Sáng 8-3, gia đình ông Võ Ngọc (Sinh năm 1964, trú huyện Hàm Tân, Bình Thuận), là con ruột của ông Võ Tê, người bị khởi tố, bắt giam oan liên quan đến vụ án giết người, cướp của xảy ra tại huyện Hàm Tân cách đây 42 năm, cho biết đang chờ thông tin về thời gian tổ chức xin lỗi, minh oan cho cha mình từ cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận.
Theo gia đình ông Ngọc, Công an tỉnh Bình Thuận và gia đình dự kiến tổ chức xin lỗi công khai vào ngày 16-2-2022, tuy nhiên sau đó đã lùi ngày lại. "Trước đó Công an tỉnh kêu qua Tết sẽ tổ chức xin lỗi, gia đình mình báo lại ngày 16-2. Xong ngày 16-2 họ không làm mà nói chờ họp bàn một số việc, nên hẹn lại, chưa làm được. Đến giờ thì gia đình cũng chưa nhận được thông tin gì về việc này" – đại diện gia đình ông Võ Ngọc nói.
Vấn đề này, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Thuận cho biết đang phối hợp với VKSND tỉnh tiến hành tổ chức minh oan và giải quyết theo Luật Bồi thường trách nhiệm Nhà nước. Cũng theo Công an tỉnh Bình Thuận, đại diện gia đình ông Ngọc có đơn yêu cầu bồi thường oan sai đối với cha của ông nhưng chưa đưa ra mức bồi thường cụ thể nên đã hướng dẫn gia đình ông Ngọc làm đơn bồi thường cụ thể để làm căn cứ giải quyết. Trong khi đó, phía gia đình ông Võ Ngọc cho biết gia đình đang chờ cơ quan chức năng tổ chức xin lỗi công khai, sau đó sẽ thống nhất với luật sư về mức bồi thường.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 18 giờ 30 phút, ngày 31-7-1980 tại thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (Nay là tỉnh Bình Thuận) xảy ra vụ án giết người, cướp của. Nạn nhân là bà Phan Thị Khanh (Sinh năm 1954, người địa phương). Trên đường đi bẻ bắp về thì bà bị sát hại, cướp đi 1,6 lượng vàng mang theo trong người. Sau đó 1 ngày, Công an huyện Hàm Tân ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông Võ Tê (SN 1932, một thầy thuốc tại địa phương) do nghi liên quan đến vụ án.
Đến ngày 30-12-1980, Công an tỉnh Thuận Hải (cũ) ra lệnh tạm tha đối với ông Võ Tê vì "không đủ cơ sở buộc tội". Từ khi được thả về đến khi qua đời, ông Tê vẫn chưa được đình chỉ bị can.
Ông Võ Ngọc đứng bên phần mộ người cha bị bắt giam oan của mình. Ảnh: L.T
Đến tháng 11-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định phục hồi vụ án, sau khi xác định Trương Đình Chi (SN 1956, trú tại thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, Phú Yên, tên gọi khác là Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn) là nghi phạm giết bà Khanh. Đến lúc đó, Công an tỉnh Bình Thuận mới ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông Võ Tê.
Tuy nhiên, theo thông báo của Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận, căn cứ điểm d, Khoản 2, Điều 27 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), quy định thời hiệu xử lý là 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy vụ án xảy ra từ năm 1980 nên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Trương Đình Chi. Sau đó, ông Võ Ngọc có đơn yêu cầu minh oan, bồi thường oan sai đối với việc khởi tố, bắt giam oan cha của mình.
Ngày 10-01-2022, Viện KSND tỉnh Bình Thuận ra Bản kết luận kiểm sát số 01/VKS-P2 và xác định Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự và Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01/VPCQCSĐT ngày 5-1-2022 của Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Thuận là có căn cứ, đúng pháp luật.
Về phía gia đình bà Phan Thị Khanh, sau khi vụ án mạng xảy ra, anh Đỗ Thanh An (con bà Khanh) liên tục làm đơn tố giác ông Trương Đình Chi (anh em cột chèo với cậu của anh An) là hung thủ vụ án. Thời điểm vụ án xảy ra, ông Chi là người mới chuyển đến ở nhờ nhà người cậu của anh An; hai ngày sau khi bà Khanh bị giết, người này bỏ đi khỏi địa phương.
Sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận thông báo đình chỉ điều tra vụ án vì hết thời hiệu, anh Đỗ Thanh An không đồng ý với quyết định này và có đơn khiếu nại. "Tôi đề nghị Công an tỉnh Bình Thuận phải phục hồi điều tra vụ án, đồng thời giải quyết quyền lợi đối với gia đình của tôi. Căn cứ để tôi yêu cầu phục hồi điều tra đó là hung thủ của vụ án là Trương Đình Chi được tôi tố cáo ngay khi vụ án mới diễn ra.
Vì vậy, nói hết thời hiệu thì đó là lỗi của phía công an. Nếu hung thủ của vụ án không phải là Trương Đình Chi như tôi tố cáo ban đầu thì tôi đồng ý với thông báo hết thời hiệu truy cứu. Nhưng vào tháng 12-1980, tôi đã tố cáo, cung cấp thông tin để bắt hung thủ khi ông Chi đang lẩn trốn ở tỉnh Hậu Giang.
Công an tỉnh Bình Thuận sau đó có mời người này lên làm việc nhưng không tạm giữ để ông Chi tiếp tục lẩn trốn. Sau đó, đến năm 1992, tôi lần mò và phát hiện ông Chi đang trốn ra tỉnh Bình Định, và tôi đã báo cho Công an tỉnh Bình Thuận nhưng cũng không bắt giữ hung thủ. Đến giờ họ nói hết thời hiệu thì bản thân tôi rất không đồng tình" – anh An trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.
Bình luận (0)