Mười bốn tuổi, ba trốn nội vào vùng kháng chiến. Hai mươi hai tuổi, ba đi tập kết, rồi biền biệt tháng ngày xa nội. Rồi lập gia đình, làm chồng làm cha, rồi giải phóng miền Nam, công việc nối tiếp công việc… Mấy chục năm lặng lẽ trượt dài trên mái tóc bạc trắng của ba.
Năm 1954, ba tập kết ra Bắc từ Phân liên khu miền Tây Nam Bộ, điểm xuất phát tại Cà Mau. Năm 1964, ba lại xung phong đi B theo cánh Công đoàn Giáo dục Việt Nam vào chiến trường miền Nam, nhận công tác tại Ban Dân vận Trung ương Cục với nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo Công Nhân Giải Phóng của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng, Khu Sài Gòn - Gia Định (tiền thân của Báo Người Lao Động hiện nay). Những tờ báo bí mật in ấn trong nội thành, chuyền tay cho công nhân các nghiệp đoàn, ngụy trang đưa báo ra Củ Chi, vào nhà máy…
Đến trước Tết Mậu Thân 1968 thì đường dây hoạt động bị lộ. Ba bị bắt giải qua Nhà lao Tân Hiệp rồi đày ra Côn Đảo. Mẹ mang bầu anh trai cũng bị tạm giam vì tội chứa chấp Việt cộng. Đầu năm 1972, ba nằm trong danh sách một số tù chính trị Côn Đảo mà chính quyền Sài Gòn lén lút thả về đất liền trước Hiệp định Paris. Trở về nhà, móc nối lại cơ sở và cùng với đồng đội cánh Công vận chiếm giữ trụ sở Tổng Liên đoàn Lao công vào những ngày cuối tháng 4-1975.
Ba mẹ và con gái tại buổi bảo vệ luận văn Cao học, 18-2-2004 Ảnh: THỦY THANH
21 năm đằng đẵng cho một ngày non sông liền một dải, gia đình được đoàn viên. Và tiếp mấy mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, ba lăn lộn với phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn TP HCM; là người sáng lập, giám đốc điều hành đầu tiên của Quỹ Trợ vốn cho lao động nghèo tự tạo việc làm - nay là Tổ chức Tài chính Vi mô (CEP)… Ba mong được về bên nội, ở bên nội được trọn một tuần, không vướng bận những lo toan của cuộc sống, những sự vụ của cơ quan. Vậy mà mỗi năm, ba và các chú chỉ quây quần bên nhau trong căn nhà thơ ấu nhiều nhất là hai đêm vào dịp giỗ ông nội, đem niềm vui và tiếng cười về nhà.
Những nỗi buồn và ưu tư muốn kể nhưng không đành; thôi thì lại cất giữ trong lòng. Hai đêm ít ỏi ấy, chúng tôi, những đứa con, những đứa cháu nội ngoại cũng tụ tập về, hét hò ỏm tỏi. Song trong khung cảnh náo nhiệt của bọn trẻ nít, tôi vẫn nhìn thấy không khí đầm ấm của một đại gia đình, nhìn thấy ánh lung linh hạnh phúc trong đôi mắt nhăn nheo mà tinh anh của nội, nhìn thấy tia sáng ngây thơ, trẻ dại đầy tình thương yêu trong đôi mắt sụp mí sau lần mổ của ba.
Ba tôi vào cái tuổi ngũ, lục tuần, cũng trở thành cái "thằng Tây" bé nhỏ ngày nào về với làng An Khánh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), về với mẹ thân yêu.
Mấy mươi năm, rồi đến sáu mươi năm. Ba bảo ba may mắn còn tự đi đứng khi đến tuổi về hưu. Ba ào về với nội, quẩn quanh trong bếp, bên võng cùng nội mười bữa, nửa tháng, xong lại trở lên thành phố, lại tham gia công tác ở địa phương chứ không nghỉ ngơi như ba từng mong ước lúc còn đương chức.
Hay làm, hay hoạt động, đó là niềm vui và cũng là sức khỏe của ba tôi. Nội vui hơn, nói chuyện nhiều hơn từ lúc ba thường xuyên đi về. Sắc diện nội tươi hơn, nội hay ngồi ở võng mỉm cười hiền hậu. Ba tôi như bé bỏng bên nội, khỏe ra và những cơn cao huyết áp cũng không hành ba tôi nhiều so với lúc còn đi làm.
Tuổi già ập đến, bệnh tật ập đến. Ba trẻ ra không được bao lâu. Sau cơn bệnh bất ngờ, ba ra đi mãi mãi… Ba về lại căn nhà thuở thiếu thời, lụm cụm quỳ, lạy cúng, lạy trả, cúi đầu dâng chén cơm cho cha mẹ giữa vườn dừa xanh thẳm… Năm nay, 45 năm đất nước thống nhất, ba bước vào cuộc hành trình xa xôi về với tổ tiên, về với ông bà nội…
Tôi kính trọng cuộc đời giản dị và nhân ái của ba. Nhớ tuổi về già, ba tôi hay nằm hàng giờ một mình ngoài võng bên hiên nhà. Mỗi lúc ngồi bên ba sau một ngày làm việc căng thẳng, tôi bồi hồi nghe ba bảo: "Lâu ghê lắm rồi, từ thời nhỏ dại đến nay, ba thèm được nghe nội la rầy, thèm cong giò chạy biến mỗi lúc nội giận lên vác chổi rượt ba và các chú… Rất thèm và rất nhớ!".
Cho một ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dân tộc ta đã đi qua cuộc trường chinh gìn giữ hòa bình! Cho một ngày đoàn viên, mỗi gia đình đã lặng thầm gác lại mối riêng tư, góp công sức bảo vệ và xây dựng quê hương, trong đó ắt có hạnh phúc của mình.
Bình luận (0)