Chiều 14-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo về triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Phải kiểm soát tốt nguồn lây
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tổng số tích lũy ca mắc Covid-19 cả nước từ đầu dịch đến 9 giờ ngày 14-5 là 3.756 ca, trong đó có 2.298 ca trong nước. Tính từ ngày 27-4 đến 9 giờ ngày 14-5, Việt Nam ghi nhận 787 ca mắc Covid-19, trong đó có 15 ca đã khỏi bệnh, 713 ca đang điều trị với 434.941 trường hợp được xét nghiệm Real Time - PCR. Tổng số F1 ghi nhận tại 26 tỉnh, TP là 28.676 trường hợp.
Phân tích diễn biến các nguồn lây nhiễm liên quan đến Hà Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Yên Bái, ông Đặng Quang Tấn khẳng định các nguồn lây này đã được kiểm soát, không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh tất cả lực lượng chức năng, các địa phương, đặc biệt những điểm "nóng nhất" trong thời gian qua như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng đã tích cực vào cuộc trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay ổ dịch ở Hà Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Yên Bái cơ bản được kiểm soát; dự kiến sau 3-5 ngày nữa, Bắc Giang, Bắc Ninh cũng cơ bản kiểm soát được dịch. Trong những ngày sắp tới, các địa phương sẽ ghi nhận thêm các ca mắc Covid-19 nhưng đều được cách ly hoặc khoanh vùng trước đó.
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho bệnh nhân tại Bệnh viện K trung ương Ảnh: TRẦN HÀ
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù các ổ dịch đang trong tầm kiểm soát nhưng ở cộng đồng đã có mầm bệnh và sẵn sàng bùng phát. Do đó, toàn hệ thống luôn đặt trong tình trạng trực chiến; khi phát hiện ca chỉ điểm trong cộng đồng thì lập tức ra quân, khoanh vùng dịch bệnh.
Đáng chú ý, xét nghiệm chậm là một trong những nguyên nhân Bắc Ninh, Bắc Giang kiểm soát dịch bệnh chậm hơn so với dự kiến. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ 2 địa phương này để cơ bản trong 2-3 ngày tới kiểm soát được dịch.
Hiện có hàng ngàn kỹ sư, công nhân, người lao động... làm việc ở các khu công nghiệp thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, cư trú ở các địa phương, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Các chuyên gia nhận định nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo nguy cơ cho các địa bàn cư trú. Trên tinh thần "không được để ngăn sông, cấm chợ", ách tắc sản xuất, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ Bắc Ninh và Bắc Giang phương án tăng cường năng lực xét nghiệm; sau đó rút kinh nghiệm cho tất cả địa phương có khu công nghiệp tập trung, phải có danh sách kỹ sư và công nhân, người lao động cư trú ở các địa phương khác, làm việc tại địa phương. Khi dịch xuất hiện, cụ thể như Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay, các lực lượng phải ưu tiên xét nghiệm cho nhóm trường hợp này bằng các phương pháp và tần suất xét nghiệm phù hợp, trên tinh thần bảo đảm an toàn cho nơi sản xuất và cư trú.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, một trong những khó khăn hiện nay là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh sinh sống ở nhiều tỉnh, TP khác nhau, do đó việc quản lý công nhân, đặc biệt là những trường hợp F2 tại nơi cư trú, gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ngày 14-5, Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia đã gọi điện kiểm tra, phát hiện còn 22/66 trường hợp F2 (được công bố vào ngày 12-5) chưa được chính quyền, y tế cơ sở đưa vào diện theo dõi, cách ly y tế tại nhà.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng nêu rõ việc truy vết và quản lý các trường hợp F2, F3 vẫn còn lỏng lẻo. Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc trong việc quản lý những trường hợp này, tránh tạo nên "mầm họa dịch trong cộng đồng".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý trong thời gian tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương không thực hiện nghiêm, để dịch xảy ra thì dứt khoát phải xử lý trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan theo quy định.
Khẩn trương truy vết, xét nghiệm
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố trên địa bàn Hà Nội xuất hiện 17 ca mắc Covid-19 mới. Đáng chú ý, trong số này có chùm 4 ca xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn quốc tế Sơn Sland (huyện Thường Tín).
Trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại huyện Thường Tín, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết do 4 ca bệnh làm việc tại Công ty Sơn SLand có lịch trình di chuyển phức tạp, đến từ tỉnh, thành khác như Sơn La nên công tác truy vết cần khẩn trương, thần tốc với các trường hợp tiếp xúc gần F1, F2; cần kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, cách ly và thông báo đến các địa phương có những trường hợp tiếp xúc với 4 ca bệnh này, không để phát sinh ca mắc mới.
Tính đến trưa 14-5, huyện Thường Tín ghi nhận 17 ca mắc Covid-19, tập trung nhiều ở 3 xã: Tô Hiệu, Hiền Giang và Dũng Tiến, vì thế huyện phải chỉ đạo ngay 3 xã này thực hiện giãn cách phòng dịch Covid-19 theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp 5K và không ra ngoài khi không có việc cần thiết. Đặc biệt, huyện Thường Tín cần phong tỏa diện hẹp nhưng giám sát chặt chùm ca bệnh ở xã Hiền Giang để khoanh vùng dập dịch kịp thời.
Dự báo nguy cơ dịch với Hà Nội rất khó lường, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chỉ đạo CDC xét nghiệm diện rộng những người tiếp xúc gần để đánh giá nguy cơ, nguồn lây, có biện pháp khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Trong khi đó, tại tỉnh Bắc Ninh ngày 14-5 ghi nhận thêm 21 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 20 ca ở ổ dịch huyện Thuận Thành và 1 ca ở huyện Yên Phong, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn tỉnh lên 162 ca tính từ ngày 5-5 đến nay. Riêng với những ổ dịch phát hiện tại khu công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã truy vết, rà soát các trường hợp liên quan đến các ca bệnh; lấy gần 6.000 mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan và công nhân tại các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tại tỉnh Bắc Giang, đến sáng 14-5, tỉnh này có 101 ca mắc Covid-19, tăng 10 ca so với thời điểm 17 giờ ngày 13-5. Đây đều là những trường hợp liên quan đến các ca bệnh ở ổ dịch của Công ty TNHH Shin Young Việt Nam (khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên). Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu người dân phải chủ động khai báo y tế khi có liên quan đến ca bệnh để được hỗ trợ, bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trong ngày, tỉnh Điện Biên cũng ghi nhận 1 ca dương tính mới là cán bộ kế toán tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Tân Phong (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ). Đáng chú ý, người này chưa xác định được nguồn lây bệnh. Trước khi phát bệnh, người này đã di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, bước đầu xác định có 96 F1.
Thêm 106 ca mắc mới
Bộ Y tế công bố: Ngày 14-5, Việt Nam ghi nhận thêm 106 ca mắc Covid-19, trong đó 2 ca nhập cảnh và 104 ca mắc trong nước. Tỉnh Bắc Ninh có số ca mắc cao nhất với 46; kế đến Hà Nội 17 ca, Bắc Giang 16 ca, Lạng Sơn 6 ca, Đà Nẵng 3 ca... Những ca còn lại rải rác ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Điện Biên. Theo Bộ Y tế, đây đều là các ca bệnh được ghi nhận ở khu vực đã được cách ly, phong tỏa.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 787 ca tại 26 tỉnh, thành phố.
TP HCM: 4.800 mẫu xét nghiệm đầu tiên âm tính
Sở Y tế TP HCM cho biết sau khi yêu cầu khẩn cấp các bệnh viện trên địa bàn lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, đến ngày 14-5, đã có hơn 41.200 mẫu bệnh phẩm được thu thập từ nhân viên y tế, bệnh nhân nội trú và người nhà thăm nuôi bệnh nhân. Kết quả 4.800 mẫu xét nghiệm đầu tiên cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, số còn lại đang đợi kết quả.
Trước đó, tối 12-5, đồng loạt các bệnh viện trên địa bàn TP HCM nhận được thông báo khẩn từ Sở Y tế TP HCM yêu cầu thực hiện lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà nuôi bệnh trong toàn bộ cơ sở y tế. Thông báo này được phát ra sau khi Bệnh viện Ung Bướu TP HCM (cơ sở quận Bình Thạnh) phát hiện một bệnh nhân có tiền sử dịch tễ liên quan Bệnh viện K (Hà Nội, cơ sở Tân Triều, nơi có dịch Covid-19 lây lan trong bệnh viện) đến khám bệnh nhưng khai báo y tế gian dối.
Ng.Thạnh
Bình luận (0)