Ngày 28-7, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng.
Giảm 1 phó thủ tướng so với nhiệm kỳ trước
Trong ngày làm việc, QH đã biểu quyết thông qua cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 với 27 thành viên, gồm Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng, 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Đồng thời, QH đã phê chuẩn và biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Bình Minh, Bí thư Trung ương Đảng Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng Vũ Đức Đam và Ủy viên Trung ương Đảng Lê Văn Thành được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới. Như vậy, nhiệm kỳ này đã giảm 1 Phó Thủ tướng so với nhiệm kỳ trước.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV .Ảnh: NGUYỄN NAM
18 Bộ trưởng được QH phê chuẩn bổ nhiệm gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; các Ủy viên Trung ương Đảng là các Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ, gồm: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Bốn thủ trưởng cơ quan ngang bộ gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Ưu tiên kinh phí chống dịch Covid-19
Theo Nghị quyết của kỳ họp, để ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sớm ổn định, kiểm soát dịch bệnh, QH tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách phòng chống dịch.
Cụ thể, QH giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch. Áp dụng các biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
QH giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
Trước yêu cầu tập trung nguồn lực cho phòng chống dịch, QH đã đồng ý chuyển nguồn 1.237 tỉ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc-xin phòng Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021.
Cũng theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV giao Chính phủ thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ Vắc-xin. Lưu ý truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nghị quyết kỳ họp nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện các biện pháp nêu trên đến hết ngày 31-12-2022 và phải báo cáo QH về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.
Kiên trì thực hiện mục tiêu kép
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh QH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện tốt các nghị quyết của QH ngay sau kỳ họp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Chủ tịch QH nêu rõ cần kiên trì thực hiện mục tiêu kép với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh; duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, sử dụng hiệu quả, linh hoạt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược...
Bình luận (0)