"Nếu quy hoạch lúc này sẽ dẫn đến xung đột giữa nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch" - ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nói.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên (đơn vị tham mưu quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên), việc quy hoạch là cần thiết nhằm phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản. Quy hoạch này bắt nguồn từ quy hoạch chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, xác định Phú Yên là "thủ phủ" của nghề nuôi tôm hùm mà thị xã Sông Cầu là vùng nuôi tôm hùm trọng điểm. Tuy nhiên, quy hoạch này đang vướng phải quy hoạch Khu Du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, đã nảy sinh sự chồng lấn giữa quy hoạch nuôi tôm hùm và quy hoạch khu du lịch quốc gia trên diện tích 155 ha mặt nước ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu).
Tôm hùm tại vịnh Xuân Đài chết hàng loạt do ô nhiễm hồi tháng 5-2017
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, cho biết năm 2010, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khảo sát và ghi nhận khu vực di tích thắng cảnh cấp quốc gia vịnh Xuân Đài, kéo dài đến gành Đá Đĩa (huyện Tuy An) có thắng cảnh tuyệt đẹp, lại nằm ở trung tâm khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nên đã xây dựng quy hoạch khu du lịch quốc gia trình Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, những năm qua, việc ồ ạt nuôi tôm hùm tự phát ở khu vực này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thắng cảnh vịnh Xuân Đài.
Vì vậy, không thể phát triển du lịch trên vùng nước nuôi tôm hùm. Ông Võ Minh Thức, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, cho rằng việc nuôi tôm hùm đã làm ô nhiễm vùng nước nghiêm trọng, sẽ không có khách du lịch nào đến nơi ô nhiễm như thế. "Hiện nay, tại vịnh Xuân Đài, ô nhiễm tầng đáy đã dày đến cả 1 m. 27.000 lồng nuôi tôm hùm hiện nay đã là vậy, nay mai tiếp tục phát triển lồng bè nuôi, ô nhiễm sẽ còn hơn. Ngay cả người dân thị xã Sông Cầu còn chưa dám xuống nước tắm thì làm sao du khách đến" - ông Thức nói.
Thực tế, vào tháng 5-2017, tôm hùm đã chết hàng loạt ở vịnh Xuân Đài. Tỉnh Phú Yên đã phải trích ngân sách 5 tỉ đồng để hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại. Tình trạng ô nhiễm đã đến mức báo động. "Ô nhiễm như thế thì làm sao làm du lịch. Vị trí này đẹp như thế mà chúng ta tự phá hoại mình. Nếu làm được du lịch vùng này nó sẽ mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần" - ông Thức nói thêm.
Ngay cả mô hình nuôi tôm hùm công nghệ cao trên bờ với diện tích 60 ha ở thị xã Sông Cầu trong quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng khó khả thi. "Quỹ đất của thị xã Sông Cầu nếu có cũng chỉ vài chục ha. Bây giờ 60 ha nuôi tôm hùm trên mặt đất là rất khó" - ông Đặng Cao Khải, Bí thư Thị ủy Sông Cầu, nói.
Trước những ý kiến trên, HĐND tỉnh Phú Yên đã chấp thuận cho UBND tỉnh này rút lại tờ trình quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch này tạm thời dừng lại.
Xóa sổ hơn 6.400 lồng tôm hùm Vũng Rô
Theo ông Bùi Thanh Toàn, Bí thư Huyện ủy Đông Hòa, hiện Vũng Rô (thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) có trên 6.400 lồng tôm hùm được người dân nuôi tự phát. Theo chỉ đạo của tỉnh, sắp tới phải di dời toàn bộ số lồng bè nuôi này ra khỏi khu vực để triển khai các dự án du lịch. Tuy nhiên, vấn đề lo sinh kế cho mấy trăm hộ dân nuôi tôm là điều cần cân nhắc.
Bình luận (0)