Sau khi TP HCM áp dụng Chỉ thị 10 về phòng chống dịch Covid-19, hàng loạt chợ tự phát bị giải tán. Thế nhưng, vấn đề duy trì được bao lâu để chấm dứt những bất cập mà chợ tự phát gây ra vẫn còn bỏ ngỏ.
Biến đường thành chợ
Phổ biến nhất là tình trạng chợ tự phát "bao vây" chợ truyền thống. Từ 3-4 năm trước, một số ban quản lý chợ tại TP HCM đã báo động tình trạng tiểu thương bỏ sạp chợ, "nhảy" ra bán vỉa hè tại những con đường xung quanh chợ. Chợ chính ngày một đìu hiu, chợ tự phát ngày càng sung túc, khách ngồi trên xe có thể mua đầy đủ các mặt hàng từ thịt cá, tôm, gà, vịt đến bó rau, củ hành... Đơn cử, các sạp rau củ, trái cây 2 bên đường Hoàng Minh Đạo (dẫn vào chợ Nhị Thiên Đường, quận 8) buôn bán nhộn nhịp hơn hẳn trong nhà lồng chợ từ sáng sớm đến 19-20 giờ.
Các con đường xung quanh chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) như Đinh Điền, Dương Vân Nga, Phạm Văn Hai bị chiếm dụng, trở thành chợ tự phát quy mô lớn, hoạt động ròng rã nhiều năm liền dù tiểu thương lẫn ban quản lý chợ này nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý. Hay như khu chợ tự phát trên đường Trang Tử (quận 5) bên hông Bến xe Chợ Lớn, tấp nập suốt ngày đêm. Xung quanh chợ Hòa Bình (quận 5), các tuyến đường Nhiêu Tâm, Bạch Vân, Chiêu Anh Cát đã bị chợ tự phát lấn chiếm từ lâu. Tại các tuyến đường trong các KCX-KCN, nhà máy, xí nghiệp sản xuất, những khu chợ công nhân nhóm họp ngay trên lòng lề đường gây ùn tắc giao thông, mất an toàn trật tự trong giờ cao điểm.
Tình trạng "chợ bao vây chợ" không chỉ làm đau đầu tiểu thương, ban quản lý chợ lẻ mà còn khiến tiểu thương chợ truyền thống bức xúc. Chợ Bình Điền (quận 8) đi vào hoạt động từ năm 2006, từ đó đến nay luôn bị chợ tự phát bao vây, nhất là khu vực bên ngoài từ đường Nguyễn Văn Linh dẫn vào chợ (còn gọi là đường 36 m). Tại đây, về đêm, nhiều xe tải xuống hàng số lượng lớn, người buôn bán lấn chiếm không khác gì một chành vựa thực thụ.
Giải tỏa chợ tự phát bên hông chợ Thủ Đức B (TP HCM) trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần nỗ lực và quyết tâm
Trong hầu hết những lần làm việc với các đoàn khảo sát của UBND, HĐND TP HCM, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền cùng các tiểu thương rất bức xúc vì sự cạnh tranh không lành mạnh ở đây. Theo Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, tiểu thương trong chợ phải chịu các loại thuế, phí... trong khi những người buôn bán phía ngoài không chịu bất cứ chi phí gì nên bán giá rẻ hơn, rất không công bằng cho tiểu thương.
Còn ở góc độ an toàn thực phẩm, trong khi hàng hóa về chợ đầu mối được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP và đội an toàn thực phẩm của chợ kiểm tra, giám sát chặt chẽ hằng đêm thì tại khu vực kinh doanh tự phát không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào, vì vậy nguy cơ hàng trôi nổi, kém chất lượng từ khu vực này tỏa ra nhiều nơi, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Tình trạng các chợ tự phát tồn tại năm này qua tháng nọ dù chính quyền TP hầu như năm nào cũng chỉ đạo quyết liệt xử lý, xóa sổ chợ tự phát một phần do nhu cầu thực tế của một bộ phận người dân và phần lớn là sự lơ là, đùn đẩy trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chẳng hạn, chợ tự phát trên đường 36 m khu vực chợ Bình Điền tồn tại kéo dài là do khu vực này nằm giáp ranh giữa phường 7 (quận 8) và xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh). "Không ít lần công ty phối hợp lực lượng công an, quản lý đô thị các địa phương làm rốt ráo, tịch thu phương tiện kinh doanh trái phép, phạt nặng người vi phạm nhưng sau khi lực lượng rút đi thì "đâu lại vào đó", các điểm bán vẫn tiếp tục xuất hiện" - đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền phản ánh.
Thực tế, nhiều năm nay, việc dẹp chợ tự phát tiến hành kiểu "bắt cóc bỏ dĩa": lực lượng chức năng ra quân đều đặn thì người kinh doanh tự phát sẽ không xuất hiện hoặc phường này ra quân thì người bán hàng chạy sang phường giáp ranh, lực lượng liên ngành rời khỏi thì quay lại họp chợ bình thường.
Trong những ngày TP HCM thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các khu chợ tự phát được rào chắn, giăng dây giải tỏa triệt để. Bài toán làm sao tiếp tục trả lại lòng lề đường thông thoáng cho người dân tham gia giao thông, giải tán hoàn toàn các chợ tự phát phụ thuộc nhiều vào nỗ lực và quyết tâm của từng quận - huyện, phường - xã.
Đủ quy định để xử lý
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Công ty TNHH MTV Kinh Luân, hiện các quy định pháp luật, biện pháp chế tài để xử lý việc mua bán trên đường đã được ban hành tương đối đầy đủ. Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức phạt đối với các hành vi liên quan đến lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Còn hành vi họp chợ trên đường cản trở việc đi lại, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn bị xử lý hình sự.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM:
Không thể du di mãi
Cần nhìn vào thực tế không phải người kinh doanh ở chợ tự phát nào cũng nghèo. Còn đối với những hộ nghèo dựa vào chợ tự phát để mưu sinh qua ngày, cần có kế hoạch chuyển đổi nghề, hỗ trợ bằng các chính sách khác để dẹp chợ tự phát. Chúng ta cần bảo vệ những người kinh doanh tuân thủ pháp luật, có đóng thuế, thực hiện quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trước các hình thức kinh doanh tự phát hay là bất hợp pháp.
Ở góc độ quản lý an toàn thực phẩm, tôi không khẳng định hàng bán ở chợ tự phát là không an toàn nhưng rủi ro lớn vì nguồn gốc không rõ, ngay cả nhân thân người bán cũng khó xác định thì làm sao kiểm soát được hàng hóa. Ngày nay, các kênh phân phối hiện đại mới mở, các chợ truyền thống đã phủ khắp, thực phẩm đa dạng và giá cả cũng rất cạnh tranh đủ sức để thay thế các chợ tự phát. Người dân không nên vì giá rẻ, vì tiện cho mình mà cứ mua thực phẩm trôi nổi thì cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát về chất lượng.
TS Nguyễn Thị Toàn Thắng, Học viện Cán bộ TP HCM:
Cần quyết liệt và hợp lý
Giải tán chợ tự phát cứ ngỡ là một vấn đề nan giải, tuy nhiên, qua Chỉ thị 10 của TP về chống dịch Covid-19 có thể khẳng định bài toán chợ tự phát hoàn toàn có thể giải được với hai từ: quyết liệt và hợp lý.
Chính quyền địa phương phải ra quân quyết liệt, xử lý triệt để các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường kinh doanh buôn bán (cần có nguồn nhân lực, vật lực hỗ trợ). Tuy nhiên, mỗi địa phương cũng cần sắp xếp nơi buôn bán hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng một phần nhu cầu mua bán của những đối tượng thu nhập thấp tại các khu lao động, khu công nghiệp. Để làm tốt hai điều này, công tác tuyên truyền, vận động hướng đến lợi ích và sự an toàn của người dân cần được thực hiện trước một bước. Dung hòa các yếu tố: Lợi ích, tâm lý, tình cảm trong quá trình quản trị xã hội sẽ góp phần tạo nên hiệu quả cho hoạt động quản lý.
Ông Lê Văn Khôi, Giám đốc DNTN Sản xuất thực phẩm Lê Khôi:
Thay đổi thói quen đi chợ
Tôi cũng được nuôi dưỡng, ăn học từ gánh hàng rong của mẹ nên phần nào hiểu được tâm tư của những người buôn bán nhỏ ở chợ tự phát. Nhưng xã hội đã phát triển, không gian sinh hoạt bức bối hơn và nhu cầu về thực phẩm cũng đã ở tầm mức khác.
Người mua cẩn trọng hơn về vấn đề an toàn thực phẩm và ít mạo hiểm với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, khó truy trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra. Cũng ít người chỉ vì tiết kiệm vài chục ngàn đồng ở một buổi chợ mà để gia đình phải lo lắng về bữa ăn. Những điều này cộng với hệ thống chợ truyền thống, siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm... phát triển rầm rộ sẽ dần thay đổi thói quen đi chợ. Không cứ dừng xe ở đâu được thì mua hàng ở đó mà phải cân nhắc và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng. Tôi tin rằng người bán ở chợ cũng ý thức được những khó khăn trước mắt và dần thay đổi cách buôn bán.
N.Ánh - T.Nhân - H.Nghi ghi
Bình luận (0)