Chiều 17-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
"Một người lơ là, cả xã hội lao đao"
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, rà soát công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua và hiện nay; qua đó rút ra bài học, nhận định tình hình để đưa ra giải pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất trong thời gian tới.
Báo cáo về tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay các ngành, địa phương đang thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo, quy định về phòng chống dịch. Các địa phương có dịch Covid-19 đã phong tỏa ngay các ổ dịch; thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ; cách ly, truy vết, xét nghiệm số người có nguy cơ... Các bộ, ngành, địa phương cũng tăng cường hỗ trợ, chi viện cho các địa phương, đơn vị có ổ dịch. Do đó, tại hầu hết các địa phương, điểm có dịch, tình hình cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên tình hình dịch vẫn diễn biến khó lường, nhất là tại các ổ dịch ở tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN), đông công nhân và nhiều người bị lây nhiễm.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đợt dịch này có chủng virus mới, lây lan nhanh, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là dịch lại xảy ra tại các KCN, trong khi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh tại khu vực này. Nguy cơ dịch bùng phát, lây lan có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, cả hệ thống chính trị và toàn dân cần vào cuộc một cách thần tốc hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để đẩy lùi dịch bệnh. Thủ tướng quán triệt các đơn vị, cơ quan, địa phương căn cứ tình hình thực tế, chủ động, tích cực, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chỉ đạo, quy định của nhà nước trong phòng chống dịch Covid-19; đồng thời phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, không lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch, vì nếu để dịch xảy ra thì sẽ gây hậu quả khôn lường, "một người lơ là, cả xã hội lao đao".
Thủ tướng chỉ đạo phải có kịch bản phòng chống dịch trong mọi tình huốngẢnh: Nhật Bắc
Nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng lưu ý phải bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; kết thúc tốt đẹp năm học 2021; lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết. Các cấp, các ngành cần thay đổi cách tiếp cận, phản ứng phù hợp với tình hình mới, với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; kế thừa những kinh nghiệm quý, bài học hay, có hiệu quả trong công tác phòng chống 3 đợt dịch trước cũng như những kinh nghiệm hay trên thế giới; tiếp tục kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công trong phòng chống dịch; thực hiện tốt "5K + vắc-xin".
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần có phương án, kịch bản phòng chống dịch trong mọi tình huống, nhất là khi dịch xảy ra tại các KCN; tiếp tục xây dựng chính sách, kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội vào đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nhân dân nhằm trang bị kiến thức và truyền cảm hứng cho người dân vào cuộc trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19; phổ biến những mô hình hay để nhân rộng trong cả nước trong phòng chống dịch.
TP HCM: Nâng cao cấp độ phòng chống dịch
Chiều tối cùng ngày, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết thời gian qua, TP đã tổ chức 763 đoàn kiểm tra tại 3.092 cơ sở. Qua đó, có 526 cơ sở kinh doanh bị nhắc nhở; 5 cơ sở yêu cầu tạm ngưng hoạt động và 144 cơ sở bị xử phạt. Đặc biệt, có 34 cơ sở bị phạt lần 2, tổng số tiền xử phạt gần 1 tỉ đồng.
Về thành lập các chốt kiểm tra tại các cửa ngõ, TP đã lập 69 chốt, gồm 12 chốt thuộc cấp TP và 57 chốt thuộc các quận, huyện và TP Thủ Đức. Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, thông tin thêm các chốt triển khai từ 0 giờ ngày 15-5; mỗi ngày có hơn 28.000 lượt người với hơn 12.000 phương tiện được kiểm soát. Ông Châu cũng đánh giá người dân đồng tình với chủ trương của TP về triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian qua. Riêng về quy định đeo khẩu trang, đến nay đã có 66 trường hợp bị nhắc nhở; 485 trường hợp bị xử phạt với số tiền hơn 931 triệu đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị trước hết phải vận động thuyết phục các cơ sở kinh doanh cùng hợp tác chống dịch. Tuy nhiên, nếu cơ sở nào vi phạm nhiều lần thì rút giấy phép.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng kể từ ngày 29-4 đến nay, TP HCM mới ghi nhận 1 trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng (bệnh nhân 2910). Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu cả hệ thống chính trị, người dân mất cảnh giác, lơ là, chủ quan.
Để giữ vững thành quả phòng chống dịch, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch, từ xa từ sớm, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân trên hết và trước hết. Từng cơ quan, đơn vị phải chủ động chuẩn bị kịch bản, phương án để sẵn sàng cho mọi tình huống.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo từng bệnh viện phải có phương án phòng chống dịch cụ thể để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Đối với UBND phường, xã, thị trấn, phải công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh liên quan đến việc không tuân thủ phòng chống dịch trên địa bàn. Đồng thời, khẩn trương kiện toàn các đội tuần tra, giám sát phòng chống dịch, giải tán các trường hợp tập trung từ 30 người trở lên ngoài các cơ sở trường học hoặc bệnh viện.
Chủ tịch UBND TP quán triệt việc thực hiện quy định về phòng chống dịch, nơi nào để xảy ra dịch do chủ quan thì trước tiên, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND TP. "Phải phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng trong việc phát hiện nhập cảnh trái phép. Đồng thời, khen thưởng kịp thời đối với các tổ Covid-19 cộng đồng" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Với hơn 280.000 công nhân và gần 3.000 chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại 1.500 doanh nghiệp ở 17 KCX, KCN và Khu Công nghệ cao TP, nguy cơ bị lây nhiễm dịch là rất lớn. Vì thế, lãnh đạo TP giao Ban Quản lý, KCX, KCN TP nâng cao cấp độ phòng chống dịch. Ngoài ra, tất cả doanh nghiệp trong và ngoài KCX, KCN phải tổ chức cho người lao động khai báo y tế; ký cam kết với chính quyền địa phương về chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch.
Tổ chức tiêm vắc-xin có hiệu quả
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể như huy động các nguồn lực để xét nghiệm Covid-19 chủ động; thực hiện "chiến lược vắc-xin" tìm kiếm nguồn vắc-xin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, tổ chức tiêm vắc-xin có hiệu quả; chuẩn bị thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và nguồn tài chính sẵn sàng phục vụ phòng chống dịch; chuẩn bị phòng chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ". Song song đó, thực hiện phân công, phân cấp hợp lý, rõ ràng, với phương châm "tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã; thôn, bản, ấp lo cho thôn, bản, ấp; mỗi người dân tự lo cho sức khỏe của chính mình, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc".
Bình luận (0)