Ngày 1-11, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết cơ quan này đang xin ý kiến TAND Tối cao đối với việc bồi thường và xin lỗi công khai ông Trịnh Công Minh (SN 1973, ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).
Mượn vàng lại bị bắt về hành vi trộm xe máy
Theo đơn trước đây của ông Minh, do cần tiền trả nợ, ngày 29-1-1997, ông nhờ bạn là ông Nguyễn Bá Tính mượn giúp 1 chỉ vàng. Ông Tính đồng ý và hẹn ông Minh ngày 2-2-1997 đến nhà ông Trần Hợp Sơn (thị trấn Buôn Trấp) để vay giúp.
Bà Tống Thị Thanh Tâm bên chồng đơn kêu oan suốt hàng chục năm qua của chồng
Tối cùng ngày, ông Minh đến nhà ông Sơn và gặp ông Tính ở đó. Cả 3 người ngồi nói chuyện được ít phút thì có 4 công an bước vào. Những người này hỏi ông Sơn về nguồn gốc máy móc, phụ tùng xe máy ở trong nhà. Sau khi kiểm tra giấy tờ, 4 công an lại hỏi về chiếc xe máy đang dựng ở hông nhà nhưng ông Sơn trả lời không biết. Sau đó, ông Minh bị bắt về hành vi trộm cắp chiếc xe máy dựng ở hông nhà ông Sơn. Mặc dù phủ nhận nhưng ông Minh vẫn bị tạm giam.
Ngày 12-10-1997, TAND huyện Krông Ana tuyên phạt ông Minh 12 tháng tù giam. Ông Minh kêu oan và kháng án. Ngày 18-12-1997, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về công an huyện điều tra bổ sung. Một thời gian sau, VKSND huyện Krông Ana truy tố ông Minh ra tòa lần 2 nhưng phiên xét xử sơ thẩm lần này lại trả hồ sơ. Sau khi bị giam hơn 17 tháng, ngày 22-7-1998, ông Minh được hủy bỏ biện pháp tạm giam, thay bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chậm giải quyết oan sai
Sau nhiều năm đội đơn đi kêu oan, ngày 16-3-2015, VKSND huyện Krông Ana đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Minh vì cho rằng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này là không có căn cứ. Sau đó 3 ngày, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Ana cũng đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông vì thời hạn điều tra vụ án đã hết mà không chứng minh hành vi phạm tội của bị can.
Bà Tống Thị Thanh Tâm (vợ ông Minh) cho biết đầu năm 2018, ông Minh đã mất do bệnh tật. "Vài ngày trước khi mất, ông còn trăng trối với tôi là phải tiếp tục đấu tranh vì công lý chỉ mới thực hiện được một nửa. Con cái đã lớn rồi, không muốn sau này bước ra xã hội nhận những cái nhìn kỳ thị" - bà Tâm nói. Sau khi chồng mất, bà Tâm tiếp tục làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương yêu cầu xin lỗi, bồi thường nhưng chỉ nhận được sự hồi đáp "đã nhận đơn".
Lý giải về việc chậm trễ xin lỗi, bồi thường, vị lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng trường hợp của ông Minh đã được TAND xét xử nên sau khi xác định oan sai, năm 2016, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã gửi văn bản xin ý kiến của TAND Tối cao về hướng giải quyết, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nên vừa qua, VKSND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có văn bản nhắc lại sự việc gửi TAND Tối cao để xin ý kiến.
Lại bị oan vụ trộm bò
Theo bà Tâm, trong quá trình đi kêu oan, ông Minh có quen một số cán bộ điều tra. Năm 2001, một cán bộ Công an huyện Krông Ana nhờ ông Minh theo dõi 2 đối tượng chuyên trộm cắp trâu bò.
Sau một thời gian, công an bắt được 1 trong 2 đối tượng nói trên về hành vi trộm cắp tài sản. Mãi đến năm 2013, ông Minh bất ngờ nhận được quyết định ngày 22-9-2013 của VKSND huyện Krông Ana về việc đình chỉ bị can đối với ông theo quyết định khởi tố ngày 30-11-2003 của Công an huyện Krông Ana. Lúc này, ông Minh mới biết mình đã bị khởi tố về hành vi đồng phạm trộm trâu bò từ 10 năm trước.
Bình luận (0)