Nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (23.3.1971 - 23.3.2021), ngày 19-3, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng: "Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực".
Đòn chí mạng
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo - cho biết chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn, trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn, phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Đại biểu dự hội thảo viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị
Đầu năm 1971, sau 2 năm triển khai chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", chính quyền Tổng thống Richard Nixon chẳng những không giành được thắng lợi có tính chất bước ngoặt như kỳ vọng mà liên tiếp chịu nhiều thất bại trên các chiến trường. Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng rơi vào tình thế khó khăn, bế tắc về chiến lược. Ngược lại, lực lượng cách mạng miền Nam vẫn nắm quyền chủ động, từng bước mở rộng vùng giải phóng, củng cố và phát triển tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương miền Bắc vươn dài về miền Nam.
Trước tình hình đó, Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn buộc phải kiểm duyệt toàn bộ chiến lược cũng như tăng cường các biện pháp quân sự để chặn đứng nguy cơ thất bại. Thực hiện mục tiêu này, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" tập trung vào khu vực Đường 9 - Nam Lào với những đơn vị thiện chiến nhất, gồm 55.000 quân, trong đó có 15.000 quân Mỹ. Toàn bộ lực lượng trên được tổ chức thành 11 trung đoàn bộ binh, gồm 10 trung đoàn quân đội Sài Gòn, 1 trung đoàn bộ binh Mỹ, 2 thiết đoàn thiết giáp với 578 xe tăng, xe bọc thép, 21 tiểu đoàn pháo...
Dự đoán được âm mưu, thủ đoạn của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Ngày 4-2-1971, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (Mặt trận 702), do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Trải qua hơn 50 ngày đêm (từ 30-1-1971 đến 23-3-1971) liên tục tiến công quân địch, quân và dân ta trên Mặt trận Đường 9 - Nam Lào đánh cho quân đội Sài Gòn - công cụ nòng cốt của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" một đòn chí mạng.
Bước trưởng thành của quân đội
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Đây còn là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Ông Nguyễn Minh Kỳ - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhân chứng lịch sử của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 - cho rằng dù chiến tranh đã lùi xa nhưng với dân tộc Việt Nam và nước bạn Lào nói chung, quân và dân hai tỉnh Quảng Trị - Savannakhet nói riêng, sẽ không thể nào quên tình đoàn kết chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến (92 tuổi), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, chia sẻ trước hội nghị rằng mặc dù tròn nửa thế kỷ trôi qua, song mỗi khi gợi lại ký ức về chiến thắng này, ông luôn bồi hồi, xúc động. Ông bày tỏ: "Chúng ta có quyền tự hào về chiến công Đường 9 - Nam Lào, tự hào về thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẻ vang của dân tộc. Bây giờ, tôi chỉ mong các thế hệ người Việt Nam luôn trân trọng quá khứ, biết tới những chiến công hào hùng của cha ông trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Từ đó vươn lên, góp sức xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu".
Hơn 80 tham luận gửi đến hội thảo
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết hội thảo "Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực" nhận được hơn 80 tham luận của các lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, các địa phương, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các học viện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học và nhân chứng lịch sử từng trực tiếp chỉ huy, chiến đấu trong chiến dịch. Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, sẽ tiếp tục có các nghiên cứu, làm rõ tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của chiến thắng lịch sử này.
Bình luận (0)