Sau 12 ngày đợt dịch Covid-19 mới bùng phát, Việt Nam đã ghi nhận 418 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng chống dịch mới.
Tốc độ lây nhiễm tăng 70%
Làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh vào ngày 7-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định 2 ổ dịch của Quảng Ninh là Vân Đồn và Đông Triều hiện cơ bản đã kiểm soát được nhờ thời gian ngăn chặn và tốc độ xử lý nhanh. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện một số ca bệnh trên địa bàn tỉnh là thường trực và hiện hữu.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì việc khoanh vùng nhanh, truy vết thần tốc, lấy mẫu trên diện rộng để giảm thiểu tác động với xã hội. "Với khu vực có bệnh nhân dương tính sau khi đã làm xét nghiệm, truy vết toàn bộ được F1 và cách ly tập trung thì vùng đó sẽ là vùng an toàn, chúng ta sẽ nới lỏng toàn bộ khu phố và chỉ phong tỏa nơi gia đình của bệnh nhân sinh sống" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ Y tế cho biết ngày 7-2, cả nước phát hiện 20 ca mắc Covid-19 tại Hải Dương và Gia Lai, trong đó 19 ca bệnh tại "ổ dịch" Hải Dương và 1 ca bệnh ở Gia Lai. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 418 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố: Hải Dương có 309 ca, Quảng Ninh (47) , Gia Lai (19), Hà Nội (23), Bắc Ninh (4), Bắc Giang (1), TP HCM (2), Hòa Bình (2), Hà Giang (1), Điện Biên (3), Bình Dương (6), Hải Phòng (1).
Nhân viên y tế làm việc tại phòng sàng lọc SARS-CoV-2 của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) Ảnh: ANH THƯ
Các chuyên gia dịch tễ cho biết chủng virus ở Hải Dương được xác định là chủng biến thể SARS-CoV-2 ở Anh. Chủng này có khả năng bám dính ở tế bào người rất mạnh, tốc độ lây nhiễm tăng 70%, đồng thời chu kỳ lây nhiễm rút ngắn chỉ còn 2-3 ngày so với 5 ngày của chủng cũ. Trong khi đó, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết qua phân tích 240 bệnh nhân Covid-19 trong đợt điều trị lần này, ghi nhận có đến hơn 80% bệnh nhân không có triệu chứng.
Trước tình trạng trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương có dịch lần này phải nâng cao hơn một mức các biện pháp phòng chống dịch so với các đợt dịch trước. Để người dân được đón Tết an toàn, Bộ Y tế và Văn phòng WHO tại Việt Nam gửi khuyến cáo mỗi người dân cần cân nhắc kỹ 3 câu hỏi khi lên kế hoạch cho dịp nghỉ Tết này. Đó là: Các khuyến cáo hiện tại của cơ quan y tế là gì? Tình hình dịch Covid-19 trong khu vực bạn định ăn Tết như thế nào? Bạn hay người thân, bạn bè sẽ ăn Tết cùng nhau có thuộc nhóm nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu mắc Covid-19?
Bộ Y tế và WHO cũng lưu ý người dân: "Hãy sẵn sàng thay đổi kế hoạch vào phút cuối nếu bạn hoặc những người ăn Tết cùng bạn bị ốm hoặc có thể đã tiếp xúc gần với người mắc Covid-19".
"Đội cơ động" trực chiến xuyên Tết
Ngoài nhân sự sẵn sàng cho các ca trực và cho các tình huống có người nghi nhiễm/nhiễm SARS-CoV-2, các bệnh viện (BV) đang gấp chuyển đổi khai khai báo y tế điện tử qua app do Sở Y tế TP HCM vừa triển khai, ngày 8-2 sẽ đồng loạt áp dụng.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết BV này đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa Tết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngoài những nhân viên y tế trực theo lịch còn có đội cơ động sẵn sàng tiếp ứng khi cần thiết. Khoa Nhiễm D của BV vẫn sẵn sàng nếu xuất hiện những ca Covid-19 nặng; đồng thời duy trì kế hoạch chuyển đổi nhanh toàn bộ BV thành BV điều trị Covid-19 nếu dịch bệnh diễn tiến phức tạp. Hiện BV cũng đang hỗ trợ chuyên môn cho BV dã chiến Củ Chi. Riêng Khoa Xét nghiệm hoạt động 24/24 giờ xuyên Tết với nhiệm vụ xử lý các mẫu từ các BV khác chuyển về. Khi cần thiết, đơn vị xét nghiệm SARS-CoV-2 này có thể đạt công suất trên 1.000 mẫu/ngày.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết các đội chuyên trách về Covid-19 thành lập từ lâu ở BV vẫn hoạt động xuyên Tết, bao gồm đội cơ động hễ có biến động là phải chạy vào hỗ trợ ngay dù đang trong ngày nghỉ, các đội trực thường xuyên theo lịch, một nhóm cố vấn và một nhóm chuyên cập nhật dịch tễ.
Theo TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc BV Nhân Dân Gia Định (TP HCM), dịp Tết lượng bệnh nhân thường giảm nên mọi năm BV sẽ đóng cửa bớt một số phòng bệnh, đưa các bệnh nhân còn lại vào các phòng bệnh lớn nhưng năm nay sẽ mở cửa tất cả phòng bệnh để giãn cách bệnh nhân. BV cũng chuẩn bị phương án dự phòng, tăng cường nhân sự trong dịp Tết, những trường hợp cần đi xa sẽ được quản lý và khai báo đầy đủ trước khi trở lại làm việc.
"Công tác khám chữa bệnh cấp cứu theo chế độ thường trực 24/24 giờ, bảo đảm nhân sự làm việc tại các khoa, đặt mục tiêu an toàn của người bệnh lên hàng đầu. Công tác sàng lọc tại các cửa ra vào BV bảo đảm theo quy định, ngoài ra, tăng cường thêm các nhân viên y tế không có lịch trực Tết tham gia công tác sàng lọc. Hiện nay, các BV có thuận lợi là Sở Y tế TP HCM vừa triển khai khai báo y tế điện tử thống nhất toàn ngành, cập nhật liên tục các điểm nguy cơ cần khai báo trên hệ thống, bảo đảm tính thống nhất..." - TS-BS Nguyễn Hoàng Hải cho biết.
Theo Sở Y tế TP HCM, có 2 cách để khai báo y tế điện tử kiểu mới. Một là quét mã QR bằng điện thoại thông minh để truy cập trang khai báo; hai là khai trên máy tính kết nối mạng đặt tại BV, theo địa chỉ https://kbyt.khambenh.gov.vn. Các BV có nhiệm vụ bố trí nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn khai báo.
Việt Nam sẽ nhận vắc-xin Covid-19 trong quý I/2021
Chương trình COVAX do WHO khởi xướng nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với các loại vắc-xin ngừa Covid-19 vừa thông báo Việt Nam sẽ được nhận vắc-xin Covid-19 giai đoạn đầu tiên này với số lượng vắc-xin dự kiến từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều, trong đó 25%-35% số liều sẽ được cung cấp trong quý I này và 65%-75% trong quý II/2021. Vắc-xin được sử dụng trong đợt này là vắc-xin của Hãng AstraZeneca.
Trong cơ chế này, WHO phối hợp với Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc-xin và các đối tác để bảo đảm các quốc gia đều được tiếp cận vắc-xin một cách công bằng và hiệu quả. COVAX sẽ bảo đảm cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vắc-xin với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.
N.Dung
Nâng mức phòng dịch ở sân bay lên cao nhất
Chiều 7-2, Cục Hàng không Việt Nam đã có Chỉ thị tăng cường các biện pháp cấp bách về cách ly và phòng chống dịch Covid-19. Hiện trong bối cảnh Tết Tân Sửu cận kề, nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không tăng cao khi dịch tiếp tục diễn biến phức tạp do chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn...
Để tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong ngành hàng không, Cục Hàng không yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng không, hãng bay, sân bay Tân Sơn Nhất... nâng mức phòng chống dịch lên mức cảnh báo cao nhất, đặc biệt là tại cảng hàng không và cơ sở điều hành bay. Các hãng hàng không cần rà soát lại quy trình, có biện pháp xử lý đối với trường hợp vi phạm về cách ly y tế và nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thông qua thành viên tổ bay...
T.Phương
Bình luận (0)