Công trình Chợ đêm phường 3, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị được đầu tư gần 10 tỉ đồng từ nguồn vốn viện trợ của Nhật Bản và vốn đối ứng của tỉnh. Theo thiết kế, Chợ đêm phường 3 có khoảng 200 lô quầy để tiểu thương là các hộ nghèo và cận nghèo buôn bán.
Không có người mua
Tháng 9-2018, Chợ đêm phường 3 đi vào hoạt động. Theo một tiểu thương, lúc đầu khách đến mua sắm, ăn uống khá đông. Nhưng sau đó, khách vắng hẳn. Đến tháng 2-2019, tiểu thương đồng loạt nghỉ bán, đóng cửa lô quầy vì không ai đến mua. Đêm xuống, Chợ đêm phường 3 tắt hết đèn, không một bóng người. Gió thổi rác tấp vào bên hông chợ khá nhiều.
Chợ đêm phường 3 (Quảng Trị) đóng cửa. Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, Giám đốc HTX Quản lý Chợ đêm phường 3, cho hay lúc đầu có 83 hộ đăng ký kinh doanh (trong đó 1/3 là hộ nghèo, cận nghèo) tại khu chợ này. Trong chính sách của Quỹ Giảm nghèo Nhật Bản, tiểu thương nghèo và cận nghèo được ưu tiên chọn vị trí và miễn phí lô quầy trong năm đầu tiên. Ngoài ra, tiểu thương còn được các chuyên gia của dự án đào tạo các kỹ năng bán hàng, quảng cáo sản phẩm, hạch toán lãi lỗ và được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Nguyên nhân khiến chợ đêm này hoạt động không hiệu quả là do vị trí không thuận lợi, ít người qua lại. Ngoài ra, do hạn chế về vốn nên các mặt hàng tiểu thương đầu tư không được đặc sắc. Thời gian chợ đêm hoạt động trúng vào mùa mưa nên cũng gây bất lợi rất nhiều.
Tại TP Đà Nẵng, chợ đêm Thanh Khê (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) mới khai trương và đi vào hoạt động chưa được 1 năm, phải tạm dừng vì vắng khách.
Chợ nằm trên đường Yên Khê 1, gần cầu Phú Lộc và bãi biển Nguyễn Tất Thành, khai trương vào tháng 3-3019, hoạt động từ 18 giờ đến 24 giờ hằng ngày. Chợ có hơn 100 quầy hàng chủ yếu là hàng lưu niệm, mỹ nghệ, trang sức, thời trang, ẩm thực… Hiện nay, các quầy hàng đã đóng cửa hoàn toàn, nhiều quầy bị hư hỏng… UBND phường Thanh Khê Tây cho biết sau khi đưa vào hoạt động khoảng 2 tháng thì lượng khách sụt giảm rõ rệt. Cụ thể, trong 2 tháng mới thành lập, phố đêm Thanh Khê đón khoảng 500 lượt khách/ngày. Đến tháng 5-2019 còn 300 lượt khách và giảm dần. Trong tháng 6 và 7-2019, lượng khách đến phố đêm Thanh Khê giảm mạnh.
Chợ đêm Thanh Khê (Đà Nẵng) ngưng hoạt động sau chưa đầy 1 năm khai trương. Ảnh: BÍCH VÂN
Xin chuyển thành... chợ ngày
Ông Nguyễn Anh Doãn, Phó Chủ tịch UBND phường 3, đánh giá việc kinh doanh ở Chợ đêm phường 3 không hiệu quả, dẫn đến tiểu thương nghỉ bán. Trước tình trạng này, UBND phường 3 đã làm tờ trình gửi UBND TP Đông Hà xin được sáp nhập Chợ phường 3 ở gần đó vào khu chợ đêm này. "Chợ đêm không hoạt động một năm rồi, trong khi đó chợ phường 3 hiện đang xuống cấp, công tác phòng chống cháy nổ không được bảo đảm" - ông Doãn thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND TP Đông Hà, cho biết TP cũng đã có tờ trình gửi Sở Công Thương và UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị chuyển Chợ đêm phường 3 thành chợ ngày để tránh lãng phí.
Ông Võ Kim Tú, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, nhìn nhận phố đêm Thanh Khê mới tạm ngưng hoạt động chứ không phải đóng cửa hoàn toàn. Từ khi đi vào hoạt động, khu chợ không thu hút được du khách như kỳ vọng, hoạt động buôn bán chưa chuyên nghiệp… Việc tạm ngưng là để chính quyền địa phương rà soát lại mô hình hoạt động để đánh giá ưu, nhược nhằm xây dựng lại kế hoạch mới.
Trong khi chợ đêm Thanh Khê tạm ngưng thì UBND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư với hình thức hợp đồng thí điểm 10 năm đối với dự án phố đi bộ - chợ đêm Bạch Đằng.
Dự án tổ chức trên diện tích 3,29 ha, kéo dài từ khu vực Công viên APEC đến gần cầu Trần Thị Lý, thuộc phường Bình Thuận và Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu. Nơi đây sẽ là tuyến phố đi bộ, kết hợp dịch vụ kinh doanh hàng hóa, đồ lưu niệm, ẩm thực và các hoạt động giải trí, văn hóa - nghệ thuật của địa phương. Dự kiến có hơn 200 gian hàng di động với các mặt hàng chính: đồ lưu niệm, mỹ nghệ; thời trang tổng hợp; ẩm thực; dịch vụ, văn hóa - nghệ thuật. Ngày 3-3, ông Lê Anh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - cho biết dự kiến dự án đi vào hoạt động từ tháng 3-2020. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện xong vì có nhiều vướng mắc. Hiện các ngành và quận đang rà soát lại các vướng mắc, dự kiến ban đầu sẽ chỉ thực hiện phần phố đi bộ, còn hạng mục chợ đêm sẽ tính toán lại.
Mô hình thành công từ Hội An
Từ năm 2008, chính quyền TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) nhận thấy du khách đến Hội An không có chỗ đi chơi và mua sắm về đêm nên lên kế hoạch xây dựng khu chợ đêm Nguyễn Hoàng. Hơn 10 năm hoạt động, khu chợ đêm này tạo thêm một sản phẩm du lịch - dịch vụ cho địa phương, giúp hàng trăm người có nguồn thu nhập ổn định.
Tiếp nối thành công đó, năm 2018, Hội An cho ra đời khu chợ đêm thứ hai trên đường Trần Quý Cáp khi khu chợ Nguyễn Hoàng có dấu hiệu quá tải. Khu chợ Trần Quý Cáp có 84 gian hàng, quy tụ các hộ bán hàng rong ở phía Đông phố cổ. Ban đầu, vì quá mới mẻ nên khá đìu hiu, tiểu thương buôn bán gặp một số khó khăn nhưng qua thời gian ngắn, khu chợ này được du khách biết đến nhiều hơn và hoạt động ổn định dần.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND TP Hội An, cho rằng để mở một khu chợ đêm cần có sự chuẩn bị kỹ càng, phải nắm bắt nhu cầu của du khách để đưa vào chợ những sản phẩm phù hợp. Ngoài ra, các tiểu thương phải được trang bị kỹ năng ứng xử với du khách, phải luôn niềm nở, vui vẻ khi bán hàng, không chèo kéo, "chặt chém" khách. Vị trí đặt chợ cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Ở Hội An, chợ đêm Nguyễn Hoàng có đặc thù nằm sát khu phố cổ, nơi tập trung đông du khách nên việc quảng bá để du khách biết đến có phần dễ dàng hơn. Trong khi đó, chợ Trần Quý Cáp mở năm 2018, ban đầu hoạt động rất khó khăn vì du khách chưa biết đến nhiều, cần phải quảng bá, lôi kéo khách đến. Khi việc buôn bán của các tiểu thương gặp khó khăn thì chính quyền đã có giải pháp giúp đỡ để họ có niềm tin vượt qua.
Tr.Thường
Bình luận (0)