xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chiều sâu văn hóa làng

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

"Tình làng nghĩa xóm", bốn chữ ấy miên man sống động trong lòng người Việt Nam.

Mãi mãi như vậy dù vật đổi sao dời, dù nhà đã cao, cửa đã rộng, có điện, có truyền hình, có internet, có smartphone. Dù gì đi nữa, câu "tối lửa tắt đèn có nhau" vẫn còn đó, bởi trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê, theo cách nói của nhà văn Hoài Thanh.

1.Đứng trước nhu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, chủ trương xây dựng nông thôn mới và những đô thị mới buộc các làng sẽ phải chịu tác động trực tiếp. Cơ sở hạ tầng được xây dựng nhanh chóng, ruộng đất canh tác nông nghiệp bị thu hẹp dần, không gian sống truyền thống thay đổi. Vậy làng sẽ về đâu, có bị thủ tiêu không?

Chiều sâu văn hóa làng - Ảnh 1.

Lễ tế đình làng quy tụ các thế hệ

Tôi nghĩ làng Việt vẫn tồn tại, bởi những giá trị văn hóa, lịch sử và nhân văn. Mỗi làng, thôn có thể trở thành một phường của đô thị mới; lao động nông nghiệp sẽ chuyển dần thành những công nhân nhà máy, người làm các dịch vụ phi nông nghiệp như chủ hộ buôn bán nhỏ, kinh doanh dịch vụ, sản xuất cá thể. Nhưng những mối quan hệ thân tộc, gia phả, tộc ước, khuyến học, lễ hội và cả những thiết chế văn hóa, tín ngưỡng như đình làng, chùa làng, nhà thờ tộc họ tồn tại hàng thế kỷ vẫn còn đó. Tất cả là những sợi dây bền chặt kết nối trong truyền thống văn hóa của mỗi chúng ta.

Tôi từng lang thang trong những phố thuộc phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), thấy cư dân các thôn cũ nay tái định cư trên các đường mang tên làng cũ như Cẩm Chánh, Trung Lương, Cổ Mân vẫn chung sống bên nhau, dù nếp sống có thay đổi, nhà ở không còn vườn tược, sân phơi. Các nhà thờ tộc họ, đình làng cũ, miễu xóm, âm linh nghĩa tự đều được xây dựng lại trong phố mới. Ngày giỗ, ngày chạp mả cuối năm, bà con thân quyến, họ hàng đều có mặt với lễ nghi không hề mất đi. Ở làng Thanh Quýt và nhiều làng vùng Điện Bàn (Quảng Nam) đang "rục rịch" lên phường, ngày cúng âm linh và dẫy mả những người vô thừa nhận vẫn diễn ra vào mỗi 20 tháng chạp. Người làng dù sống ở Hội An, Đà Nẵng vẫn quay về. Đến ngày ấy, người lớn tuổi vẫn nói với các thế hệ tiếp sau: "Đừng lo mả lạng mồ hoang/Hai mươi tháng chạp có làng dẫy đưa".

Một vị cao niên của tộc Huỳnh làng Trung Lương nói nếu các đô thị mới được quy hoạch cẩn thận, tái định cư hợp lý và giữ được các thiết chế văn hóa - tín ngưỡng từ làng cũ, bà con họ hàng sống gần nhau thì vẫn giữ được truyền thống. Làng sẽ hòa nhập vào cuộc sống đương đại. Ngồi ở làng mà biết đầy đủ mọi biến động của thế giới qua công nghệ hiện đại và văn hóa làng với những đặc sắc nhân văn thì sẽ không bị hòa tan mà góp phần làm cho thế giới rộng lớn phong phú hơn, giàu có hơn, dù mỗi làng có những khác biệt của nó!

Cư dân các làng cũ như Trung Lương, Cẩm Chánh sống trên cùng những con đường ở phường mới Hòa Xuân (thuộc quận Cẩm Lệ) còn có nhiều sinh hoạt cộng đồng theo nếp cũ. Nhờ vậy, họ rất gần gũi nhau về tình cảm và hầu như an ninh, trật tự được bảo đảm.

2. Làng Nhơn Hòa (lập từ năm 1872 dưới thời vua Tự Đức) thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Đình làng này sừng sững trên một khu đất rộng trong khu phố mới. Những người dân làng cũ vẫn sinh sống quanh đó. Văn bia tại đình làng khắc chữ Quốc ngữ còn ghi rõ thủy tổ tộc Phạm đến mua đất lập vườn thuộc xã Nhơn Thọ cũ. Người kế tiếp là ông Đỗ Tề, cha của chí sĩ Đỗ Tự đã lấy vị trí đình làng này làm nơi hoạt động, giao liên cùng các chí sĩ Thái Phiên, Trần Cao Vân…

Ngôi đình đầu tiên bằng gỗ làm trong khuôn viên nhà họ Phạm, năm 1943 dời về vị trí hiện nay và tôn tạo lần nữa vào năm 2016. Một cụ ông thuộc gia đình họ Phạm cho biết dân làng tại chỗ hay sinh sống nhiều nơi vẫn quay về vào các dịp Tế Xuân, Tế Thu hoặc ngày Tết để thắp hương tưởng nhớ công đức người xưa, hỏi thăm sức khỏe lẫn nhau.

Tại phường Hòa Xuân, ngoài những ngày cúng tế thường niên, nhờ định cư gần nhau, ngày Tết, bà con các tộc họ đều chia phiên trực tại nhà thờ tộc, chi phái từ mùng một đến khi đưa ông bà vào ngày mùng bốn. Con cháu về nhà thờ thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và đóng góp tài chính cho các hoạt động tộc họ trong năm mới.

Các tộc họ thuộc các phường mới ở Điện Bàn cũng vậy. Tại đây, ngoài việc tưởng nhớ tổ tiên còn có nhiều hoạt động khuyến học và giúp đỡ gia đình neo đơn, học sinh mồ côi. Có tộc họ thường xuyên trao thưởng khuyến học hàng trăm triệu đồng. Riêng tại xã Điện Thắng Trung quê tôi, mỗi sáng mùng bốn Tết đều là "Ngày hội khuyến học" tại đình làng cho các cháu vừa đậu đại học và cũng là cuộc gặp mặt của các sinh viên về làng nghỉ Tết.

Một đặc điểm của các làng quê là nghĩa trang của làng thường không xa nơi cư trú, nên sáng mùng một Tết là một ngày thực sự đông đúc ở những nơi đó. Người đang sống ở làng, người đi làm ăn, học hành ở xa, bà con thân tộc đều ra nghĩa trang để viếng tổ tiên. Đó cũng là dịp tay bắt mặt mừng, hỏi thăm sức khỏe và công việc làm ăn của nhau.

Về làng, ở đó họ có thể hít căng buồng phổi những ngọn gió đồng, nghe lại giọng nói, tiếng cười thân thuộc của nơi chôn nhau cắt rốn. Có anh đến nhà bà con, cứ nằng nặc xin ngủ một bữa trên chiếc giường tre mà anh đã từng trải qua ngày thơ ấu…

3.Làng có từ bao giờ? Lần theo lịch sử ta thấy từ năm 1266, vua Trần Thánh Tông ban chiếu cho các vương hầu, hoàng thân quốc thích "chiêu tập những người xiêu tán không có sản nghiệp hoặc làm nô tì để khai khẩn ruộng hoang lập điền trang" (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Sách Quốc triều chánh biên toát yếu (Cao Xuân Dục, 1908) viết: Vua Gia Long, vị vua mở đầu vương triều Nguyễn, năm 1804 ban chiếu, quy định điều lệ trong hương đảng ở phía Bắc: "Nhiều làng nhóm lại thành ra một nước, từ làng rồi mới đến nước; vậy nên Vương chánh phải lấy sự dạy dân thành phong tục tốt làm trước. Lâu nay việc dạy trễ nải, việc chánh suy đồi, cho nên trong làng không có tục tốt, theo thói đê lậu, lại càng bại hoại lắm. Bây giờ phải châm chước sửa lại, bớt những điều thái quá, cho hiệp đạo trung bằng, để làm lệ thường trong hương đảng".

Trong hồi ký của mình, ông Vũ Đình Hòe viết: Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam thì phải tìm hiểu cộng đồng làng xã và muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam thì cũng phải bắt đầu từ việc xây dựng lại cộng đồng làng xã. Vì không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam.

Làng Việt Nam là một phức hợp của nhiều tổ chức xã hội mà trước hết là dòng họ. Các mối liên kết trong làng thường tiếp theo bao gồm quan hệ nghề nghiệp, tín ngưỡng, tôn giáo, láng giềng, thôn xóm. Liên kết họ hàng vẫn là bền vững nhất.

Nhiều tộc lớn từ xưa cũng thường có tộc ước bắt buộc con cháu phải học thuộc, gồm những điều răn dạy của tổ tiên, ông bà về truyền thống, cách ăn ở, thương yêu đùm bọc lẫn nhau… Vì vậy, tín ngưỡng dòng họ tuy khác biệt mà vẫn thống nhất với cơ chế làng xã. Việc xác nhận các tộc tiền hiền ở mỗi làng là một nét nổi bật dưới thời phong kiến. Vì quan hệ thân tộc không đối lập với làng xã, nên tình làng càng bền chặt, nó thể hiện rõ nhất trong những hội hè và những ngày đón mừng năm mới!

Tết ở làng quê bao giờ cũng đầm ấm và ý nghĩa. Người đi xa về lại, người tất bật mưu sinh thường gặp nhau trong tình thương yêu xóm làng, gặp mặt bà con, bạn bè và chuyện trò không dứt.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo