất mà cần được sống trong môi trường trong sạch, trong lành.
Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải bắt đầu từ việc hình thành thói quen tốt của người dân, của cộng đồng dân cư. Nói thì dễ nhưng làm rất khó nên từng chi bộ, cộng đồng dân cư, từng gia đình phải làm việc này. Do chúng ta chưa cương quyết, chưa quyết liệt để thay đổi nhận thức nên mới xảy ra nhiều vấn đề ô nhiễm.
Thủ tướng dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 cụ thể hóa các quy định của luật, rồi đặt vấn đề cần có một nghị định tương tự, với chế tài nghiêm khắc trong xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.
"Tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn. Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn. Do đó, bên cạnh tuyên truyền, thuyết phục thì phải có xử lý, xử phạt nghiêm để răn đe, giáo dục, làm gương" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đại biểu (ĐB) Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn) lưu ý quan trọng là tính khả thi của luật, nếu chỉ đưa ra các quy định nặng cảm tính thì không có nhiều ý nghĩa. Ví dụ như phân loại rác, bây giờ nói nông thôn cũng phải phân 3-4 loại rác như đô thị thì có khả thi không? Cần tính toán cụ thể. ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) dẫn quy định là người dân không phân loại rác đúng thì từ chối thu gom và đặt vấn đề là tính khả thi của điều luật này như thế nào. Nếu người dân không thực hiện thì sao? Nếu không thu gom thì các gia đình sẽ vứt rác ra chỗ khác hoặc đem chôn lấp có bị xử phạt không?
Hỗ trợ đúng đối tượng
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) bày tỏ sự đồng tình với việc phải giảm thuế thu nhập cho DN.
Tuy nhiên, ĐB này băn khoăn nếu chỉ giảm thuế cho các DN có doanh thu dưới 50 tỉ đồng và số lượng người lao động (NLĐ) tham gia đóng BHXH dưới 100 người, vì những DN có doanh thu trên 50 tỉ đồng và có số lao động trên 100 người thì sẽ khó khăn nhiều hơn. "Nếu họ không được giảm thuế là điều đáng tiếc" - ĐB Ngân nói và đề nghị chỉ lấy 1 tiêu chí là DN có doanh thu dưới 50 tỉ đồng chứ không nên khống chế về số lao động.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cũng ủng hộ ý kiến của ĐB Ngân. Theo bà Thúy, nếu tiêu chí như dự thảo thì các DN trên địa bàn TP nói chung và cả nước sẽ rất khó tiếp cận được nguồn hỗ trợ.
Bà Thúy cho rằng tỉ lệ NLĐ mất việc từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ rất lớn, như vậy quan hệ lao động trong các khối DN rất phức tạp. Đến thời điểm này, các chính sách trên chỉ ở mức độ động viên của Chính phủ với các DN mà thôi. Các DN thâm dụng lao động trên địa bàn TP đang rất khó khăn vì hầu hết không có đơn hàng mới, mà hiện chỉ sản xuất cầm chừng các đơn hàng cũ. "Nếu đến thời điểm này DN nào không cắt giảm lao động, không giảm lương thì thực sự họ đã và đang rất cố gắng để giữ được NLĐ và duy trì sản xuất" - bà Thúy nói.
Do vậy, bên cạnh những chính sách, đối tượng được đề xuất hỗ trợ trong dự thảo nghị quyết, ĐB Trần Thị Diệu Thúy đề xuất Chính phủ cần xem xét, tính toán đến các khoản phí mà NLĐ cũng như DN đang phải đóng từ đầu năm đến nay, để có chính sách hợp lý, giảm bớt khó khăn cho họ. "Hiện nay, theo thông tin từ các đơn vị sử dụng trên 1.000 lao động ở TP HCM thì nhiều nơi đã phải đi vay tiền ngân hàng để trả lương cho NLĐ. Trả lương cho NLĐ còn khó, nói gì đóng các khoản khác đi kèm" - bà Thúy băn khoăn.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy cũng đề xuất với Chính phủ phải tính toán và quan tâm hỗ trợ đến NLĐ và đơn vị kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ, bởi loại hình này đã phải đóng cửa hàng loạt, không sản xuất - kinh doanh trong thời gian qua.
Chấn chỉnh khâu dự báo
Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Hầu hết ĐBQH đều đồng tình với phương án điều chỉnh 3 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sang vốn đầu tư công. Tuy nhiên, các ĐB vẫn bày tỏ sự băn khoăn về chuẩn bị công tác đầu tư dự án.
Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, sau gần 3 năm được QH quyết định chủ trương đầu tư, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông lại được trình QH để bàn xem đầu tư theo hình thức nào. "Mục tiêu đến năm 2021 cơ bản hoàn thành dự án chắc chắn không đạt; định hướng 530/654 km, chiếm 81% chiều dài dự án đầu tư theo hình thức PPP không thành công" - ông nhận định.
Dù thống nhất với tờ trình của Chính phủ nhưng ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng việc chỉ chuyển đổi 3/8 dự án nhưng thực chất là chuyển đổi thêm 267 km chiếm 40,8% tổng chiều dài dự án sang đầu tư công và tỉ trọng đầu tư theo hình thức đối tác công tư chỉ còn 40% tổng chiều dài dự án thay vì 81% như mục tiêu ban đầu; kêu gọi đầu tư từ xã hội chỉ khoảng 22%, còn 78% sẽ đầu tư bằng ngân sách. Đồng thời, 5/8 dự án còn lại tiếp tục triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhưng với thực tế hiện nay và khả năng cho vay của ngân hàng như Chính phủ báo cáo thì không có gì bảo đảm sẽ lựa chọn được nhà đầu tư. Đây là vấn đề cần quan tâm để chấn chỉnh khâu dự báo, chuẩn bị đầu tư các dự án PPP.
"Chấn chỉnh khâu dự báo, chuẩn bị đầu tư và nghiêm túc đánh giá lại thực trạng là nhiệm vụ cần làm để có giải pháp thu hút vốn đầu tư của xã hội, triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP" - ĐB Hàm đề nghị.
ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ và có thể kéo dài đến sau năm 2025 mới kết thúc. Từ đó, ông đặt câu hỏi: "Nếu điều này là sự thật thì QH suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mình trong việc đánh giá vai trò và lựa chọn phương án đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam?".
Cũng trong sáng cùng ngày, 462/462 ĐB có mặt (chiếm 95,65% tổng số ĐBQH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đối với Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.
Xử lý dứt điểm vụ 200 người đập phá quán ốc
Bên hành lang QH ngày 11-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã trao đổi với báo chí về vụ nhóm 200 người mặc áo màu cam cầm hung khí xông vào đập phá quán ốc trên địa bàn quận Bình Tân (TP HCM) ngày 5-6.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành ủy đã chỉ đạo công an và UBND TP khẩn trương làm rõ, xử lý dứt điểm vụ này. Kết quả bước đầu cho thấy Công an TP HCM đã khởi tố vụ án và tạm giữ một số đối tượng liên quan. Quan điểm của TP là làm quyết liệt, xử lý nghiêm và sẽ thông báo kết quả xử lý trước ngày 30-6. Theo đó, Công an TP phải báo cáo Thường trực Thành ủy về tiến độ xử lý vụ việc.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, vụ này có chi tiết nhóm đông người mặc áo màu cam, cho thấy đây là hoạt động có tổ chức, không thể chấp nhận được.
Bình luận (0)