Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước,
Tại báo cáo này, Chính phủ nêu rõ việc sửa đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước để bao quát các đối tượng, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá thêm việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi. Về nội dung này, Chính phủ cho biết đây là chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua trong đề nghị xây dựng dự án luật.
Chính phủ khẳng định hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi là rất lớn. Ảnh minh hoạ
Dự thảo luật đã bổ sung và quy định rõ việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của người dân. Theo Chính phủ, việc bổ sung quy định nói trên là khả thi, bởi hiện đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như với vân tay sẽ sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho dùng mực lăn tay, chỉ bản, nên có thể thu nhận được vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên mà vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan. Chính phủ đánh giá việc này bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người dân tham gia các giao dịch dân sự, nhất là giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống.
Chính phủ cũng nhấn mạnh thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Tuy nhiên, giấy khai sinh có kích thước của tờ giấy khổ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời; giấy này chỉ có các biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin của người dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho người dân.
Trong khi đó, thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa...), học tập, khám chữa bệnh (không cần phải mang theo thẻ BHYT, sổ tiêm chủng...) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày.
Theo Chính phủ, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý Nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Về chi phí, lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, Chính phủ cho biết Bộ Công an đã rà soát, đánh giá và thấy rằng nếu thực hiện quy định này, xã hội sẽ không tốn chi phí trong cấp sổ tiêm chủng (10.000 đồng/sổ), sổ khám chữa bệnh (10.000 đồng/sổ/1 cơ sở y tế; trung bình 1 trẻ khám 2 - 3 cơ sở y tế), thẻ bảo hiểm y tế (5.000 đồng/thẻ/năm), thẻ học sinh (5.000 đồng/thẻ/năm học/người)…
Theo tính toán của Chính phủ, với 19 triệu công dân dưới 14 tuổi, ước tính số tiền mà Nhà nước và xã hội phải chi cho một số ít loại giấy tờ trên là khoảng 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, người dân còn tiết kiệm chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ (từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng/trang).
Trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi thẻ căn cước là 48.000 đồng. Với 19 triệu trẻ dưới 14 tuổi nếu đều có nhu cầu cấp căn cước, chi phí tốn khoảng hơn 900 tỉ đồng. Chí phí cấp đổi, cấp lại cho người dưới 14 tuổi nếu bị mất, đổi theo nhu cầu do công dân thanh toán, không tốn ngân sách Nhà nước. Chính phủ nhấn mạnh hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này là rất lớn.
Bình luận (0)