Hôm nay, 26-2, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ dự kiến sẽ họp bàn, đối thoại với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các đại sứ quán về những phản ánh liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116 (quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô) và Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải.
Cuộc họp do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì với sự tham gia của đại diện đại sứ quán các nước: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu; Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Phòng Thương mại Châu Âu cùng đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô. Mục đích là nhằm lắng nghe những vướng mắc trong thực hiện 2 văn bản nêu trên và đề xuất các giải pháp tháo gỡ cụ thể.
Nghị định 116 ban hành ngày 17-10-2017 cùng với Thông tư 03 hướng dẫn nghị định này đã quy định nhiều nội dung được cho là "làm khó" các doanh nghiệp nhập khẩu xe trong nước. Cụ thể, một yêu cầu rất "khó nhằn" là bắt buộc phải kiểm tra theo lô, thay vì chỉ phải kiểm định một chiếc đầu tiên đối với một loại xe như trước đây. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu do tổ chức nước ngoài cấp, trong khi thực tế, các tổ chức nước ngoài không cấp loại giấy này. Cùng đó, hàng loạt yêu cầu ngặt nghèo khác như yêu cầu về xưởng lắp ráp, đường thử xe lớn…
Kim ngạch nhập khẩu xe trong tháng 1-2018 đã giảm 38% Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đại diện VAMA cho rằng những quy định trên khiến một số doanh nghiệp thành viên gặp nhiều khó khăn trong việc đưa hàng về Việt Nam từ đầu năm 2018. Thậm chí, có doanh nghiệp đã phải hủy đơn hàng do lo lắng không đáp ứng được quy định mới cũng như không trả lời cho khách được chính xác thời gian có thể giao xe. "VAMA đề nghị nới hàng loạt quy định, ví dụ chỉ yêu cầu thử nghiệm khí thải và an toàn với lô hàng đầu tiên, không yêu cầu về đường thử..." - hiệp hội này cho ý kiến.
Đại diện một doanh nghiệp ô tô tại Hải Phòng cho biết ông đã rất nhiều lần lên tiếng góp ý về các quy định gây bất lợi cho doanh nghiệp trong Thông tư 20 về thủ tục nhập khẩu ô tô trước đây. Không ngờ, khi Thông tư 20 bị "khai tử" thì lại ra đời Nghị định 116 với những quy định khiến cho xe nhập khẩu với mức thuế suất ưu đãi từ các thị trường láng giềng không còn đường xâm nhập Việt Nam.
"Tôi hy vọng với cuộc đối thoại trực tiếp và cởi mở này, Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và thực sự cầu thị để có những giải pháp tháo gỡ. Đành rằng cần dồn lực ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất bởi nó sẽ kéo theo sự phát triển của công nghiệp phụ trợ nhưng cũng cần tuyệt đối công bằng với các doanh nghiệp nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất có năng lực yếu hơn" - đại diện doanh nghiệp nêu trên bày tỏ.
Ở góc độ thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho rằng các chính sách nêu trên có thể "kìm cương" các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tham vọng biến thị trường Việt Nam thành nơi tiêu thụ xe nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN. Đồng thời, buộc các doanh nghiệp FDI phải có sự chuyển giao công nghệ, phối hợp sản xuất linh phụ kiện, tăng tỉ lệ nội địa hóa nếu muốn làm ăn tại Việt Nam.
Bình luận (0)