Liên quan đến vụ "Quảng Trị: Trang trí hơn 1,5 tỉ đồng, cầu Đại An vẫn bị chê xấu", chiều 20-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh này xác nhận công trình trên chưa được cấp giấy phép.
Hạng mục trang trí cầu Đại An thi công khi chưa được cấp giấy phép
Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, trước đó Trung tâm Phát triển công nghiệp dịch vụ khuyến công và dịch vụ công ích TP Đông Hà (thuộc UBND TP Đông Hà) có gửi hồ sơ xin cấp phép thi công 4 hạng mục cổng chào tại đường Lý Thường Kiệt, Đặng Dung, Nguyễn Trãi và khu vực cầu Đại An, nằm trên đường Hùng Vương (thuộc phường 5).
Tuy nhiên, Sở GTVT tỉnh Quảng Trị chỉ đồng ý, cấp phép 3 hạng mục, riêng ở khu vực cầu Đại An thì chưa cấp giấy phép. "Trước đó, chúng tôi đã trả hồ sơ và đề nghị chủ đầu tư yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu lại phương án kiến trúc, không được thi công, tác động đến kết cấu, an toàn cầu" - lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Trị nói, đồng thời khẳng định việc thi công trang trí ở cầu Đại An khi chưa được cấp phép là sai hoàn toàn.
Bất chấp thi công hạng mục trang trí cầu Đại An khi chưa được cấp giấy phép
Được biết, cầu Đại An do Công ty CP Quản lý và xây dựng giao thông Quảng Trị quản lý. Sau khi phát hiện việc thi công trái phép trên, Sở GTVT tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Ban quản lý bảo trì, Thanh tra thuộc Sở này và đơn vị quản lý cầu Đại An đến hiện trường lập biên bản, yêu cầu tạm dừng thi công.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Trung tâm Phát triển công nghiệp dịch vụ khuyến công và dịch vụ công ích TP Đông Hà, thừa nhận chưa được cấp giấy phép trang trí cầu Đại An và đơn vị này đã tạm dừng thi công theo yêu cầu của Ban quản lý bảo trì, Sở GTVT Quảng Trị.
Trước đó, như Báo Người Lao Động thông tin, việc trang trí cầu Đại An khiến mạng xã hội và người dân tại tỉnh Quảng Trị những ngày qua bất ngờ, xôn xao vì thiết kế "kỳ quái", gây bí bức tầm nhìn người tham gia giao thông.
Các thanh inox được thiết kế chồm ra mặt hồ Đại An
Theo quan sát, hai bên lan can cầu Đại An vừa được dựng hàng trăm thanh inox, sơn màu vàng nhạt, đầu mỗi thanh inox sơn màu đỏ trông tựa que diêm. Các thanh inox nằm cách nhau khoảng 40 cm, được kết nối, cố định vào lan can cầu và chồm ra phía mặt hồ Đại An. Các thanh inox được dựng thành 3 đoạn, trong đó đoạn giữa cao hơn 2 đoạn còn lại. Ngoài ra, đơn vị thi công cũng đã đổ bê tông và dựng 2 cổng sắt cao hơn chục mét ở đầu cầu.
Hạng mục trang trí cầu Đại An do Trung tâm Phát triển công nghiệp dịch vụ khuyến công và dịch vụ công ích TP Đông Hà làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng, nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng TP Đông Hà (28.4.1972 – 28.4.2022).
Bình luận (0)