Ở ấp 12, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, người dân thường nói vui về một người đàn ông có biệt danh là "Út Dẹp". "Ổng ngoài 70 nhưng gương mặt lại trẻ trung hơn tuổi thật, đó là do ổng làm chuyện tốt tích đức hơn 50 năm nay" - một người dân nói.
Vui vì giúp được nhiều người
Người đàn ông ấy tên thật là Trần Văn Út, dáng người cao ráo khỏe khoắn, lúc nào cũng cười niềm nở với mọi người. Trước khi đến mảnh đất Vị Thủy vào năm 2013 để giúp đời, giúp người, ông Út từng có nhiều năm công tác từ thiện tại Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa thị xã Ngã Bảy. Không có nhiệm vụ riêng, ông làm hết thảy những gì trong tầm sức của mình để giúp đỡ người bệnh, từ nấu cơm cháo cho tới chăm bón vườn thuốc nam.
Điều khiến người ta bất ngờ hơn, đó là việc ông từ bỏ chức vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ nơi quê nhà, nay là xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ vào năm 1996, để làm công việc tình nguyện chở cơm, cháo, nước sôi cho bệnh viện. Chia sẻ về những năm đầu thay đổi hướng suy nghĩ, đi làm thiện nguyện nơi xa, ông Út cười hiền, nói: "Hồi đó lúc còn ở quê cũng giúp bà con nghèo hốt thuốc nam, thấy sao mà người dân còn khổ quá. Mình ở một chỗ như vậy hoài cũng không được gì, hay là mình lên đường đi một vòng, coi giúp được ai thì giúp".
Ông Trần Văn Út xem lại từng quyết định thành lập các tổ từ thiện ông từng tham gia
Ông tâm sự về quyết định gắn bó với công việc thiện nguyện từ khi còn là thanh niên: "Mỗi người có một sở thích riêng, tôi có sở thích giúp người gặp khó, yếu thế. Khi làm việc này tôi tìm thấy niềm vui vì tôi được gặp gỡ, giúp đỡ nhiều người. Sau này khi về già cũng có cái gì đó vui vẻ, tự hào để nhớ lại".
Hiện nay, ông Út đồng quản lý 5 tổ từ thiện trong tỉnh và 2 tổ ở các bệnh viện Cần Thơ. Suốt mấy mươi năm qua, ông gầy dựng trên 10 tổ từ thiện khắp tỉnh, hiện tại đã bàn giao lại địa phương quản lý.
Còn sống là còn cho đi
Tổ từ thiện ấp 12, xã Vị Thắng thành lập từ 10 năm trước, hiện ông Út Dẹp đang giữ chức phó ban điều hành. Tổ có 17 thành viên, với độ tuổi từ 30 đến 70, đều là những người đam mê làm việc thiện như ông Út, có chung một tấm lòng hướng về những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật cần được giúp đỡ.
Bà Nguyễn Thị Phấn (73 tuổi), một trong những thành viên lớn tuổi nhất của tổ, chia sẻ: "Tôi mới phụ việc ở đây hồi đầu năm thôi. Tôi thường trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong một lần về Hậu Giang thăm con trai, tham gia vào tổ từ thiện, phụ giúp nấu ăn trong tổ ông Út một ngày, tôi thấy tinh thần vui khỏe ra hẳn. Ở quê nhà cũng không làm gì, nên nói với con trai vào xin ông Út cho ở lại đây giữ cơ sở của tổ. Ông Út thì đi suốt ngày, một mình quản lý mấy tổ từ thiện nên ít thấy mặt ổng lắm".
Bà Nguyễn Thị Phấn (đứng thứ 6 từ trái qua) tìm thấy niềm vui trong công việc thiện nguyện
Ngoài nấu ăn phục vụ cho Trung tâm Công tác xã hội, tổ còn nhận chở miễn phí người bệnh, người qua đời, hỗ trợ mai táng người nghèo qua đời. Từ khi trực tiếp điều hành tổ, ông Út đề ra kế hoạch vận động chi phí xây nhà cho hộ nghèo. Mỗi năm xây hơn 20 căn nhà, tới nay tổ đã xây khoảng 80 căn, mỗi căn từ 20 đến 30 triệu đồng, là thành quả của ông Út và cộng sự trong quá trình làm công đức, tạo được sự tin tưởng từ các nhà hảo tâm.
Trên địa bàn xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, hiện tổ đang xây một căn nhà với chi phí vận động 30 triệu đồng cho một hoàn cảnh đặc biệt. Đó là ông Phan Văn Hận (57 tuổi), bị xe tải cán nát bàn chân vào năm trước trong một lần đưa vợ đi bệnh viện. Nay nhà chỉ có 2 cha con, con trai vừa bước vào lớp 1, người mẹ thì đi Bình Dương làm ăn, kiếm từng đồng cho con trai được đi học, cho chồng được thuốc thang. Đầu óc của ông Hận cũng chẳng được minh mẫn như người thường, ngày qua ngày quẩn quanh trong nhà bên chiếc ghế, cái nạng.
Hiện ông Hận không lao động được vì không thể đi lại bình thường
Khi ông Út đến thăm, ông không ngừng nói cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của ông Út và tổ từ thiện: "Chân đã vậy mà còn sống trong cái nhà dột nát, nay được căn nhà che mưa che nắng tôi rất mừng. Trong quá trình xây nhà, chú Út cũng kêu thợ, rồi trả tiền cho thợ nên tôi cũng đỡ phần nào. Tôi biết ơn chú Út rất nhiều".
Đây là căn nhà thứ mấy trong năm ông Út không nhớ nổi, nhưng khi nói đến quá trình hỗ trợ và xây nhà cho người dân như thế nào, ông Út tỉ mỉ kể từng công đoạn: "Tổ chúng tôi làm lâu nên có tiếng, chính quyền biết nên cũng giới thiệu những hoàn cảnh nghèo khó. Lúc bắt đầu xét duyệt thì nhà đó phải làm đơn xác nhận khó khăn và được ấp, xã ký. Làm thì phải làm cho đàng hoàng bởi chính quyền và người dân tin tưởng mình, chụp hình trước và sau nghiệm thu căn nhà mỗi khi được hoàn thành rồi báo lên Hội Chữ thập đỏ".
Còn tổ nấu cơm cháo hoạt động sôi nổi từ 2 giờ sáng với những người phụ nữ tảo tần, nấu bữa cơm ngon ấm lòng trao tặng bệnh nhân và người nhà của họ. Người lặt rau, người thái củ quả, căn bếp lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và tình người, gieo yêu thương và động lực trong từng suất ăn.
Bà Nguyễn Thị Thao đảm nhận vai trò bếp chính trong tổ, bộc bạch: "Chú Út quan tâm chúng tôi lắm, chú nói mình còn sức khỏe thì còn giúp người khổ được. Đêm nào chị em cũng thức từ hơn 2 giờ sáng làm cho tới gà gáy mới xong. Mệt có, muỗi cắn sưng tấy tay chân có nhưng đâu hề gì, làm riết thì quen".
"Thương người như thể thương thân", các cô, dì, chú, bác trong tổ trước đây đều là những nông dân nghèo, khi cuộc sống ổn định hơn, họ được dịp thể hiện tấm lòng thơm thảo, trao gửi yêu thương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Chuyện bếp núc để cho các cô, các dì lo, còn đấng mày râu như ông Út và các chú, bác trong tổ có phần cực hơn khi đảm nhận nhiều vai trò. Trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, tổ của ông Út dùng chiếc xe từ thiện chuyển người bệnh đến cơ sở y tế, giúp nhiều người được chữa trị kịp thời. Tổ còn hỗ trợ thuyên chuyển người mất về nhà mai táng miễn phí, nếu gia đình khó khăn và cần sự giúp đỡ, ông đứng ra trao tặng chiếc quan tài. Ông Út kể: "Những lúc cao điểm, chiếc xe hoạt động 24/24, không quản giờ giấc nhọc nhằn hay đường xa. Tiếng lành đồn xa nên những người tìm đến tổ từ thiện ngày càng nhiều. Không chỉ ở trong tỉnh, gần đây, những người từ Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… tìm đến tổ giúp nhiều lắm".
Cha truyền con nối
Ông Nguyễn Văn Kính - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vị Thắng - nhận xét: "Ông Út là người con xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ nhưng đã đi khắp Hậu Giang làm thiện nguyện từ mấy chục năm trước. Nay ông về Vị Thủy, cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh duy trì và phát triển tổ từ thiện ấp 12. Ngoài hỗ trợ người dân địa phương về nhà cửa, tổ của ông còn giúp đỡ các em học sinh nghèo tập sách đến trường, cho người bán vé số bữa ăn. Địa phương cũng thường xuyên nêu gương người tốt việc tốt của ông và tổ".
Cha truyền con nối tấm lòng tốt, ông Út có hai người con là dược sĩ và y sĩ đang hoạt động ở một phòng khám đông y miễn phí tại quê nhà huyện Long Mỹ. Còn sống là còn cho đi, còn cho đi là còn mãi nên ông có ước mơ rằng khi ông đặt chân tới đâu sẽ giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn tới đó.
Bình luận (0)