Người dân thôn Ba Lin (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) mặc nhiên gọi thung lũng A Tang (nơi những cư dân người đồng bào Pa Kô sinh sống) là bản 8 nhà. Thật ra bây giờ bản này đã "đẻ" thêm nhiều nhà mới, vượt qua con số 8 từ lâu.
Biệt lập giữa rừng
Tôi hổn hển bám theo thượng úy Hồ Văn Giang, cán bộ Đồn Biên phòng A Vao (Quảng Trị), vượt qua những con dốc dựng đứng để tìm vào bản 8 nhà. Giang thạo đi rừng, vượt dốc nên chân cứ phăm phăm, có lúc còn pha trò. Chẳng bù cho tôi, nhiều lúc tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.
"Thôn Ba Lin là địa bàn xa xôi nhất, trắc trở nhất của tỉnh Quảng Trị. Mà ở Ba Lin nhắc đến nơi có nhiều cái nhất ắt phải là bản 8 nhà này" - thượng úy Giang nói, trong khi chân vẫn thoăn thoắt vượt núi.
Đường vào bản 8 nhà chỉ là lối mòn nhỏ, đủ một người đi. Có đoạn xuyên thảm cỏ lau và rừng sim mua đang vào độ nở hoa tím ngát. Quãng đường vào bản chừng 3 km nhưng mất hơn 1 giờ chúng tôi mới đến nơi. Cũng phải thôi, những dốc cao vượt mặt đã ngốn hết thời gian, sức lực của mình.
Một góc bản 8 nhà
Góc bếp của người dân bản 8 nhà
Người dân bản 8 nhà ngụp lặn, bắt cá ở suối A Tang
Bản 8 nhà nay gồm 10 nóc nhà với gần 50 nhân khẩu. Đứng từ trên cao nhìn xuống, bản đẹp như tranh với những nhà sàn san sát, mái lợp bằng cỏ tranh thẫm màu. Bản nằm ngay dưới chân đồi A Le, bên thượng nguồn suối A Tang. Nơi này, mùa hè mát mẻ nhưng mùa đông lạnh thấu xương vì sương rừng, khí núi.
Ông Hồ Văn Sâu, tuổi gần 60 nhưng cơ bắp chưa có dấu hiệu chùng nhão, niềm nở đón chúng tôi vào nhà. Trong khi lũ trẻ lên hai, lên ba thấy người lạ thì chạy tót vào bếp, nép mình vào khe cửa nhìn ra. Chúng có thể khóc ré lên nếu người lạ cố đến gần, dù nét mặt có giãn ra đầy thiện chí.
Già Hồ Văn Sâu cùng con trai báo cáo tình hình đường biên, cột mốc với cán bộ biên phòng
Một học sinh bản 8 nhà cõng em vượt núi trở về sau một ngày học tập
Rót nước mời khách, ông Sâu bảo cuộc sống người dân ở đây gần như tự cung tự cấp. Đến mùa mưa, nước suối dâng cao, nơi này hoàn toàn cô lập với bên ngoài. Trong bản, người dân không hề dùng tiền để giao dịch. Chỉ khi nào đi ra bên ngoài, bà con mới dùng đến tiền để mua lương thực, thực phẩm dự trữ.
"Ở đây, hệ thống điện lưới và sóng điện thoại vẫn chưa có. Đường đi cách trở nên cuộc sống người dân cách biệt với bên ngoài. Bà con chúng tôi chủ yếu sống dựa vào rừng, kính sợ Giàng (trời) và già, trẻ đều đoàn kết một lòng" - ông Sâu đủng đỉnh nói.
Ông Sâu chính là một trong 2 người đầu tiên vào thung lũng A Tang cất nhà, lập bản. Đó là năm 1991. Lúc đó, ông cùng người anh băng rừng đi tìm đất dựng làng. Rừng rú mênh mông, đi 3 ngày thì đến thung lũng A Tang - nơi có nhiều loài chim và muông thú trú ngụ. Thấy đất lành, họ dâng lễ hậu xin Giàng cho lập làng và an cư đến hôm nay.
Uống rễ cây, ăn "đặc sản"
Mùa khô, người dân ở bản 8 nhà lên đồi phát, đốt, cuốc, trỉa. Mùa mưa thì vào rừng tìm thảo quả, săn bẫy thú rừng. Ngoài trồng lúa rẫy, họ trồng thêm bí ngô, khoai, sắn để ăn.
Trong năm, rất ít khi họ mang hàng hóa ra bên ngoài trao đổi. Thi thoảng, săn được con thú rừng, bắt được con cá lớn hay lấy được tổ ong rừng thì họ mang ra bên ngoài để bán hoặc đổi thực phẩm gùi về.
Cả bản duy chỉ có nhà trưởng bản Hồ Văn Âu có xe máy nhưng gửi tít ngoài trung tâm thôn Ba Lin. Vì đường sá cách trở nên khi có người ốm đau, trai tráng trong bản phải thay nhau cáng ra trạm quân dân y ở Ba Lin để chữa trị. Người ốm, sau khi lành bệnh thì tự vượt núi trở về. Xưa nay ai cũng như thế.
Tôi đi hết 10 nóc nhà ở bản, thấy hầu như nhà nào cũng mời khách bằng bát nước có màu đỏ thẫm. Hỏi ra mới hay đó là nước nấu từ rễ cây rừng có tên là "bổ máu". Quanh năm suốt tháng người dân uống nước nấu từ rễ cây này. Theo người dân, rễ cây bổ máu rất tốt cho sức khỏe và chữa được nhiều bệnh. Ở thung lũng A Tang, chỉ cần nhón chân vào rừng là tìm thấy loài rễ này.
Bước chân ra khỏi cửa nhà là thấy rừng. Rừng rất nguyên sơ, có cây to đến vài người ôm không xuể. Đó là nơi trú ngụ của nhiều loài thú rừng quý hiếm. Ba năm trước, người dân còn thấy cả dấu chân của gấu ngựa bên suối A Tang. Dấu chân còn to hơn cả bàn chân người lớn.
"Hổ, báo không có nhưng heo rừng, mang, sơn dương, chồn có rất nhiều. Chúng vẫn thường kéo từng đàn về phá rẫy trồng lúa, ngô, khoai. Đến mùa, người dân phải bỏ nhiều công sức để rào chắn các đường mòn từ rừng và canh giữ xuyên đêm" - ông Sâu kể.
Hôm tôi đến bản, đám thanh niên bắt được một con chồn bay chừng 2 kg. Hỏi mới biết họ đặt bẫy trên cây, ngụy trang kín đáo nên lừa được nó. Một chị khi lên nương trở về còn kéo xoành xoạch theo con rắn hổ đen trũi, to bằng cổ tay người lớn. Chị nhoẻn miệng cười, bảo đi làm nương thì thấy nó nằm phơi nắng giữa đường, bắt về thôi!
Trên rừng là vậy, còn dọc theo suối A Tang có vô số hố vũng, thác nước sâu hoắm. Đây là nơi lý tưởng cho loài cá chình và cá mát sinh sống. Hai loài cá này giờ là đặc sản ở miền xuôi và dù giá rất "chát" nhưng giờ tìm đỏ mắt cũng không ra.
"Thỉnh thoảng người dân bắt được cá chình nặng hơn 10 kg, còn loại nặng trên dưới 3 kg thì thường xuyên. Bắt được cá thì chia nhau ăn. Nhiều quá ăn không hết thì vượt núi mang ra bên ngoài bán hoặc đổi gạo" - anh Hồ Cu Chang - 35 tuổi, một "kình ngư" ở bản 8 nhà - thong thả nói.
Cùng giữ cột mốc
Ở bản 8 nhà có 2 con đường chính. Đó là đường vào bản và đường dẫn lên các mốc quốc giới trên tuyến biên giới Việt - Lào.
Bản nằm giữa 3 mốc quốc giới 627, 628, 629. Trong đó, mốc gần nhất cách bản khoảng 2 km. Trong số 10 mốc quốc giới mà Đồn Biên phòng A Vao đang quản lý, đây chính là những mốc có địa hình hiểm trở, cheo leo nhất.
Cựu chiến binh Hồ Nhất (79 tuổi), tóc bạc trắng tựa mây trên đỉnh đồi A Le, nói mỗi ngày lên nương hay đi tìm mật ong thì dân bản vẫn thường đi qua các mốc quốc giới. Từ đàn ông đến đàn bà, từ trẻ đến già đều có tinh thần bảo vệ đường biên, cột mốc.
"Chúng tôi luôn bảo ban nhau đi ngang qua cột mốc biên giới phải dừng lại để quan sát. Nếu thấy cỏ mọc cao thì phải phát, cây ngã trúng thì phải dọn dẹp, thấy mốc có sứt mẻ thì phải báo ngay cho cán bộ biên phòng" - cựu chiến binh Hồ Nhất bộc bạch.
Thượng úy Hồ Văn Giang khẳng định người dân ở đây rất có tinh thần trách nhiệm trong việc tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ quốc. Trong đó có những gương điển hình như cha con ông Hồ Văn Sâu, trưởng bản Hồ Văn Âu hay cựu chiến binh Hồ Nhất. "Bằng chứng là mỗi lần chúng tôi đi tuần tra đều thấy khu vực mốc quốc giới được người dân phát quang sạch sẽ. Có chuyện gì ở biên giới họ cũng cử người vượt núi ra trình báo" - thượng úy Giang nói.
Gian nan con chữ
Trên đường rời bản 8 nhà, chúng tôi gặp rất nhiều học sinh trở về sau một ngày học tập. Các em đi thành tốp, có khi đứa lớn cõng đứa bé vượt qua những con dốc dựng đứng. Theo trưởng thôn Ba Lin Hồ Văn Nhiên, vì đường sá trắc trở nên sự học của trẻ em ở bản đứt đoạn, không đến nơi đến chốn. Trong bản chưa có ai học đến lớp 10 và nhiều em bỏ học từ rất sớm. Thôi học nên cái cuốc, cái rựa vì thế cứ "dính" chặt vào tay.
Bình luận (0)