Ai về núi Pò Hèn/Theo đường Nam Thán Phún thân quen/Nhớ mãi cái tên đã trở nên bất tử/Em là hoa đua nở giữa mùa Xuân chiến công…
Lời bài hát bi hùng, xúc động đã thôi thúc chúng tôi tìm đỉnh núi Pò Hèn ở xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, vào những ngày tháng 2-2019.
Từ Quốc lộ 18 dọc theo con đường ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua tay áo, lướt qua ngôi làng bích họa đẹp cùng nhịp sống yên bình tại miền biên viễn, chúng tôi đến với Pò Hèn đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Nơi ấy, Ðài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn ốp đá trắng sừng sững với hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau, tượng trưng cho 3 dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ sinh sống nơi đây, thể hiện khí phách kiên trung của lớp lớp chiến sĩ nơi biên cương Đông Bắc của Tổ quốc. Hai bên đài tưởng niệm là hai nhà bia bằng đá xanh nguyên khối, khắc tên 86 liệt sĩ đã hy sinh vào ngày 17-2-1979, trong đó có 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng Ðồn 209 (phiên hiệu cũ của đồn Pò Hèn), và công nhân lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn.
Thiếu tá Mai Văn Thể, Chính trị viên Đồn Pò Hèn, chia sẻ: "Sau 40 năm, mảnh đất ngày nào là bom đạn, chết chóc, giờ đã nảy nở hồi sinh, cuộc sống mới bình yên. Thôn Pò Hèn đã trở thành một vùng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Hải Sơn. Khép lại quá khứ với hai quốc gia đã khai thông lối mở Pò Hèn (Việt Nam) và Thán Sản (Trung Quốc) đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa biên mậu giữa hai 2 nước".
Bộ mặt nông thôn ở Pò Hèn nay đã khang trang
Thiếu tá Thể cho biết Hải Sơn là xã vùng cao biên giới với địa hình hơn 80% đồi núi xen kẽ giữa các thung lũng, sông, suối. Ðịa bàn Ðồn Pò Hèn quản lý có gần 1.700 hộ dân sinh sống, trong đó hơn 90% là người dân tộc thiểu số. Năm 2000, Ðồn Pò Hèn triển khai mô hình thí điểm "Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới". Từ thành công của mô hình này, phong trào đã được nhân rộng ra tất cả các đồn biên phòng khác trên toàn quốc.
Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, nhớ lại cách đây 21 năm, ngày 20-7-1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/CP thành lập thị xã Móng Cái, theo đó xã Hải Sơn được thành lập trên cơ sở thị trấn Nông trường Hải Sơn. Từ một xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương còn nhiều hạn chế; đời sống nhân dân bấp bênh, qua 21 năm xây dựng và phát triển, đảng bộ, quân và dân các dân tộc xã Hải Sơn đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn. Đến nay, xã không còn hộ đói; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh, chỉ còn 8 hộ nghèo.
Những đổi thay đã làm cho xã vùng cao biên giới Hải Sơn chuyển mình vươn lên một cách căn bản, toàn diện sau 21 năm thành lập, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới, xứng đáng là địa bàn "phên giậu" có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh của TP Móng Cái.
"Giờ đây, vành đai trắng Pò Hèn" những năm 1990 nay đã vươn lên với sức sống mãnh liệt. Hải Sơn hôm nay đang thay đổi từng ngày, diện mạo của một xã vùng cao biên giới ngày càng khởi sắc. Nhìn lại chặng đường những năm qua, đảng bộ và nhân dân Hải Sơn tự hào về những kết quả đã giành được. Những kết quả đó là trí tuệ, công sức của toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã. Đây là tài sản vô cùng quý giá, là động lực to lớn thúc đẩy đảng bộ và nhân dân Hải Sơn phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm bước tiếp trên chặng đường tiếp theo" - ông Vũ Văn Sơn nói.
PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:
Nhắc lại không phải để khoét sâu hận thù
40 năm đã trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đổi. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được bình thường hóa...
Chúng ta nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải để khoét sâu mối hận thù mà là để khẳng định một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến này. Nhắc lại nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội:
Cần có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa
Cuộc tấn công xâm chiếm Việt Nam của hơn 60 vạn quân Trung Quốc là một sự kiện lịch sử quan trọng, cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc, sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác.
Việc "khép lại quá khứ" hoàn toàn không đồng nghĩa với việc không (hay chưa) nói về quá khứ, mà là xác định lại sự kiện như nó đã từng xảy ra một cách khoa học, thay vì cứ đào bới, cường điệu, lợi dụng lịch sử để phục vụ cho động cơ nào đó. Hoàn toàn không nhắc tới lịch sử (cho dù sự kiện ấy là như thế nào) sẽ đồng nghĩa với che giấu lịch sử, điều không thể và không nên làm.
Có thể ví cuộc chiến năm 1979 giống như một vết hằn lịch sử. Có quan điểm cho rằng nên lấp cái hố ấy đi. Đấy là việc không nên và không thể làm. Nó sẽ sinh ra muôn vàn hệ lụy. Cách tốt nhất là làm thế nào để cái hố ấy không bị khoét rộng ra, để mỗi bên đi trên cái cầu hữu nghị bắc qua cái hố ấy vẫn nhìn thấy những bài học đắt giá của lịch sử, để trong tương lai một cái hố tương tự không bị đào thêm nữa.
GS-TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội:
Dạy và học để hiểu đúng, hiểu rõ quá khứ
Những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đã diễn ra trong khoảng thời gian từ cuối năm 1978 đến đầu năm 1979. Các quá trình này là một phần nội dung của lịch sử Việt Nam, lịch sử Campuchia, lịch sử Trung Quốc, lịch sử khu vực Đông Á, Đông Nam Á và lịch sử thế giới hiện đại. Cho nên, khi tổ chức dạy và học về lịch sử Việt Nam, lịch sử Trung Quốc, lịch sử Campuchia..., không thể và không nên lảng tránh việc trình bày và đánh giá về những quá trình lịch sử này.
Việc giảng dạy và học tập lịch sử về cuộc chiến này nhằm giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam (và cả thế hệ trẻ ở Trung Quốc, Campuchia và các nước khác) hiểu rõ, hiểu đúng về quá khứ, giúp họ nhận thức đầy đủ cái đúng, cái sai, cái chính nghĩa, cái phi nghĩa trong quá khứ để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai hòa bình, hòa giải hữu nghị và hợp tác...
GS-TS Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam):
Hữu nghị và hợp tác là dòng chảy chính
Nhìn lại tổng thể quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ rõ: 67 năm qua, dù có những thời khắc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng và bất ổn đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay thì sự phát triển ổn định và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc trong những năm qua càng khẳng định sự cần thiết và tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường phát triển và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở hai nước.
Quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đang trên đà phát triển lành mạnh, tích cực, là tiền đề và động lực quan trọng đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ngày càng tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân hai nước, khu vực và thế giới.
V.Duẩn ghi
Bình luận (0)