Chiều 4-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Christopher Klein, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Buổi làm việc còn có sự tham gia của một số nhà đầu tư lớn của Mỹ theo hình thức trực tuyến.
Nhắc lại chuyến thăm Việt Nam mới đây của Phó Tổng thống Kamala Harris, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành tới chính phủ và nhân dân Mỹ thời gian qua đã hỗ trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế cho Việt Nam để ứng phó đại dịch Covid-19.
Thủ tướng mong muốn đại biện và các doanh nghiệp Mỹ có tiếng nói với chính phủ Mỹ và các đối tác khác để tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh bằng mọi hình thức phù hợp, nhất là trong thực hiện chiến lược vắc-xin trước tình hình khan hiếm vắc-xin trên thế giới. Ông Christopher Klein tin tưởng với nỗ lực và sự đồng lòng chung tay của chính phủ, doanh nghiệp và người dân hai nước, Việt Nam và Mỹ sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với ông Christopher Klein, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Ảnh: NHẬT BẮC
Sáng cùng ngày, tại buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Krivoruchko Aleksei Iurievich, nhân chuyến sang dự lễ bế mạc cuộc thi "Xạ thủ bắn tỉa" và "Vùng tai nạn" trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế 2021 (Army Games 2021) tại Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cảm ơn Nga đã hỗ trợ Việt Nam một số lượng vắc- xin Sputnik V. Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng đây là thiện chí và tình cảm tốt đẹp của các bạn Nga dành cho nhân dân Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn Nga tiếp tục hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam như hiện nay.
Cũng trong ngày 4-9, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo chính phủ Đức đã quyết định viện trợ khoảng 2,5 triệu liều vắc-xin AstraZeneca để hỗ trợ Việt Nam chống dịch Covid-19. Trước đó, chính phủ Đức cũng đã thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị bệnh và 20.000 máy đo nồng độ ôxy.
Ngay trong ngày 4-9, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tiếp tục vận chuyển thành công 180.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 từ Đức về Việt Nam. Đây là lô hàng thứ ba trong số 1 triệu bộ kit xét nghiệm nhanh mà chính quyền và người dân 16 bang tại Đức dự kiến trao tặng Chính phủ, nhân dân Việt Nam để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Cho đến nay, viện trợ của chính phủ Đức là sự hỗ trợ lớn nhất của một nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đối với Việt Nam. Đây là kết quả của sự vận động tích cực ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong đó có việc Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư và điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nỗ lực vận động mà Tổ công tác của Chính phủ về "ngoại giao vắc-xin", các bộ, ngành và cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức đã triển khai trong thời gian qua.
Trong khi đó, chiều tối 4-9, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ bổ sung vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam. Đây cũng là thành quả của vận động cấp cao, nỗ lực của Tổ công tác của Chính phủ về "ngoại giao vắc-xin". Dự kiến số vắc-xin này sẽ tới Việt Nam ngày 9-9. Đến nay, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 3 triệu liều vắc-xin AstraZeneca.
Một tuần trước đó, Ý và Romania trở thành những nước EU mới nhất viện trợ vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam, sau động thái tương tự của Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary và Pháp.
Một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực Đông Nam Á và là đối tác thương mại lớn thứ 15 của EU. Việc Việt Nam thoát khỏi Covid-19 càng nhanh, phục hồi kinh tế càng nhanh cũng đồng nghĩa với việc giúp bảo đảm các lợi ích của EU. Đây là một trong những cơ sở mà các nước EU rất quan tâm, đồng thuận và sẵn sàng hỗ trợ cho chiến lược "ngoại giao vắc-xin" của Việt Nam.
Bình luận (0)