Năm 1959, gia đình bác ruột tôi đi dinh điền theo chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm từ huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định lên khu dinh điền quận Lệ Thanh, tỉnh lỵ Pleiku.
Yên tâm theo cách mạng
Gia đình bác có 7 người con, anh Lê Ngọc Phỉ là con trai đầu, ở nhà tên Dẹp. Đến khu ấp chiến lược được 3 năm thì anh Dẹp quyết định đi theo cách mạng khi vừa bước sang tuổi 18.
Đêm từ biệt gia đình, anh Dẹp đến hôn từng đứa em đang say ngủ, ôm hôn má rồi ngồi nói chuyện với người em trai kế tên Lép, nhỏ hơn mình 1 tuổi. Lép nằng nặc đòi đi cùng nhưng Dẹp không cho. Hai anh em nói chuyện thật nhiều rồi ôm nhau khóc. Bác trai lên tiếng giục: "Lép, để anh mày đi, trời gần sáng rồi!". Bác gái ngồi dựa vách ván quẹt nước mắt khóc sụt sùi. Bác trai đã vén sẵn một đoạn dây thép hàng rào ấp chiến lược phía sau nhà để mọi người chui qua.
Ngày anh Lép bước sang tuổi 18, đi thị xã Pleiku mua hàng đã không về như mọi khi. Gần cả năm trời bác trai đi tìm khắp nơi không thấy, ông cứ đinh ninh là Lép đã vào chỗ anh Dẹp. Một lần, trong mâm cơm chiều bác trai nói ra ý đó, bác gái gạt phắt: "Nó không có vô chỗ thằng Dẹp, hôm qua tui vào rừng lấy củi tiện đưa đồ tiếp tế các chú nhờ mua, tôi dò la hỏi tìm, họ bảo không ai thấy". Bác nói mà mặt buồn thiu.
Bỗng một hôm có chiếc xe Jeep mui trần chở thêm mấy người lính Mỹ mặc đồ rằn ri đậu trước sân nhà. Anh Lép nhảy xuống xe nói gì đó với mấy người lính Mỹ rồi bê mấy thùng bánh, đồ hộp vào nhà. Bác gái vừa đẩy xe đạp củi về đứng ngoài sân nhìn như trời trồng. Dụi mắt mấy lần nhìn có phải là anh Lép không? Lép từ trong nhà chạy ra ôm chầm lấy má. Hai má con cùng khóc nghẹn.
Căn nhà tình nghĩa nhà nước cấp cho bác tôi ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai
Những tháng sau, anh Lép về đều đặn. Khi thì mang theo bao gạo, lúc thì thùng đồ ăn đóng hộp và một ít tiền để phụ má nuôi em. Có lần anh Lép về đúng vào đêm anh Dẹp cũng về. Hai người ngồi lặng yên nhìn nhau hồi lâu, rồi Dẹp thủ thỉ: "Em ở nhà giúp đỡ gia đình, còn anh đi làm nhiệm vụ của một công dân thời loạn, dẫu có gian nan khổ sở mấy anh cũng chịu được. Có những lúc đang chiến đấu, anh nuôi chưa đem cơm nắm đến kịp, ruột nghé gạo rang trộn khoai má cho, anh đã chia cho anh em trong đơn vị, dè sẻn cầm hơi đến mấy rồi cũng hết. Những khi đi công tác lạc đường phải vào nhà mồ của người đồng bào để ăn cơm cúng ma, chờ ngày trở về đơn vị. Có một đêm, tổ anh bò vào đồn giặc đánh mìn, trời đã sáng mà chưa về tới điểm tập kết, phải bôi đất ủ mình nằm giữa hàng thép gai chờ đêm xuống mới về. Khát, đói, sinh mạng treo trên đầu sợi tóc là chuyện bình thường".
"Còn em, không theo một lý tưởng nào cả. Cái đói, thiếu thốn rách rưới của cả nhà buộc em đi theo Mỹ, học dăm tiếng bồi chỉ mong kiếm tiền. Nó cho em tập lái xe để chở nó đi, điều gì không hiểu thì hỏi, mình trả lời. Anh cần gì cứ bảo em làm cho. Từ ngày có em đưa lính Mỹ đi về, chính quyền cũng ít chú ý nhà mình có người theo Việt cộng" - Lép thủ thỉ. Hai anh em nói chuyện đến gà gáy lần 3, anh Dẹp mới rời đi.
Gần nửa năm nay, Dẹp không về, ruột nghé dồn gạo rang trộn khoai lang treo nơi góc nhà vẫn còn. Lép về, vừa bước vào nhà đã hỏi: "Lâu nay anh hai có về không má? Con phải chuyển nơi ở, ảnh về má gửi cho ảnh thùng này".
Về lần nào cũng vội, Lép ôm chặt lấy má hôn và đưa cho bà một xấp tiền rồi ra xe. Bác gái xách ruột nghé gạo rang chạy theo bỏ lên xe và dặn: "Chiến tranh giặc giã mà con, cứ đem theo phòng thân, biết đâu khi chạy loạn có cái để cầm hơi tìm đường mà về với má!". Chiếc xe chuyển bánh để lại phía sau đám bụi mù đất đỏ.
Năm 1967, trước ngày đơn vị anh Dẹp vào đánh đồn Plei Me, anh tranh thủ về thăm nhà. Đến rìa ấp chiến lược, anh nhìn vào thấy vắng vẻ lạ lùng. Những ánh đèn trong những ngôi nhà ván không còn nhiều như những lần về trước, anh đoán có lẽ mọi người đã dời chỗ ở. Anh bò qua trổ rào, xô cửa vào nhà. Cả gia đình bác tôi còn nấn ná ở lại chưa đi, bác chỉ vào thùng đạn đang phủ những chiếc áo rách. Anh Dẹp bật nắp, trong thùng có một cây súng ngắn, mấy hộp đạn và một tờ bản đồ quân sự điểm chỉ các vùng khu quân sự kèm theo một lá thư. Anh Dẹp bật đèn pin đọc: "Anh Hai, em đã chuyển nơi khác. Em gửi anh mấy món này phòng khi cần đến. Em Lép!". Anh Dẹp tâm sự vội vã với gia đình rồi bỏ đồ vào balô, tròng ruột nghé gạo rang vào cổ và trở lại đơn vị.
Sau đó, gia đình bác tôi chuyển về trại định cư quận Lệ Trung, tỉnh lỵ Pleiku ở được 3 năm thì ba tôi mới tìm được, đưa về quận An Túc (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai ngày nay) cùng sống chung.
Sao con không về với má!
Ngày 23-3-1975, quận An Túc được giải phóng. Bác gái tôi lo lắng, bồn chồn đi hỏi thăm tin tức của 2 đứa con trai. Mười ngày, một tháng không có tin gì, nóng lòng, bác đi xem bói. Trên đường làng lúc trở về, nhà nào cũng cắm rợp cờ giải phóng. Bác gái tôi tay cặp nón, chân bước liêu xiêu, miệng mếu máo khóc gọi con: "Dẹp ơi! Lép ơi! Các con ở đâu? Đau lòng má lắm các con ơi!". Về đến nhà, nước mắt bác ràn rụa, kéo chiếc bàn học của mấy anh chị ra để trước đầu hè, lấy 2 tấm hình của anh Dẹp và anh Lép dựng lên, thắp đèn nhang quỳ lạy, khấn bái: "Các con ơi! Sống khôn thác thiêng, nếu sống thì thấy người, chết thì thấy xác. Cầu ơn trên phù hộ các con tôi".
Khấn xong, bác vào nhà lấy quần áo cũ của 2 anh thời còn nhỏ quấn vào cây cột hiên nhà, lấy roi dâu đánh vào. Vừa đánh vừa khóc: "Má đánh cho các con nóng nảy trong người, còn sống thì về với má, có chết thì báo mộng má biết. Con ơi là con!".
Bác trai đi hỏi thăm tin tức hai anh vừa về, ném chiếc xe đạp vào bờ rào, bước vào can ngăn: "Giải phóng rồi, thằng Dẹp đang lo công tác tiếp quản, cũng vài tháng nữa mới xong. Đất nước đã thống nhất, lo gì chết chóc. Nay mai có tin hai đứa mà!".
Rồi anh Lép cũng về sau khi đã đi học tập cải tạo, phụng dưỡng cha mẹ, phụ nuôi mấy đứa em ăn học.
Riêng anh Dẹp, bác trai lên Tỉnh đội Gia Lai hỏi thăm thì được biết anh đã hy sinh ngày 16-4-1967, phần mộ sắp được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Bác tôi sững người như không tin vào mắt mình khi nhìn vào hồ sơ. Sau đó, cả gia đình bác và tôi sắp xếp chuyến đi tìm phần mộ của anh.
Giữa rừng Plei Me là một nấm đất phủ xanh cây lá, bác gái lao đến ôm chầm lấy, hai tay bấu chặt cỏ khóc than nức nở: "Dẹp ơi, má không còn thức đêm để chờ con về, không còn được rang gạo cho con nữa rồi, Dẹp ơi!". Anh em chúng tôi lặng người, cúi mặt bịn rịn hồi lâu mới dọn sạch cỏ cây.
Cuối năm 1978, đoàn cán bộ Phòng Thương binh - Xã hội và Huyện đội An Khê về trao cho gia đình bác tôi Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận Liệt sĩ cho anh Lê Ngọc Phỉ (anh Dẹp). Ít năm sau, bác tôi được nhà nước tặng ngôi nhà tình nghĩa và sống ở đó đến cuối đời.
Chuyện đã qua hơn 40 năm nhưng tôi không bao giờ quên được ngày đi tìm phần mộ anh Dẹp. Khi đó, đứng gần hai anh cán bộ dẫn đường, tôi vô tình nghe được câu chuyện họ nói với nhau: "Thật tội nghiệp cho ông bà già và gia đình! Anh Lê Ngọc Phỉ hy sinh trong một cuộc tấn công đồn Plei Me và nằm lại, đâu có lấy được xác! Hồi tao chôn anh chỉ có cái bi-đông và vỏ ruột nghé gạo".
Tôi bàng hoàng nhìn làn khói nhang bay lên, cuộn vào bầu trời trong veo…
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)