Liên quan tới sự cố tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, hiện nay các lực lượng lượng chức năng đang mở nhiều hướng tiếp cận hiện trường. Trong ngày 14-10, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục sử dụng xuồng cao tốc di chuyển trong lòng hồ thủy điện Hương Điền để tiếp tế lương thực, nước uống cho nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 và đưa người ra khỏi đây.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng động viên các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn - Ảnh: Nhật Bắc
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận còn 30 người mất tích, chưa liên lạc được, trong đó có 17 công nhân tại tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và 13 người trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn. Lãnh đạo Công ty thủy điện Rào Trăng 3 xác nhận 3 công nhân tử vong.
Sáng 14-10, Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã chia thành hai hướng đường thủy và đường bộ tiến vào khu vực sạt lở để đưa những người bị thương và thi thể nạn nhân vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 ra ngoài.
Hướng đường bộ tiến theo đường 71 đã được khai thông cơ bản, đến gần vị trí xác định có thi thể các nạn nhân và người bị thương để đưa ra ngoài. Sáng 14-10, thời tiết tại hiện trường tương đối thuận lợi, các xe ôtô của đoàn cứu hộ có thể di chuyển để tiếp cận hiện trường.
Hướng đường thủy do lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai, sử dụng xuồng và ca-nô vượt qua lòng hồ Thủy điện Hương Điền tại xã Hương Bình, huyện Phong Điền để vận chuyển hàng hóa cho công nhân đang tập trung ở Thủy điện Rào Trăng 4 và triển khai đưa những người mắc kẹt tại đây ra ngoài.
Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, thuộc Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sáng 14-10
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã phối hợp với Cục cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng; Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban quản lý Thủy điện Rào Trăng, các lực lượng của tỉnh Thừa Thiên-Huế để tổ chức tìm kiếm cứu nạn và phối hợp với Sư đoàn Không quân 372 lên phương án dùng trực thăng cứu hộ, cứu nạn.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, Bộ tư lệnh Quân khu 4 tranh thủ từng giờ, từng phút, không quản ngày đêm, thời tiết mưa gió, dồn hết nhân lực và vật lực phối hợp với các lực lượng triển khai mọi biện pháp nhanh chóng tiếp cận tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân bị mất liên lạc, với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, thuộc Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), báo cáo tại cuộc họp
Theo bản tin lúc 9 giờ của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, sáng nay 14-10, sau khi đi qua đảo Bạch Long Vĩ, bão số 7 đã bắt đầu suy yếu.
Hồi 8 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.
Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 16-10, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150 mm/đợt.
Bình luận (0)